20:12  | 

Nghề sửa chữa xe máy - “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”

“Tôi đã có cơ hội được học nhiều nghề. Cũng đã có điều kiện và cơ hội để làm ở nhiều lĩnh vực khác, nhưng đúng là chỉ có duyên với nghề sửa chữa xe máy. Đã xác định là nghề của mình, thì phải thực sự yêu nó. Mình có yêu nghề thì nghề mới cho mình nhiều thứ”.

Đó là tâm sự của anh Trịnh Huy Hoàng – chủ cửa hàng sửa chữa xe máy Huy Hoàng (Chợ Cống, Ngọc Hòa, Chương Mỹ, Hà Nội), người vừa đạt giải nhất “Thợ giỏi chủ tài năng” do Castrol tổ chức.

Anh Trịnh Huy Hoàng đạt giải nhất “Thợ giỏi chủ tài năng” do Castrol tổ chức

Yêu nghề hơn cả người yêu

Nếu bạn có dịp đến sửa xe tại cửa hàng sửa chữa xe máy Huy Hoàng, bạn sẽ thấy được sự tấp nập của khách đến sửa, thấy được sự bận rộn của những người thợ nơi đây. Và điều đặc biệt, bạn sẽ khó mà nhận ra được ai là chủ, ai là thợ của cửa hàng. Tất cả đều mặc một chiếc áo màu xanh đồng phục do Castrol gửi tặng. Người chủ cửa hàng – anh Trịnh Huy Hoàng là thế, vừa vì yêu nghề, vừa vì muốn tạo uy tín cho với khách hàng, anh luôn xắn tay vào giải quyết những “ca bệnh” khó nhất của xe máy. Nếu anh chưa sửa xong, khó ai có thể khiến anh dời được chiếc xe.

Anh Hoàng còn yêu nghề sửa xe máy hơn người yêu

Anh Hoàng bắt đầu cầm cờ lê vào năm 1990. Năm mà một chàng trai đôi mươi dám tuyên bố: “Tôi yêu nghề sửa xe còn hơn cả người yêu”. “Thì đúng lúc đó là như thế, mình có thể bỏ cả đi chơi với bạn gái để ở nhà sửa xe. Cái xe nào vẫn đang còn sửa dang dở thì nhất định phải làm cho xong, một là hẹn với khách trả đúng giờ, hai là sửa không xong thi cảm thấy trong người khó chịu lắm” – Anh Hoàng tâm sự.

“Mình bén duyên nghề sửa chữa xe máy cũng bởi thích cơ khí. Hơn nữa, nghề sửa xe máy thời điểm cuối những năm 80 như bông hoa bắt đầu hé nở, nó mở ra một tương lai sáng cho những người thực sự tâm huyết với nghề”. Nghĩ thế, nên khi vừa tốt nghiệp phổ thông, thi đỗ vào trường Đại học Pháp lý nhưng anh Hoàng vẫn quyết định không đi học để theo cái nghề quanh năm tay dính đầy dầu mỡ.

Cửa hàng sửa chữa xe máy Huy Hoàng

Thời gian ban đầu quả là khó khăn đối với người thợ trẻ. Với số vốn ít ỏi chỉ đủ thuê một căn buồng của ngôi nhà cấp 4 để mở cửa hàng, anh Hoàng bước vào nghề sửa xe. Cửa hàng của anh lúc đó tường xung quang vẫn còn xây thô, nền đất. Dụng cụ chỉ là hộp đồ đơn giản, máy mài phải quay bằng tay rất thô sơ. Máy nén khí chưa có, anh phải dùng máy hút bụi để thổi dầu.

Dụng cụ chưa có, tay nghề lại chưa vững, muốn giỏi thì phải đi học. Anh Hoàng đã quyết định Nam tiến, học cho được cái nghề. Anh vào Nam năm 1989, theo học và làm ở một tiệm sửa xe thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Theo anh Hoàng, sở dĩ phải vào Nam học vì người trong đó vốn sửa xe tài hơn ngoài Bắc, họ lại kĩ lưỡng, nhiệt tình, làm việc trong môi trường ganh đua nhau để phát triển nên rất tốt cho mình.

Sau 2 năm học nghề rồi mở của hàng sửa chữa xe máy tại Long Xuyên, anh tích lũy được kinh nghiệm và quyết định trở về quê lập nghiệp. Anh Hoàng cho hay: “Điều đầu tiên khẳng định mình và tạo dấu ấn cho khách là mình phải có thế mạnh. Phải làm được cái gì đặc biệt hơn người ta. Thời kì đó là thời kì của những chiếc xe Honda 78, 79, xe chạy bằng vít lửa. Lắp đặt thì rất dễ, nhưng tiêu chuẩn chỉnh theo góc độ của xe thì đòi hỏi người thợ rất có tay nghề mới làm được. Xe hỏng cái má vít, khách hàng đi nhiều thợ sửa mà không được, có khi sửa vài ngày lại phải chỉnh lại. Nhưng khi đến với Huy Hoàng, họ đã thực sự bị thuyết phục. Anh Hoàng tự tin nói sửa được, sửa xong còn cam kết bảo hành trong 5 tháng. “Thực ra thì việc này cũng rất vất vả, mình luôn phải trăn trở, suy nghĩ để chỉnh má vít mỗi con xe phù hợp với độ đánh lửa khác nhau” - Anh Hoàng chia sẻ.

Khẳng định được sở trường, dựa vào lòng yêu mến của khách hàng để phát triển, giờ đây, cái tên Cửa hàng xe máy Huy Hoàng đã vươn xa, phục vụ sửa chữa xe cho người dân trong khu vực.

Xây dựng lòng tin - Yếu tố tạo nên thành công

“Yếu tố để tạo nên thành công của cửa hàng mình, điều đầu tiên là con người. Con người ở đây là tạo niềm tin cho thợ làm việc cho mình, là tạo niềm tin với khách hàng, tôn trọng khách hàng” – Anh Hoàng khẳng định.

Với thợ, quan điểm của anh Hoàng là “mình ăn bát cơm thơm thì cũng phải dành cho thợ bát cơm thường, chứ không thể để họ uống ước lã không được”. Do đó, thợ làm tại cửa hàng được trả lương cao, đúng với trình độ và công sức của họ. Cách đào tạo và bố trí thợ làm việc chuyên biệt của anh Hoàng cũng rất hiệu quả. Khách hàng đến, anh Hoàng là người chính thức ra nhận xe. Kiểm tra xe, chẩn đoán, sau đó thì tùy theo bệnh mà bố trí cho từng anh em làm mỗi bệnh khác nhau. Ông chủ của cửa hàng với 16 thợ cho hay: “Thợ như bàn tay, ngón ngắn ngón dài, người giỏi cái này, người giỏi cái kia. Mình phải biết dùng người để truyền lại nghề, biết rõ ai mạnh sửa chữa cái gì để phân công. Như vậy, quá trình nhận xe, sửa xe và giao xe cho khách không mất quá nhiều thời gian”.

Thợ làm tại cửa hàng Huy Hoàng được trả lương cao, đúng với trình độ và công sức của họ

Với khách hàng, Huy Hoàng tạo được niềm tin bằng trình độ và thâm niên của thợ, bằng một hệ thống đầy đủ các dụng cụ hiện đại để đại tu một chiếc xe như: máy nắn khung càng, máy tiện, máy doa, máy móc trục cam, máy mài cam cò, máy mài đĩa, máy ra vào biên, máy mài lỗ. Chính vì thế, khách hàng ở đây không chỉ có người dùng xe, thợ sửa quanh vùng gặp ca khó hay cần mua đồ cũng đều phải tìm đến anh.

Nâng cao trình độ thợ, trang bị đầy đủ máy móc để cửa hàng phát triển mạnh là điều đương nhiên, tuy vậy, theo anh Hoàng, quan trọng nhất vẫn là phong cách phục vụ và sự quan tâm đến khách hàng. Mỗi khi đi vắng, anh đều dặn thợ lưu lại số điện thoại của khách, về đến nhà kiểm tra nhật kí sửa chữa, anh bốc máy gọi cho từng khách đã đến sửa để hỏi han tình trạng xe sau khi sửa tại của hàng. Việc làm nhỏ đó tạo nên uy tín và cũng tạo nên thương hiệu của Huy Hoàng.

Cửa hàng được trang bị máy móc rất đầy đủ

Tạo nên thương hiệu không phải là dễ, việc giữ gìn nó lại càng khó. Do đó, anh Hoàng tâm niệm phải tạo nên được chữ tín về cách sửa chữa cũng như thay thế phụ tùng. “Có người khách đến đây thay thế phụ tùng hỏi mình, liệu cửa hàng có thay đồ dởm vào không? Mình trả lời luôn, nếu thay đồ dởm, tôi lãi thêm của anh được thêm 1 -200 nghìn, nhưng như thế thì tôi bán rẻ mình quá, bán rẻ cái thương hiệu của cửa hàng này quá. Nói thế, làm thế, rồi sau này khách cũng yên tâm, vì cứ đến cửa hàng Huy Hoàng là không bao giờ sợ gặp phải đồ dởm, hay thợ bảo thay đồ ngon lại lắp đồ đểu” – Anh Hoàng kể.

Xây dựng lòng tin luôn là điều tối quan trọng trong nghề sửa chữa xe máy. Tuy nhiên, muốn cửa hàng trở thành số 1 trong khu vực, nhất thiết người chủ phải có tầm nhìn. Khi còn là học sinh trong trường, anh Hoàng đã chịu khó mày mò. Đến lúc làm thợ thì liên tục nghiên cứu, tại sao họ lại làm như vậy? Họ thay đổi như thế nhằm mục đích gì?.

Sửa chữa xe tay ga cao cấp

Anh Hoàng cho biết: “Bất cứ loại xe nào mới ra, mình ngồi đi một vòng và quay lại sẽ biết chiếc xe đó hỏng bộ phận nào trước tiên. Chẳng hạn như chiếc Future Neo, khi mới ra, khách đến thay dầu, mình thử xe là biết hơi sẽ chết đầu tiên khi nghe côn của piston, gạt dầu của xéc-măng. Nhờ đoán trước được khả năng và xác suất hỏng hóc của một chiếc xe cụ thể, anh quay ra tính toán ngay cách khắc phục, để khách đến là có thể làm được ngay”.

Rất nhiều yếu tố đã tạo nên thành công của cửa hàng xe máy Huy Hoàng ngày nay. Thời điểm này, một ngày cửa hàng anh nhận sửa trung bình từ 40-50 xe, ngày cao điểm sửa cả trăm xe. Đúng là để thành công, không gì bằng yêu nghề và sống với nghề.

 Thảo Anh (Theo TTTĐ)

Ý kiến đánh giá (53)


Có thể bạn quan tâm