15:22  | 

Kinh nghiệm "phượt" bằng Vespa cổ

Hãy để những “chú ong” đến từ nước Ý được cất cánh trên khắp nẻo đường đất nước

>> Đường ngược, đường xuôi

>> Đi về phía dòng sông

>> Vespa – Xuôi về xứ sương mù

>> Cưỡi Vespa cổ qua miền Tây Bắc

>> Chinh phục cao nguyên đá bằng Vespa cổ

>> “Phượt” xe máy ở thị trấn mù sương

>> Cùng Toyota Fortuner vượt cao nguyên đá

Nếu chuẩn bị thật kỹ trước mỗi chuyến đi thì có thể mang chú ong dạo chơi dễ dàng

Hướng dẫn hành trình

Bạn đang sở hữu một chiếc Vespa cổ, ước muốn được cùngchú ong của mình ngao du khắp nước Việt, khám phá vùng đất mới, giao lưu với những kẻ cùng sở thích, hay tìm hiểu phong tục văn hóa vùng miền, nhưng lại lo lắng liệu chiến mã già nua kia có vượt nổi dãy Trường Sơn, có leo nổi tứ đại đỉnh đèo, có đi được đến miền tận cùng của tổ quốc?

Chúng tôi, những tín đồ của dòng xe “sờ cút tơ” đã đi xuyên Việt, đã đi một vòng Đông Tây Bắc có thể khẳng định với bạn rằng: Chú ong già cỗi hoàn toàn có khả năng cùng bạn khám phá chân trời mới. Hãy tự tin lên mà đi, bởi đi rồi bạn sẽ thấy chúng già mà khỏe lắm, leo dốc, đổ đèo, vào cua đều rất tuyệt vời. Bằng kinh nghiệm nhỏ bé của mình, chúng tôi xin tư vấn cho các bạn ở miền Nam muốn đi xuyên Việt hay các bạn miền Bắc muốn đi hết một vòng miền núi bằng chính chiếc Vespa cổ của mình.

Cần bảo dưỡng lại máy, kiểm tra phanh, lốp, đèn

Hành trình xuyên Việt từ Sài Gòn có thể đi theo hai con đường chính. Một là men theo quốc lộ 1A qua Nha Trang rồi ra Đà Nẵng, vượt đèo Hải Vân đến Huế, từ đó đi thẳng ra Hà Nội. Là tuyến đường huyết mạch nối hai miền đất nước nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông luôn đông đúc, lại có nhiều xe tải, xe khách chạy.

Hai là đi theo đường Hồ Chí Minh, từ Sài Gòn chạy ra Phan Rang rồi rẽ sang quốc lộ 27 để lên Ban Mê Thuột, từ đó đi theo đường Hồ Chí Minh ra A Lưới, rồi Phố Châu, Tân Kỳ, Hòa Lạc và Hà Nội là điểm cuối cùng của hành trình. So với con đường thứ nhất thì đường Hồ Chí Minh dài hơn, nhưng bù lại mặt đường bằng phẳng, ít người qua lại, lại được đi dọc dải Trường Sơn lịch sử. Vì thế, nếu bạn đi lần đầu và một mình thì nên đi quốc lộ 1A, còn nếu đã đi nhiều và đông người thì đường mòn Hồ Chí Minh là sự lựa chọn số tối ưu.

Từ Hà Nội để đi Đông Tây Bắc, theo hình trình đoàn chúng tôi đã đi thì sẽ là Hà Nội – Tuyên Quang – Hà Giang – Quản Bạ - Yên Minh – Đồng Văn – Lũng Cú – Mèo Vạc – Hà Giang – Bắc Quang – Phố Ràng – Lào Cai – Sa Pa – Bình Lư – Tân Uyên – Than Uyên – Mù Căng Chải – Nghĩa Lộ - Ba Khe – Phù Yên – Vạn Yên – Mộc Châu – Hà Nội, hoặc từ Than Uyên đi theo quốc lộ 279 sang Quỳnh Nhai rồi xuống Sơn La – Mộc Châu – Hà Nội. Với tổng chiều dài khoảng gần 2000km, trên địa hình đường quốc lộ được trải nhựa, không đi vào các đường đang thi công hoặc offroad, thời gian cho lộ trình này chừng 8 đến 10 ngày với tổng kinh phí ước chừng khoảng 3,5 triệu đồng/người (đã bao gồm ăn, ngủ, nghỉ theo kiểu backpacker).

Những chuẩn bị cần thiết

Để chuyến đi được trọn vẹn, để bạn có thể thong dong nhả từng tiếng “pạch pạch” giữa con đường thẳng tắp hai bên là rừng thông vi vút gió, hoặc chậm rãi leo đèo vượt dốc trong lời cầu chúc cho chiến mã vượt qua được thì việc chuẩn bị chu đáo là điều tất yếu.

Dầu máy cần được thay trước mỗi chuyến đi dài

Chuẩn bị về con người và tư trang:

Bạn cần chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật tốt, tập luyện hoặc thể dục thể thao thường xuyên là điều cần thiết. Các tư trang cá nhân bao gồm quần áo, đồ vệ sinh, tốt nhất nên dùng quần áo bảo hộ xe máy - nó sẽ giúp cho bạn tránh những tổn thương không đáng có nếu chẳng may bị ngã. Luôn đem theo đèn pin, bật lửa, bạt ngồi, hộp thuốc cá nhân, dao kéo, khẩu trang, mũ bảo hiểm loại full đầu hoặc ¾ đầu có kính, găng tay chuyên dùng, giày trekking cao cổ (vì có thể bạn sẽ phải đi bộ vào các bản khá nhiều).

Ngoài ra cũng đừng quên giấy tờ tùy thân, bằng lái, đăng ký, bảo hiểm xe. Mang theo áo mưa, loại áo mưa dạng bộ quần áo tách rời nhau giúp bạn lái xe một cách thoải mái nhất khi trời mưa lớn. Các thiết bị điện tử như điện thoại, sạc pin, máy ảnh, máy quay, GPS cần được bao bọc cẩn thận vì miền núi hay có mưa bất chợt và sương mù. Tất cả đồ đạc được bọc gói cẩn thận, nên dùng loại túi chống nước, buộc chặt vào xe, tránh cồng kềnh và rơi.

Chuẩn bị về xe cộ

Nhiều người khi nhìn những chiếc Vespa cổ thong dong dạo phố mà cho rằng nó không thể dùng dể đi xa, nhất lại là đi phượt miền núi, cũng đúng thôi, bởi dáng vẻ cổ điển sang trọng, bởi tuổi đời mấy chục năm của nó, bởi cả cấu tạo máy, bánh xe, khung sườn làm cho những chú ong này không thể đi được offroad thôi, chứ đường trường thì chúng tôi dám khẳng định là có thể chạy rất ổn.

Luôn dùng mũ bảo hiểm fullface hoặc 3/4

Trước mỗi chuyến đi, bạn cần thực hiện công tác bảo dưỡng xe. Tất nhiên tùy thuộc vào chiếc xe của mình mà chọn cung đường hợp lý. Nếu xe yếu thì không nên đi quá dài hoặc leo dốc nhiều. Bạn cần thay dầu máy cho xe, dầu sử dụng là loại 4T, khoảng 400ml cho một lần thay, kiểm tra lốp, vành, bugi, ma vít đánh lửa, căn chỉnh lại xăng và gió, kiểm tra bình xăng con (chế hòa khí), còi đèn, phanh, đặc biệt là chốt giữ bu-lông bánh xe. Trong chuyến đi vừa rồi, đoàn đã gặp một thành viên của hội Jeep Sài Gòn chạy chiếc Acma “giả cầy” ra Hà Nội và đi Đông Tây Bắc, đến địa phận Cao Bằng thì bị rơi cả bánh sau ra, lý do là lúc bảo dưỡng quên lắp chốt giữ bu-lông bánh.

Do đặc tính của dòng xe scooter 2 thì này sử dụng số tay, truyền lực xuống máy bằng hai dây số, sử dụng dây côn dài, cùng phanh sau kiểu tang trống, vì thế bạn cần mang theo đủ bộ dây mới để thay khi bị đứt. Nhớ mang cả bugi, ma vít, lá côn, đoạn dây điện nhỏ, các dụng cụ sửa xe cần thiết như bơm, miếng vá, săm dự phòng, dụng cụ mở thiết bị trên xe. Có thể gắn thêm giá đồ ở trước hoặc sau xe để buộc đồ được dễ dàng hơn.

Bạn cũng đừng quên mang theo nhớt 2T, đặc thù của dòng xe hàng chục năm tuổi này là dùng xăng pha nhớt, bạn chú ý tỷ lệ nhớt pha vào khi đổ xăng. Ví dụ như khi đi đường phố chỉ cần pha 2-3% là đủ, nhưng khi leo đèo, chở nặng có thể tăng tỷ lệ nhớt lên 5-6% lượng xăng đổ vào bình. Nên dùng nhớt của các hãng có uy tín để tránh tình trạng nhớt giả làm ì hoặc tệ hơn là bó máy.

Đi thôi, những con đường uốn mình quanh sườn núi, mái nhà nhỏ đơn sơ giữa trập trùng ruộng bậc thang, lũ trẻ con nô đùa dưới cành mận, cành đào đang đua nhau khoe sắc, phiên chợ vùng cao đã chuẩn bị cho buổi họp sắp tới, những dòng sông, dòng suối xanh ngắt chảy dọc đường đi, những phong tục tập quán của mọi miền đất nước đang chờ bạn khám phá.

Đi, để thêm hiểu, thêm yêu dải đất quê hương; cũng là để thêm hiểu bản thân mình.

Theo Autocarvietnam

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm