Thứ Bảy, 14/09/2024 | 00:49
07:33 |
An toàn - Câu chuyện muôn thuở về xe hơi
An toàn luôn là một đề tài không bao giờ cũ khi nhắc đến xe hơi. Bạn càng biết nhiều, bạn càng có cơ hội bảo vệ bản thân mình tốt hơn.
>> Tự thay ắc-quy với 4 bước đơn giản
>> Câu bình ắc-quy thế nào cho đúng?
Có thể bạn không nghĩ nhiều về những hệ thống an toàn trên chiếc xe của mình. Nhưng nếu bạn từng cần chúng, bạn sẽ có lợi khi biết rằng thứ gì đang xuất hiện trên những chiếc xe mới ngày nay, cũng như chiếc xe cụ thể của bạn được trang bị những gì. Dưới đây là tổng quát ngắn gọn về các tính năng an toàn hiện nay và biết đâu chúng có thể cứu tinh cho bạn vào ngày mai.
Hệ thống an toàn thụ động: Cách bảo vệ tốt nhất trong một tình huống xấu nhất
Các trang bị an toàn chủ động là những hệ thống kích hoạt tại thời điểm tác động. Có lẽ những ví dụ tốt nhất được biết đến trong số này là các vùng chịu lực, dây an toàn, túi khí. Tất cả những công cụ này đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ và phát triển đáng kể từ thời điểm ra mắt.
Nhiệm vụ của dây an toàn là ngăn cản bạn bay ra khỏi kính chắn gió hoặc đập thân thể bạn vào vật cứng khi xe dừng đột ngột. Tương tự, túi khí bung ra khi va chạm để cung cấp “một pha hạ cánh an toàn” cho mặt và các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Túi khí dành cho lái xe và hành khách được tiêu chuẩn từ những năm 90, tuy nhiên những chiếc xe ngày nay có từ 4-10 túi khí trải đều trên xe, mỗi chiếc bảo vệ khỏi một chấn thương hay nguy hiểm liên quan đến va chạm cụ thể. Túi khi bên triển khai dọc theo cửa sổ để giúp bảo vệ các chấn tương đầu, trong khi túi khí thân bên bảo vệ chống lại chấn thương ở vùng bụng và xương chậu.
Túi khí đầu gối được trang bị tiêu chuẩn trên rất nhiều mẫu xe, triển khai bên dưới bảng điều khiển để bảo vệ chống lại chấn thương chân. Một sự đổi mới được tìm thấy trên một số mẫu xe Ford và Lincoln là đai an toàn có thể phồng lên với mục đích chống lại những áp lực lên thân thể bạn khi dừng quá đột ngột. GM hiện nay cung cấp một túi khí trung tâm phía trước hoạt động từ bên phải của ghế lái xe để cung cấp thêm đàn hồi trong va chạm bên và ngăn ngừa người ngồi trong xe khỏi va chạm đầu. Dây an toàn hiện đại sử dụng một thiết kế ba điểm với một dây đeo đặt trên đùi và một vòng qua ngực của bạn để giúp phân phối lực hãm đột ngột đồng đều hơn. Để lan tỏa lực đó và tiếp tục giảm chấn thương, một đai an toàn dạng túi khí giúp tăng bề mặt của nó trước khi kích hoạt.
Một tính năng an toàn thụ động khác bạn có thể không nghĩ đến thường xuyên chính là cấu trúc thân xe. Xe ô tô có các vùng chịu lực được xây dựng bên trong nhằm xóa bỏ năng lượng khi xảy ra tai nạn. Đầu xe và đuôi xe của bạn được thiết kế để làm biến dạng hay hấp thụ lực tác động. Một cấu trúc khoang xe an toàn bao quanh cabin thường được chế tạo từ hợp kim thép siêu bền gia cố mái và các cột trụ để bảo vệ bạn trong một vụ va chạm. Sau va chạm, một số chiếc xe cung cấp dịch vụ đăng ký có thể tự động gửi thông báo đầu tiên liên quan đến vị trí của bạn, mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn dựa trên dữ liệu từ chiếc xe.
Hỗ trợ lái xe điện tử
Trong khi các tính năng an toàn thụ động thường không được sử dụng cho đến thời điểm vụ tai nạn thì tính năng an toàn chủ động lại làm hết sức mình để ngăn chặn một vụ tai nạn. Khu vực này đã có những tiến bộ lớn trong nhiều năm qua và tiếp tục kéo chúng ta ra khỏi rắc rối. Hệ thống phanh chống bó cứng ABS giúp bảo vệ lốp của bạn khỏi bị kẹt và trượt khi phanh gấp. ABS hoạt động bằng cách giám sát tốc độ của cả bốn bánh bằng cảm biến và giải phóng áp lực phanh trong giây lát tới từng bánh xe để giữ nó không bị kẹt.
Kiểm soát lực kéo thường là một chức năng phụ của ABS, giảm công suất hoặc sử dụng phanh cá nhân để ngăn ngừa bánh xe quay. Hệ thống cân bằng sử dụng một bộ cảm biến khác. Chúng theo dõi chuyển động bên chiếc xe của bạn, tỷ lệ quay, góc lái, vị trí bướm ga và nhiều tiêu chí khác. Nếu chiếc xe không phản ứng hợp lý với các yếu tố kiểm soát đầu vào, hệ thống sẽ sử dụng phanh cho bánh xe cụ thể và thay đổi sức mạnh động cơ nếu cần thiết để chiếc xe chạy theo tuyến đường đã định.
Hệ thống tránh va chạm
Rất nhiều xe ô tô ngày nay đủ thông minh để cảm nhận nhiều hơn là những bánh xe đang trượt. Trên thực tế, chúng có thể nhận biết được các phương tiện khác và đối tượng xung quanh bạn. Hệ thống phòng tránh hay giảm thiểu va chạm dựa trên một số lượng cảm biến, thường bao gồm ra đa, camera, tia la-ze hoặc một vài cảm biến siêu âm để xác định điều gì đang diễn ra bên ngoài chiếc xe của bạn. Nếu hệ thống nghĩ rằng bạn đang tiếp cận một đối tượng quá nhanh, xe của bạn sẽ cảnh báo bằng một âm thanh phát ra từ các loa, một ánh sáng nhấp nháy trong tầm mắt, rung động của ghế hoặc vô lăng, hay có thể là kết hợp của cả ba. Nếu cảnh báo đơn giản không cung cấp đủ cho mạng lưới an toàn, vài chiếc xe có thể can thiệp để giúp bạn tránh khỏi vụ tai nạn. Ví dụ, một số mẫu xe Ford sẽ chỉ dẫn dòng thủy lực của hệ thống phanh nhằm chuẩn bị dừng xe đột ngột khi bạn nhấn phanh. Toyota với hệ thống Pre-Collision sẽ kích hoạt phanh cũng như thắt chạy dây an toàn. Những chiếc xe đến từ Infiniti, Volvo và Mercedes-Benz sẽ khởi động hệ thống phanh cho bạn khi được trang bị.
Một tính năng an toàn chủ động khác có thể theo dõi các phương tiện xung quanh bạn là hệ thống giám sát điểm mù. Như với cảnh báo va chạm phía trước, hệ thống này sẽ khác nhau tùy từng thương hiệu. Hầu như tất cả các hệ thống này sẽ hiển thị một đèn cảnh báo trên gương chiếu hậu hoặc cột trụ khi một đối tượng được phát hiện trong điểm mù của bạn và cũng có những tiếng bíp nếu bạn cố gắng phát tín hiệu rẽ vào làn đường đó.
Tương tự như vậy, hệ thống cảnh báo rời làn có thể cảm nhận khi bạn trôi khỏi làn đường của mình, và phụ thuộc vào từng chiếc xe, nó sẽ cảnh báo hoặc tự động khiến chiếc xe quay trở về đúng tuyến đường. Hầu hết các hệ thống sẽ phát ra tiếng kêu bíp và chiếu ánh đèn flash vào mặt bạn. Những chiếc xe như Cadillac ATS và XTS sẽ rung ghế ngồi của bạn nhằm thu hút nhiều chú ý hơn. Infiniti và Mercedes-Benz có thể nhẹ nhàng áp dụng hệ thống phanh để đưa bạn trở lại làn. Trong khi đó, hệ thống tay lái điện tử hiện đại sẽ có khả năng lái chính xác trong tương lai gần. Những lời cảnh báo chỉ được kích hoạt khi bạn bắt đầu vượt qua ranh giới mà không cần báo hiệu. Vì vậy các lái xe không thích sử dụng tín hiệu rẽ có thể tắt tính năng này.
Những tính năng tiên tiến khác
Trong những năm gần đây, các tính năng an toàn chủ động đã phát triển bao gồm cả những hệ thống có thể giữ cho bạn an toàn trong một số các trường hợp cụ thể. Đèn pha thích ứng chiếu sáng từng góc trên con đường bạn đang hướng tới, tăng khả năng hiển thị khi đi trong trời tối. Tương tự như vậy, đèn pha trên cao chủ động sẽ tự động bật sáng nếu trời đủ tối và có thể phát hiện ánh sáng của xe trước mặt để tự động tắt nhằm tránh làm chói mắt các lái xe khác.
Để đảm bảo bạn tỉnh táo đằng sau tay lái, một số mẫu xe Mercedes-Benz với hệ thống hỗ trợ chú ý kiểm soát các yếu tố đầu vào sẽ phát ra tiếng kêu “bíp” đề nghị bạn nghỉ ngơi nếu chúng cho rằng bạn đang buồn ngủ. Việc lái xe mất tập trung là một chủ đề nóng về an toàn giao thông những ngày này khi NHTSA gần đây đã phát hành hướng dẫn làm thế nào để các nhà sản xuất xe có thể giảm sự mất chú ý trong xe ô tô. Một vài hệ thống thông tin giải trí như Ford Sync có thể đọc to tin nhắn qua điện thoại kết nối Bluetooth và dịch giọng nói sang văn bản để giúp kiềm chế nhắn tin trong lúc lái xe.
Camera chiếu hậu được phổ biến trong thời gian gần đây, xuất hiện như thiết bị tiêu chuẩn trên nhiều xe mới và giúp các lái xe quan sát phía sau trong khi lùi.
Một tính năng mới có sẵn trên các mẫu xe như Ford Fusion 2013 là hệ thống phát hiện sang đường, kết hợp camera chiếu hậu và giám sát điểm mù để cảnh báo lái xe khi một phương tiện chuẩn bị sang đường trong khi họ đang lùi. Một số màn hình chiếu hậu từ Nissan và BMW cung cấp góc nhìn khác nhau với nhiều camera được đặt xung quanh xe nhằm tạo ra thị trường quan sát lớn nhất, giúp bạn đỗ xe tốt hơn trong một không gian chật hẹp.
Phát hiện trạng thái gần là tính năng khác giúp bạn tránh va chạm đến chúng, cảnh báo bạn bằng những tiếng bíp có tần số tăng dần khi xe bạn tiếp cận đến gần một đối tượng.
Những chiếc ô tô của ngày nay không chỉ quan tâm về sự an toàn của các hành khách ngồi trong xe mà còn cân nhắc đến cả những người bên ngoài. Nghiên cứu tai nạn cho người đi bộ đã góp phần định hình thiết kế ngoại thất xe hơi trong vài năm qua, dẫn đến cản trước thấp hơn, lưới tản nhiệt thẳng hơn. Thanh chống mui xe chủ động có thể nâng cao phía sau để cung cấp nhiều khoảng trống giữa mui và phần cứng động cơ. Gần đây hơn, túi khí cũng có mặt ở bên ngoài chiếc xe. Tại châu Âu, Volvo đã ra mắt chiếc xe đầu tiên trang bị túi khí cho người đi bộ, triển khai trong khu vực mui xe và kính chắn gió để giúp ngăn ngừa chấn thương đầu. Các hãng sản xuất ô tô như BMW cung cấp hệ thống chiếu sáng hồng ngoại giúp lái xe quan sát tốt hơn vào ban đêm. Những hệ thống phát hiện người đi bộ có thể xác định, phân biệt giữa người và động vật, và sẽ thông báo cho lái xe nếu có một vật thể băng qua đường.
Kiểm soát hành trình thích ứng giúp bạn giữ một khoảng cách an toàn giữa xe của bạn và xe phía trước bằng các sử dụng ra-đa hoặc cảm biến laze để điều chỉnh tốc độ. Một số hệ thống, chẳng hạn như hỗ trợ xếp hàng của Volvo thậm chí có thể khiến chiếc xe của bạn dừng hẳn sau đó lại tiếp tục cuộc hành trình giao thông – một tính năng có thể thay đổi cách chúng ta lái xe trong tương lai.
Kết nối lái xe: Tương lai của giao thông vận tải
Nhìn về phía trước, NHTSA đã đặt trọng tâm vào thông tin liên lạc V2V (xe với xe). Công nghệ như vậy cho phép chiếc xe của bạn “trò chuyện” với các phương tiện khác trên đường, thu thập thông tin từ những chiếc xe đi trước hoặc trong một vài trường hợp là con đường của chính mình.
Cảnh báo về tai nạn tiếp tục tăng lên, người đi bộ băng qua đường hoặc một chiếc xe khác vượt đèn đỏ có thể được gửi đến những chiếc xe khác trên đường, cho phép các thiết bị điện tử xác định tốc độ mà họ nên tuân thủ. NHTSA cho biết lỗi lái xe đóng góp đến 80% nguyên nhân tai nạn. Đó là lý do tại sao cơ quan này xem xét công nghệ V2V như một giải pháp lâu dài tiềm năng. Volvo cũng nhận thấy V2V là tương lai của an toàn giao thông, đã thiết lập một mục tiêu giảm tai nạn chết người trong các mẫu xe Volvo mới vào năm 2020.
Một viễn cảnh đưa V2V tới một tầm cao khác là chiếc xe hoàn toàn tự động. Audi đã thử nghiệm với những mẫu xe tự động trong vài năm nay với hệ thống tự lái TTS có thể leo lên những đoạn đường đồi tại đường thử với tốc độ 192 km/h. Thử nghiệm phát triển trong hợp tác với trung tâm nghiên cứu ô tô của đại học Stanford gần đây đã trở thành một trong những chiếc xe tự động đầu tiên được cấp giấy phép thử nghiệm trên đường công cộng. Volvo cũng đã thực hiện một bài kiểm tra tại châu Âu với một đoàn caravan không người lái. Những chiếc xe V2V đã hành trình hơn 9900 km sau một chiếc xe dẫn có người lái.
Những công nghệ như vậy có thể hình thành các đoàn xe vận tải, một ý tưởng sẽ chứng kiến nhiều chiếc xe kết nối V2V di chuyển với cùng một tốc độ cách nhau một khoảng cách an toàn trải dài trên các con đường cao tốc.
Đường cao tốc điều khiển bằng máy tính có khả năng giảm tắc nghẽn giao thông vì máy tính thường không dễ bị mất tập trung, thiếu kiên nhẫn, giận dữ hay bị thắt nút cổ chai. Nếu hãng sản xuất ô tô tiếp tục khám phá công nghệ tự động, xe ô tô của tương lai có thể hoàn toàn đảm nhận nhiệm vụ lái xe cho nhiều công việc nhàm chán như việc đi lại hàng ngày của bạn. Nhưng hy vọng với các tín đồ đam mê tốc độ, những chiếc xe này phải đầu hàng khi đoạn đường trở nên thú vị hơn.
Trang thiết bị an toàn xe hơi đã đi một quãng đường dài kể từ khi những chiếc dây đai hành khách đầu tiên được trang bị cách đây hơn 50 năm. Tuy nhiên cải tiến công nghệ nhằm giảm tử vong và chấn thương giao thông chắc chắn là một bước đi đúng hướng. Hiện tại, bạn có thể cảm thấy thỏa mái khi biết rằng những chiếc xe ngày nay đã được hỗ trợ bằng các thiết bị tinh vi, nhưng hãy tỉnh táo để nhận ra một điều, an toàn chỉ đến với những lái xe cẩn thận.
Ngọc Điệp (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá