Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:12
09:26 |
Chính sách thuế ô tô: Cần cân nhắc thận trọng
Với mục tiêu hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, điều chỉnh thuế nhập khẩu ô tô cần đảm bảo mục tiêu không làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất ô tô trong nước, đồng thời vẫn tạo sức ép để giảm giá bán ô tô, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, Bộ Tài chính đã đưa ra một số định hướng chính sách thuế đối với ô tô trong thời gian tới.
>> Từ chối đòi hỏi giảm thuế phí ôtô
Không sửa thuế TTĐB trong năm 2013
Mới đây, Bộ Tài chính đã có Công văn 928/BTC-CST phúc đáp những kiến nghị của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tại Công văn số 7712/VAMA ngày 16/11/2012 về việc tháo gỡ những khó khăn nghiêm trọng cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Bên cạnh đó, VAMA cũng kiến nghị Chính phủ ban hành lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (FTA). Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu, tùy theo xuất xứ sẽ chịu thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi được thực hiện cắt giảm đều hàng năm, đã được công bố rộng rãi, tất cả các tổ chức, cá nhân đều biết. Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư công bố Biểu thuế ưu đãi đặc biệt với các mức thuế trong 3 năm (2012, 2013, 2014). Từ năm 2015 trở đi, Bộ Tài chính sẽ trao đổi cụ thể với các bộ, hiệp hội có liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong Công văn 7712, VAMA đã đề nghị giảm Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và không phê duyệt thêm bất cứ một loại phí, lệ phí nào liên quan đến ô tô. Bộ Tài chính cho biết, thuế TTĐB đối với ô tô quy định tại Luật Thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Năm 2013 không có chương trình sửa Luật Thuế TTĐB. Về các loại phí, lệ phí, Bộ Tài chính nhấn mạnh: Thực tế, thời gian qua chưa phát sinh thêm khoản phí, lệ phí mới liên quan đến ô tô. Việc bổ sung thêm phí, lệ phí mới phải sửa đổi bổ sung Pháp lệnh Phí và lệ phí. Vì vậy, trước mắt không có khoản thu phí, lệ phí mới, ngoài các khoản thu đã quy định tại Pháp lệnh Phí, lệ phí.
Với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và diễn biến về giá bán trên thị trường thời điểm này có chiều hướng giảm dần, chính sách thuế đối với ô tô cần được cân nhắc thận trọng. Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu ô tô cần đảm bảo mục tiêu không làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất ô tô trong nước, đồng thời vẫn tạo sức ép để giảm giá bán ô tô, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Bộ Tài chính dự kiến sẽ xây dựng lộ trình giảm thuế đối với ô tô nguyên chiếc phù hợp với cam kết WTO và các cam kết thuế trong khu vực theo hướng giảm dần và không cắt giảm đột ngột.
Đánh giá kỹ tác động của Thông tư 20
Tại Công văn 7712, VAMA đã đề nghị giữ nguyên hiệu lực của Thông tư 20/2011/TT-BCT (về giấy ủy quyền chính hãng với ô tô nhập khẩu mới nguyên chiếc). Bộ Tài chính cho rằng, việc triển khai Thông tư 20 đã góp phần làm giảm lượng nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ chưa qua sử dụng cả về số lượng và trị giá. Tuy nhiên, việc có tiếp tục giữ nguyên hiệu lực của Thông tư 20 hay không cần được đánh giá kỹ về kết quả thực hiện và tác động của Thông tư này đến hoạt động kinh doanh ô tô dưới 9 chỗ. Mặt khác, Bộ Tài chính cho biết, VAMA cần kiến nghị vấn đề này với Bộ Công thương vì đây mới là đơn vị chủ trì ban hành Thông tư 20.
Thuế nhập khẩu linh kiện duy trì ở mức cao nhất
Theo Bộ Tài chính, đối với linh kiện, phụ tùng ô tô nhập khẩu, hiện thuế suất tính trung bình cho cả bộ linh kiện (CKD) đối với xe dưới 9 chỗ là 18-20% trong khi thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc là 74% (trước đây thuế bộ linh kiện là 15% và xe nguyên chiếc là 100%). Trong thời gian tới tuy thuế nhập khẩu của xe nguyên chiếc giảm theo cam kết nhưng thuế suất nhập khẩu của bộ linh kiện vẫn duy trì ở mức trung bình 18-20%. Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu linh kiện, phụ tùng dạng CKD, tỉ lệ nội địa hóa thấp, nếu giảm thuế linh kiện tương ứng với thuế xe nguyên chiếc thì sẽ không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp phụ trợ.
Vì vậy, các linh kiện phụ tùng của xe dưới 9 chỗ cơ bản đều quy định mức thuế suất cao nhất bằng mức trần cam kết WTO (trừ loại linh kiện có tính chất lắp lẫn) và tiếp tục được duy trì mức cao nhất; các linh kiện có tên trong Danh mục ngành công nghiệp phụ trợ sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng lên mức thuế suất cao nhất. Các linh kiện không thuộc 2 loại này thì sẽ quy định mức thuế suất thấp nhằm giảm chi phí cho sản xuất ô tô trong nước.
Theo Phương Thuý (giaothongvantai.com.vn)
Ý kiến đánh giá