21:46  | 

Lợi ích từ gói giải cứu ngành công nghiệp xe hơi Mỹ

Sự phục hồi của ngành công nghiệp ôtô Mỹ là một trong những câu chuyện thành công nhất trong 4 năm qua.

Các hãng sản xuất xe hơi tại Mỹ đưa ra báo cáo cho thấy, doanh số bán hàng tăng nhanh và lợi nhuận đạt mức kỉ lục, thành công bất ngờ này đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho thị trường việc làm tại Mỹ vốn cũng đang lâm vào tình thế không mấy sáng sủa.

Tuy nhiên, gói cứu trợ dành cho ngành công nghiệp ôtô của Tổng thống Obama năm 2009 vẫn là một đề tài gây nhiều tranh cãi cho kỳ bầu cử tổng thống năm nay.

Kho bạc Nhà nước Mỹ vẫn sở hữu hơn 30% cổ phần của hãng GM. Giá cổ phiếu của các hãng xe đang xuống dốc, điều này đồng nghĩa với việc những công dân đang nộp thuế không thể thu hồi lại tất cả các khoản tiền thuộc gói giải cứu đã bỏ ra cho General Motors và Chrysler.

Dưới đây là một số vấn đề chủ chốt mà cử tri Mỹ sẽ chất vấn xem ai đã quyết định đúng trong việc đưa ra gói giải cứu cho ngành công nghiệp ôtô.

Điều gì sẽ xảy ra nếu không có gói giải cứu này?

Đây là vấn đề mấu chốt trong các cuộc tranh luận bầu cử về gói giải cứu này. Ông Mitt Romney - ứng cử viên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, cho rằng nếu 2 hãng GM và Chrysler được hỗ trợ bằng chính sách hỗ trợ phá sản cho khu vực tư nhân, thì họ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn cả quy mô hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp xe hơi, kể cả cựu chiến lược gia xe hơi của chính quyền Obama, ông Steven Rattner, một người thuộc đảng Dân chủ, và cựu Phó Chủ tịch GM Bob Lutz, một người thuộc đảng Cộng hòa, đều cho rằng: Vào thời điểm năm 2009, không có chính sách hỗ trợ phá sản cho khu vực tư nhân và gói giải cứu chính là cách duy nhất để giữ cho các công ty này tiếp tục tồn tại.

Trong một bài trả lời phỏng vấn trên tờ Detroit Free Press vào tháng 2 vừa qua, cựu Phó Chủ tịch GM Bob Lutz lên tiếng:  "Mọi người cho rằng chúng tôi không cố gắng để vay được tiền từ các ngân hàng hay sao, lúc đó, các ngân hàng thậm chí còn khánh kiệt hơn chúng tôi. Vậy ai có tiền đây?".

Nếu không được tài trợ trong quá trình phá sản, cả GM và Chrysler sẽ buộc phải bước chân ra khỏi ngành công nghiệp xe hơi, kéo theo sự tan tác của vô số các nhà cung cấp khác. Điều này có thể khiến các nhà sản xuất xe hơi khỏe mạnh khác như Ford Motor cũng phá sản theo, vì hãng xe hơi khổng lồ này sẽ không tìm ra các nhà cung cấp phụ tùng cho những chiếc xe hơi sắp xuất xưởng. Đó chính là lý do tại sao Ford đã đích thân đến Nhà trắng vào cuối năm 2008 hối thúc chính phủ tung ra gói giải cứu dành cho các đối thủ của mình.

Trung tâm nghiên cứu ôtô - the Center for Automotive Research, một trung tâm tư vấn rất uy tín thuộc tiểu bang Michigan đã đưa ra ước tính cho thấy với việc tung ra gói giải dành cho GM, Chrysler và các công ty phụ thuộc, chính phủ Mỹ đã cứu vãn 1,5 triệu việc làm cho người lao động Mỹ.

Tuy vậy, vẫn có dư luận cho rằng ông Romney đưa ra chỉ trích đối với gói giải cứu của Chính phủ vì điều kiện phúc lợi cho các công nhân làm việc tại GM và Chrysler ngày nay có khi còn tệ hơn so với tình hình trước khi có gói giải cứu của chính phủ.

Các kế hoạch lương hưu cho các thành viên thuộc Hiệp hội công nhân ngành xe hơi về cơ bản vẫn được giữ nguyên. Nếu không xuất hiện gói giải cứu của Chính phủ Mỹ, các kế hoạch nghỉ hưu có thể sẽ bị cắt xén ở Cơ quan hưu trí Liên bang, và kết quả là nguồn lương hưu ít ỏi sẽ bị giảm. Ngoài ra, như tất cả các công ty khác, các hãng sản xuất ôtô thường sẽ nỗ lực cắt giảm lương trong tình trạng sắp phá sản. Điều này đã không xảy ra khi Kho bạc nhà nước Mỹ ra tay ứng cứu bằng gói cứu trợ dành cho các hãng sản xuất xe hơi.

Vậy gói giải cứu tốn kém bao nhiêu?

Không ai biết chắc chắn câu trả lời này. GM đã nhận được 49,5 tỉ USD từ chính phủ và đã hoàn trả khoảng 24 tỷ USD thông qua những lần thanh toán các khoản vay và việc bán cổ phiếu thành công trong lần lên sàn đầu tiên vào tháng 10 năm 2010.

Nhưng kể từ khi IPO, cổ phiếu của hãng đã sụt giảm đến 35%, điều đó có nghĩa là giá trị cổ phiếu của GM đã giảm đến 5,8 tỉ USD. Để bù lại phần thiếu hụt này, cổ phiếu của GM sẽ cần phải tăng hơn gấp đôi, đạt giá trị khoảng 51 USD/một cổ phiếu – đây quả là một con số hóc búa.

Hãng Chrysler đã nhận 10,5 tỷ USD từ gói giải cứu này, và đã hoàn trả được khoảng 1,3 tỷ USD thông qua những lần thanh toán các khoản vay và mua lại cổ phiếu.

Tuy nhiên, cái giá 60 tỷ USD mà chính phủ Mỹ bỏ ra để giải cứu 2 người khổng lồ này vẫn có thể xem là một món hời, ngay cả khi chưa tính đến khoản tiền 34 tỉ USD đã được hoàn trả cho chính phủ Mỹ. Vì nếu 2 ông lớn này phá sản, thì chắc chắn chính phủ Mỹ sẽ thất thu một khoản thuế lớn từ chính các hãng sản xuất ôtô, các nhà cung cấp và đại lý của họ, chưa kể đến việc 1,5 triệu công nhân đột nhiên thất nghiệp.

Theo số liệu tính toán của Trung tâm nghiên cứu ôtô, thất thu từ thuế thu nhập cá nhân cộng với các chính sách phúc lợi khác hỗ trợ người lao động thất nghiệp như bảo hiểm thất nghiệp, phiếu hỗ trợ thực phẩm cho người thất nghiệp, có thể khiến chính phủ Mỹ phải bỏ ra từ 50 đến 60 tỉ USD trong năm đầu tiên và thêm 34 tỉ đến 54 tỉ USD trong năm thứ hai. Đây quả là một số liệu đáng kinh ngạc.

Chính quyền Obama hy vọng giá cổ phiếu của GM sẽ tăng, giúp thu hồi nguồn vốn đã bỏ ra. Các chuyên gia phân tích khảo sát của hãngThomson Reuters dự báo, giá cổ phiếu sẽ tăng lên khoảng 30 USD/cổ phiếu trong 12 tháng tới, tăng đến 47%. Điều này sẽ giúp tăng giá trị cổ phần mà Kho bạc Mỹ đang nắm giữ tại GM đạt giá trị 4,3 tỷ USD.

Nhiều nguồn tin cho rằng, có lẽ các giám đốc điều hành hàng đầu của GM là những người quan tâm sốt sắng nhất đến việc Kho bạc Mỹ sẽ bán ra các cổ phiếu của GM càng sớm càng tốt, do lương bổng trả cho họ vẫn bị chính phủ chi phối vì số cổ phiếu khổng lồ đang nằm trong tay Chính phủ. Tuy nhiên, các quan chức hàng đầu GM khẳng định dù được gắn mác là "Hãng xe hơi của chính phủ" do tác động của gói giải cứu tài chính nhận từ Chính phủ, Kho bạc nhà nước vẫn không hề nhúng tay vào những quyết định điều hành kinh doanh của GM.

Thanh Vân (TTTĐ)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm