Chủ Nhật, 19/01/2025 | 09:35
21:55 |
Hành trình chinh phục Himalaya của một người Việt trẻ (8)
Hành trình này chúng tôi đã thực hiện từ cách đây tròn nửa năm. Nửa năm qua, chẳng quá ngắn cũng chẳng quá dài, đủ để quên những thứ cần quên, và không bao giờ đủ để xóa nhòa những ký ức cần nhớ.
Kì 4: Đường trek đến Namche Bazaar
Kì 8: Những ngày của cảm xúc
Người Việt Nam thứ 5 đặt chân lên đỉnh Island Peak
Trong khi hai bạn trek lên Island Peak base camp, tôi cũng bắt đầu cùng bạn porter trek xuống Dingboche để chờ mọi người. Tôi chỉ mất hơn 2 tiếng cho quãng đường đi xuống này.
Ngôi làng vắng lặng chìm trong ánh mặt trời rực rỡ. Trong nhà khách tôi ở chỉ còn lại lác đác vài người, còn lại đã đi trek thích nghi độ cao hết lượt. Tôi dành phần lớn thời gian đi lang thang ngắm nghía dọc ngôi làng, hoặc đọc sách, viết lách. Cảm giác thư thái và bình yên đã quay trở lại. Tôi cầu cho hai người bạn mình sẽ thành công.
Tôi cầu cho hai người bạn mình sẽ thành công
"18/10/2011 - Ngày thứ 27 - Đang ở 1 nơi xung quanh 4 bề là núi tuyết. Không điện thoại, không tiếng người nói, không có ai thân thiết ở bên. Cảm giác đang ở trong 1 hòn đảo biệt lập. Nhớ nhà, nhớ cơm mẹ nấu, nhớ các bạn, nhớ vườn cây của mình. Còn 10 ngày nữa mới được về nhà". (Trích nhật ký của Rosy)
Hôm nay đã là ngày thứ 27 tôi xa nhà và là ngày thứ 8 kể từ khi đặt chân đến sân bay Lukla và bắt đầu chuyến đi, vậy mà một loạt biến cố xảy ra khiến tôi cảm tưởng đã đi lâu lắm rồi. Nếu không có quyển sổ nhật ký, tôi sẽ gần như hoàn toàn mất khái niệm về thời gian: hôm nay là thứ mấy, ngày bao nhiêu...?
Tối hôm đó, tôi gặp lại Dil ở Dingboche. Sau khi dẫn hai bạn đến Island Peak base camp, nó trở về luôn Chukkung rồi về thẳng đây vì không an tâm cho tôi. Dil cho biết hai bạn tôi đã được hai “mountain guide” người Shepa rất có kinh nghiệm dìu dắt kể từ base camp, nên nó hết nhiệm vụ.
Đêm hôm nay, các bạn của tôi sẽ bắt đầu rời base camp và chinh phục Island Peak.
Các bạn của tôi sẽ bắt đầu rời base camp và chinh phục Island Peak
Tôi lại dành cả buổi sáng ở Dingboche thơ thẩn đọc sách, ngắm trời, ngắm đất, ngắm mây chờ các bạn trở về. Theo như tính toán, nếu các bạn lên được đỉnh thì sớm nhất phải tối muộn, hoặc sáng hôm sau mới về đến nơi. Sáng nay, Dil đã trek lại lên Chukkung để đón các bạn. Thế nhưng gần 12h trưa, tôi ngạc nhiên khi thấy Trung bước vào phòng khách cùng Dil.
Theo lời Trung, họ xuất phát từ base camp vào nửa đêm. Tour chúng tôi đặt tại công ty du lịch thì 2 người sẽ chung 1 guide. Tuy nhiên đến đó, họ bỏ tiền ra thuê thêm 1 guide người Sherpa nữa để mỗi người có 1 guide riêng, phù hợp với thể lực và tốc độ leo của riêng họ.
Trek được một lúc thì kẻ đi trước người đi sau khá xa. Đi được hơn 1 tiếng, Trung cảm thấy không tiếp tục được nữa nên quyết định quay về. Trớ trêu, Trung lại là người cầm chiếc máy ảnh duy nhất.
Đáng tiếc là chúng tôi không ghi lại được khoảnh khắc chinh phục Island Peak
Trong chuyến đi này, cả ba bọn tôi đều mang theo những chiếc máy DSLR, có tôi mang thêm 1 chiếc PS chống nước chống shock và chịu được lạnh. Tôi đã đưa chiếc máy nhỏ này cho 2 bạn từ Chukkung. Đến base camp, họ quyết định sẽ để máy to ở lại, chỉ mang theo máy bé và Trung lại là người cầm chiếc này.
Khi ấy, trong màn đêm mịt mùng, Trung cũng không biết Đức đã đi trước đến đâu nên không thể đưa máy ảnh cho Đức. Trung quay trở lại lều ở base camp nghỉ ngơi một lúc rồi đi thẳng về Dingboche.
Chúng tôi ngồi trò chuyện, hồi hộp chờ thông tin từ Đức. Xế chiều vẫn chưa thấy bóng dáng Đức đâu, cả bọn đều hy vọng Đức đã lên được đỉnh và đang trên đường quay về.
Đức là người Việt Nam thứ 5 đặt chân lên đỉnh Island Peak
Vào lúc 8h tối, trong khi tôi, Trung và Dil vẫn đang ngồi ở phòng khách nghe ngóng thì Đức và bạn guide người Sherpa đẩy cửa bước vào, trông vẫn khá tươi tỉnh. Theo như lời guide, Đức thuộc nhóm những người đầu tiên đặt chân lên đỉnh Island Peak.
Vậy là vào khoảng hơn 8h sáng ngày 19/10/2011, lá cờ Việt Nam thứ hai đã lại tung bay trên đỉnh Island Peak. Đức là người Việt Nam thứ 5 đặt chân lên đỉnh này (tuy nhiên đáng buồn là không có ảnh)
Xúc cảm ở nghĩa địa và bất ngờ ở Lobuche
Do có công việc cần giải quyết ở nhà, Đức chia tay chúng tôi hôm nay và trek thẳng về Namche Bazaar rồi Lukla để về Kathmandu và Hà Nội. Một bạn porter đi theo Đức. Còn tôi, Trung, Dil và 1 bạn porter khác tiếp tục quãng đường trek lên EBC.
Từ Dingboche, chúng tôi leo xuống một quả đồi rồi trek dọc theo một thung lũng khô cằn rộng lớn. Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp những ngôi nhà bằng đá im lìm ngằm gối đầu lên những ngọn núi phủ tuyết. Quãng đường trek từ Dingboche đến điểm nghỉ chân ăn trưa giữa đường lại là những khung cảnh dễ làm người ta quên hết mỏi mệt. Chỉ còn lại những sự ồ à thích thú, những lúc lặng người đi vì đẹp quá. Tôi cảm thấy may mắn khi đang có mặt ở đây, vào thời điểm này.
Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp những ngôi nhà bằng đá im lìm ngằm gối đầu lên những ngọn núi phủ tuyết
Từ chỗ nghỉ trưa, chúng tôi phải trek lên 1 con dốc rất cao để lên đỉnh đồi, sau đó quãng đường mới thoai thoải đến Lobuche. Trông thì ngắn và đơn giản, xong con dốc ấy cũng lấy mất của chúng tôi cả tiếng phờ phạc bò lên. Trên đỉnh, gió thổi hun hút, mây đã chăng gần kín bầu trời, hàng chục dải cờ phướn đủ màu sắc bay phần phật. Dil nói với tôi đây là nghĩa địa tưởng niệm những người đã thiệt mạng khi leo núi trong vùng, chủ yếu là Everest.
Đẩy là nơi tôi đã nói đến ở đầu câu chuyện này, nơi đã để lại cho tôi những ấn tượng và những sự ám ảnh mạnh mẽ.
Tôi nhận ra ngay ngôi mộ của Scott Fisher, một tên tuổi lớn trong làng leo núi quốc tế, mất tại Everest trong thảm họa tồi tệ nhất xảy ra ở đây vào ngày 10 tháng 5 năm 1996 khiến 8 người thiệt mạng chỉ trong vài ngày. Câu chuyện về thảm họa năm 1996 này đã được ghi lại khá chi tiết trong cuốn Into thin air của Jon Krakauer và The Climb của Anatoli Boukreev. Scott và một tên tuổi rất được kính trọng khác, Rob Hall, người cũng thiệt mạng là hai người dẫn đầu của hai đoàn khám phá trong thời gian đó. Lẽ ra họ có thể giữ được mạng sống của mình nếu như không nhất quyết ở lại trợ giúp những người leo yếu hơn đang chống chọi với cơn bão. Họ ra đi như những anh hùng, song từ đó người ta dường như nhận ra hơn bao giờ hết quy luật khắc nghiệt nơi đây, nơi không có chỗ cho sự nhân từ.
Trước một tấm bia tưởng nhớ người leo núi đã tử nạn
Về sau, có những chuyện tương tự xảy ra, ví dụ như trong loạt phim tài liệu “Everest - Beyond the limit” của kênh Discovery, rất nhiều người đã bị chỉ trích khi đi qua một người đang ngồi trên đường, vẫn còn thoi thóp sống nhưng không ai làm gì để cứu anh ta. Tính đạo đức của việc leo núi đã được bàn cãi gay gắt trong thời gian dài mà chưa có hồi ngã ngũ. Tôi vẫn nhớ khi ông trưởng đoàn Russell gọi điện cho gia đình người leo núi xấu số đã mất ngay sau đêm bị bỏ mặc lại đó, nói rằng đoàn của ông ấy không thể làm được gì hơn bởi không thể đưa anh ta xuống được do tình trạng anh ta rất tệ, người bố đã trả lời: "năm sau chúng tôi sẽ đưa cái xác xuống, và gửi nó đến nhà ông".
Dil chỉ cho tôi một ngôi mộ khác, của một người Sherpa rất được kính trọng. Một quãng đời đầy tự hào, nhưng kết cục thật buồn... Những người Sherpa mới chính là những người anh hùng thật sự và thầm lặng nhất sau mỗi thành công chinh phục Everest. Họ là người mang những khối lượng đồ đạc nặng nhất (có thể lên tới 100kg/ngươi), set up lều trại, nấu nướng, phục vụ ăn uống, dẫn đường. Trước mỗi mùa leo, họ còn là những người đầu tiên đi "mở đường", chuẩn bị dây suốt dọc đường lên đỉnh. Còn đa số những người đi leo, sẽ chỉ việc vác xác của mình lên theo sau những sự hỗ trợ đó.
Hình ảnh quen thuộc của những người porter với giỏ đồ cao ngất ngưởng
Dil nhìn trời đất, rồi giục chúng tôi đi mau về Lobuche. Tuyết sắp rơi.
Từ nghĩa địa, chúng tôi trek dần xuống một thung lũng, rồi đi men theo con sông đang vào mùa cạn nước, lòng sông giờ chỉ trơ toàn đá.
Đoàn người chỉ là những chấm bé tí giữa thiên nhiên bao la
Thế rồi, tôi cũng thấy những nóc nhà thấp thoáng ở phía xa. Đó chính là Lobuche, nơi chúng tôi sẽ dừng chân đêm nay. Cũng giống như Dingboche, ngôi làng nhỏ bé này được hình thành để phục vụ dân leo núi và trekkers trong vùng. Bên trong phòng khách ấm cúng, dân tình nằm ngồi ngả ngốn nghỉ ngơi, kẻ tán chuyện, người đọc sách. Mùi thức ăn xông lên sực nức.
Chuyến đi dài ngày với nhiều mệt mỏi làm tôi đôi khi quên mất khái niệm về thời gian. Tôi chỉ nhớ lúc đang ngồi đọc sách nhâm nhi trà gừng chờ ăn tối thì Dil và Trung rủ nhau đi đâu mất, lúc sau mặt mày rạng rỡ xuất hiện. Trung bê trên tay cái khay nhôm trên đó có 1 bông hoa (được gấp bằng giấy ăn) cắm vào 1 cái cốc, đặt bên cạnh 1 ngọn nến đang cháy bập bùng.
“Chúc mừng em nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10!”
Đó quả thật là một sự bất ngờ ngọt ngào từ những người bạn đồng hành. Tôi xúc động vô cùng, sau đó thì hơi đỏ mặt vì tất cả những người xung quanh đang nhìn bọn tôi đầy vẻ thích thú. Mặc dù hàng ngày đều viết nhật ký, nhưng khi viết con số 20/10 lên giấy, trong đầu tôi không hiện lên mảy may ý nghĩ gì về một ngày đặc biệt của riêng phụ nữ Việt Nam. Cảm ơn các bạn đã cho tôi có 1 cảm giác lãng mạn nhỏ bé ở cái chốn tận cùng heo hút này!
Xem tiếp Kì 9: Trở về - Một quyết định đúng
Rosy (Theo TTTĐ)Ảnh: rOsy
Ý kiến đánh giá