07:37  | 

50 năm trước Việt Nam đã có đua xe thể thao...

Hệ thống các giải đua xe môtô đã có mặt ở nước ta gần 50 năm trước. Đã có những đường đua lịch sử, đã có những tay đua đi vào huyền thoại nhưng không phải ai cũng biết đến giải đua này, nhất là người dân ở khu vực phía Bắc...

Ký ức đua xe

Với nhiều người, cái mốc 1989 được xem là cái mốc đáng nhớ nhất của môn thể thao đua xe thể thao khi lần đầu tiên Sở TDTT TP.HCM cho phép tổ chức Giải vô địch đua xe Honda 67 tại trường đua Phú Thọ. Như lời kể của tay đua “huyền thoại” Mã Kim So, đây chính là giải vô địch đua xe gắn máy hợp pháp đầu tiên ở Việt Nam.

Tuy nhiên, với những bậc tiền bối của So Gà - tên các tay nài hay dùng để gọi tay đua Mã Kim So, thì giải đua xe máy đầu tiên của Việt Nam bắt đầu từ năm 1968. Tay đua nổi tiếng một thời Sáu Lắm - thân sinh của cặp tay đua Trần Văn Lứ và Trần Văn Liên, nhớ như in vào mùa hè năm 1968, chính quyền Sài Gòn cũ cho phép tổ chức đua với thể thức xe... Honda 67 tại trường đua Phú Thọ. Các tay đua hừng hừng khí thế vào sân để tranh tài một cách đường đường chính chính chứ không còn đọ thí kiểu chui gầm xe ben hay cây hai thập thò ngoài xa lộ Đại Hàn. Đáng tiếc, giải đua này chỉ diễn ra duy nhất một lần rồi ngưng, mãi đến năm 1989 mới được tổ chức lại.

Việt  Nam đã có giải đua môtô hợp pháp từ năm 1989

Năm 1989, thời điểm đó nếu so với thế giới, chúng ta đã chậm hơn khoảng... 7 thập kỷ và dù mới chỉ ở đẳng cấp sơ khai, cơ sở vật chất chưa phát triển, chưa được phép đua ở các chủng loại xe phân khối lớn nhưng trình độ của các tay đua Việt Nam cũng tiến bộ rất nhiều khiến nhiều tay đua nước ngoài phải nể phục như Mã Kim So, Vũ Trọng Bằng, Châu Lam Sơn...

Và đến năm 2006, khi Liên đoàn xe đạp - mô tô thể thao Việt Nam đồng ý và ban hành điều lệ giải vô địch cúp các CLB cho phép đua xe 125cc - loại xe “hạng ruồi” trong phân khúc thế giới, các tỉnh miền Tây đã nhanh chóng phát triển môn thể thao này với tốc độ chóng mặt.

Đua xe ở miền Tây phát triển thành một môn thể thao lành mạnh

Trong một năm, hệ thống giải đua xe môtô 125cc được tổ chức luân phiên ở nhiều tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ hay một số tỉnh miền Trung. Những người dân ở các tỉnh Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, An Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Tháp hay mới đây là Đà Nẵng không ai là không biết đã tồn tại một hệ thống giải đua xe như thế.

Trường đua xe chính là các sân vận động cấp huyện, cấp tỉnh. Nó được thiết kế với các đường chạy xung quanh sân, có nơi là đường nhựa, có nơi là đường đất. Không khí ở mỗi trường đua đều khá giống nhau, nhưng đường đua thì khác nhiều.

Sân Bình Phước có đường đua với đoạn chạy thẳng ngắn, mặt đường đua nhiều sỏi trơn trượt. Sân Vĩnh Long cũng không mịn màng. Sân Cần Thơ tốt hơn cả, chuyên nghiệp hơn vì đã có kinh nghiệm tổ chức thi đấu đua xe khá lâu. Không khí trên trường đua Cần Thơ cũng khác hẳn, với thường xuyên có khoảng 40 ngàn người đến xem.

Các giải đua xe tổ chức tại  SVĐ Cần Thơ luôn có khoảng hơn 40 ngàn khán giả

Thời gian gần đây, giải đua Vietnam Motor Cub Prix đã ra đời - mở đầu cho cách thức tổ chức chuyên nghiệp cũng như nâng tầm cho môn thể thao tốc độ này. Cách thức tổ chức của đơn vị đăng cai Vietnam Motor Cub Prix cũng là điều đáng nói tới. Đó là sự chuẩn bị kĩ càng, quảng bá rộng rãi, đảm bảo tốt về an toàn và an ninh cho giải đua.

Đây cũng là cách tổ chức được đánh giá là thành công với "những điều đầu tiên": Lần đầu tiên đua xe ở hệ động cơ 4 thì; Lần đầu tiên các tay đua trẻ được thử sức trên đường đua; Lần đầu tiên một giải đua có những chương trình bên lề đặc sắc (biển diễn, trưng bày môtô phân khối lớn...). Những thay đổi tích cực đó là dấu hiệu đáng mừng, làm tiền đề cho sự phát triển hơn nữa của môn thể thao tốc độ này ở Việt Nam.

Khát vọng dẫn đầu

Thông thường một giải đua thường được diễn ra ở hai hệ: chuyên nghiệp và phong trào. Các tay nài ở hệ phong trào đua trước, đan xen và tiếp sau đó là màn cạnh tranh của các tay nài chuyên nghiệp. Đường đua quanh các sân vận động được chia làm 4 làn, tương ứng với mỗi lượt đua gồm tối đa 4 tay đua.

Các vòng đua trở nên cực kì sôi động và hấp dẫn

Trước mỗi lượt đua chính, các tay nài được chạy khởi động trước vài vòng. Ngay cả khi chạy thử, trên khán đài đã không ngớt tiếng reo hò khi chứng kiến những màn bốc đầu, vỉa cua...

Ở giải đua mô tô 125cc, việc xuất phát tốt góp phần rất quan trọng vào thành tích của mỗi tay nài. Ai đề-pa tốt để vươn lên dẫn đầu cùng việc duy trì tay lái ổn định trong mỗi lượt đua sẽ có cơ hội chiến thắng cao.

Đề - pa tốt là yếu tố quan trọng để giành chiến thắng

Càng vào sâu ở các lượt đua tứ kết, bán kết rồi chung kết thuộc cả hai hệ, tính canh tranh ngày càng quyết liệt. Các tay nài giành giật nhau khoảng cách từng bánh xe, từng khoảnh khắc, từng cơ hội để vượt lên phía trước.

Nếu như đoạn đường thẳng cần đến tốc độ và sức mạnh của động cơ thì những khúc cua lại cần đến bản lĩnh, kinh nghiệm, trình độ điều khiển của các tay lái. Việc thường xuyên duy trì ở tốc độ từ 100 - 150km/h (đường thẳng), khoảng 70-80km/h (khi ôm cua) đòi hỏi các tay nài phải có tâm lí vững vàng, phán đoán và xử lí một cách nhanh nhạy. Mọi quyết định được đưa ra chỉ trong tích tắc.

Khán giả theo dõi cuộc đua có lúc reo vang sau cú vượt ngoạn mục, có lúc ồ lên, trầm xuống sau những pha té ngã. Cũng đã có những tai nạn trên đường đua.

Những pha ôm cua có tốc độ khoảng 70-80 km/h

Cũng đã có tay nài phải vào thẳng bệnh viện nhưng sức nóng trên đường đua không lúc nào giảm nhiệt. Vì niềm đam mê, vì danh dự của lò đua, các tay nài cứ lao ra đường đua là tiến về phía trước.

Đâu đó cũng có những toan tính chiến thuật, những pha xấu chơi, nhưng hơn cả, người ta thấy được tính lành mạnh, thấy được khát vọng dẫn đầu ở môn thế thao tốc độ này.

Có những huyền thoại

Ở trong những cuộc đua như thế, người ta dần thấy những “tay đua vàng” như Lê Huy Hoà, Phạm Chí Trọng, Châu Lam Sơn, Trần Văn Liên, Lưu Thanh Tuấn, Nguyễn Viết Linh…

Người ta thấy một huyền thoại Mã Kim So, một “ông vua đường đất” Vũ Trọng Bằng, “ông hoàng đường nhựa” Trần Ngọc Sang hay gần đây là một tập thể mạnh của những tay đua cừ khôi đến từ Thành Đạt Racing Boy.

"Ông hoàng đường nhựa" Trần Ngọc  Sang

Để theo đuổi đam mê, các tay đua đã phải đánh đổi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Để đạt được thành tích đã không thiếu những cú ngã chí tử, những tháng dài nằm viện… nhưng hơn hết là họ biết họ làm gì, họ biết là họ đang cống hiến cho một môn thể thao đích thực.

Vua đường đất Vũ Trọng  Bằng

Và hơn hết, khi có sân chơi, tệ nạn đua xe trái phép chắc chắn sẽ không còn. Chính tay đua Vũ Trọng Bằng đã phát biểu với báo chí trong một lần vô địch giải đua: “Hãy thực hiện và sống với đam mê của mình dưới sự cho phép của các Tổ chức, liên đoàn. Đừng để đam mê của bạn lại là mối đe doạ cho sự an nguy của người khác”.

Phía sau đường đua

Chứng kiến những phút tranh tài gay cấn trên đường đua, ít ai biết rằng, phía sau đó là nỗ lực tập luyện của các tay nài, là cố gắng của cả đội đua. Ở khu vực phía Nam, mỗi đội đua thường được gọi là một lò đua.

Một lò đua muốn tham gia thi đấu tại các giải đua phải đăng kí với BTC và được sự cho phép của Liên đoàn xe đạp – môtô thể thao Việt Nam.

Mỗi tay đua đều được trang bị an toàn tối đa

Mỗi lò đua, ngoài việc tuyển trạch được những tay nài xuất sắc còn phải được trang bị những “chiến mã” tốt. Xe đua đóng vai trò rất quan trọng trong mỗi cuộc đua. Chiếc Suzuki RGV 125, Yamaha Z125 được “chế”, “độ” sao cho đạt được tốc độ cao nhất, ôm cua không bị văng, động cơ đề-pa tốt…

Để chiếc xe vận hành vượt trội thì phần quyết định lại phụ thuộc vào các thợ máy. Người thợ máy giỏi đồng nghĩa với việc chế được những chiếc xe đua hay. Trang bị quần áo đua, mũ bảo hiểm của các đội đua cũng khác nhau.

Đội nào có kinh phí mạnh thì có thể “sắm” cho các tay nài những bộ trang phục lên tới cả nghìn USD, đội ít có điều kiện hơn thì cũng phải bỏ hàng chục triệu đồng để mua mũ, áo.

Đằng sau thành công của mỗi tay đua là sức mạnh của cả đội

Các lò đua hoạt động được nhờ kinh phí tài trợ của các cá nhân – những người cũng rất đam mê với môn đua xe môtô.

Anh Vũ – một trong số các nhà tài trợ của CLB Hùng Linh, Q.Bình Tân, TP.HCM cho hay: “Bọn mình tài trợ và tổ chức các đội đua thực sự không phải vì vấn đề lợi nhuận, tiền thưởng từ BTC các giải đua chỉ mang tính động viên. Mọi kinh phí từ tiền tậu xe, trả lương cho tay nài, thợ máy, di chuyển, ăn nghỉ trong mỗi giải đua đều do anh em cùng đóng góp… Tất cả là vì sở thích, sau này còn vì danh dự của lò đua, khi lò đua đã tạo dựng được tên tuổi”.

Thế Đạt (Theo TTTĐ)

Ý kiến đánh giá (2)


Có thể bạn quan tâm