Thứ Năm, 19/09/2024 | 05:23
23:18 |
Hyundai-Kia và cuộc cách mạng nhận diện thương hiệu
Mặc dù đã lường trước những thách thức lớn nếu phân tách hệ thống nhận diện thương hiệu Hyundai - Kia, nhưng việc ban quản trị liên danh vẫn quyết định trao quyền lực cho Peter Schreyer chứng tỏ tập đoàn hùng mạnh này của Hàn Quốc đã chính thức tiến hành cải cách để bước vào một kỷ nguyên mới.
>> Kia muốn trở thành “ông lớn” trong ngành ôtô
>> Peter Schreyer: “Kia như một tinh thể tuyết”
>> Thomas Burkle – Người hùng thầm lặng của Hyundai
Đầu năm 2013, liên danh xe hơi nổi tiếng nhất Hàn Quốc Hyundai – Kia chính thức công bố với báo giới vị giám đốc thiết kế toàn cầu đầu tiên của cả 2 thương hiệu. Tháng 3 vừa qua, tức là chỉ hai tháng sau khi được bổ nhiệm vào vai trò mới, Peter Schreyer – vị thiết kế sư trưởng người Đức đã chính thức có buổi bảo vệ kế hoạch thiết kế chiến lược của mình trước toàn bộ ban quản trị tập đoàn.
Peter Schreyer mang trọng trách tạo nên hệ thống nhận diện thương hiệu Hyundai-Kia
Quan điểm của vị thiết kế sư này khá rõ ràng: một chiếc xe tốt không chỉ cần có thiết kế đẹp, mà hơn hết nó cần một hệ thống chức năng vừa hoàn hảo vừa độc đáo. Và các thương hiệu anh em kiểu như Hyundai – Kia lại càng cần khẳng định bản sắc riêng biệt để vượt lên trên sự dựa dẫm trì trệ, tạo sự khác biệt lớn trong phân khúc cũng như trong vai trò định vị thị trường. Điều đó có nghĩa là: trong tương lai, ít nhất là trong quãng thời gian cầm quyền của Schreyer, sẽ không có chuyện xuất hiện sự chồng chéo về hình thức thiết kế và chức năng giữa các mẫu xe của Hyundai Motor và Kia Motors.
Hai ví dụ từng bị thị trường xe hơi thế giới đánh giá có nhiều nét tương đồng được ông đem ra trích dẫn là cặp crossover Hyundai SantaFe – Kia Sorento và cặp Hyundai Elantra (được biết đến dưới cái tên Hyundai i30 tại một số thị trường châu Á trong đó có Việt Nam) - Kia Forte. Theo Schreyer, nền tảng thiết kế cơ bản và quan điểm bố trí gần như trùng khít giữa 2 nhà sản xuất dưới thời điều hành của những người tiền nhiệm khiến 2 cặp xe này chẳng khác gì “anh em song sinh cùng trứng”, và bởi vậy dễ gây sự phản cảm đối với người tiêu dùng. Trong khi đó, mọi thứ có thể được giải quyết nếu nhà sản xuất khéo léo điều chỉnh chút ít về thiết kế để tạo lập sự khác biệt giữa các mẫu xe, nhằm phục vụ thiết thực hơn cho mục đích sử dụng, ví dụ như một mẫu có điểm nhấn về chiều rộng trong khi mẫu kia thiên về sự bóng bẩy, mượt mà.
Thách thức phân tách hệ thống nhận diện thương hiệu vốn là tình thế khó khăn chung của nhiều hãng xe, bao gồm cả General Motors và Volkswagen AG, chứ không riêng gì hai nhà sản xuất Hàn Quốc. Và không phải lẽ dĩ nhiên mà vị thiết kế sư 59 tuổi lại được Hyundai – Kia chọn mặt gửi vàng. Ông có trong tay một sự nghiệp 26 năm đầu quân cho nhiều tên tuổi lớn và dành thành công vang dội khi tạo ra sự khác biệt ấn tượng của 2 thương hiệu mẹ con Volkswagen và Audi.
Trong lịch sử, Hyundai và Kia từng chia sẻ gần như toàn bộ nền tảng kỹ thuật – công nghệ, từ hệ truyền động, hệ điều hành đến nhưng nền tảng thiết kế nội ngoại thất – điều mà người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường. Theo truyền thống, Kia thiên về kiểu dáng thể thao và tập trung vào phân khúc khách hàng trung lưu hoặc giá rẻ trong khi Hyundai tinh tế hơn, đậm đà hơn và tất nhiên giá cũng nhỉnh hơn đôi chút.
Xe thể thao sang trọng HND-9 concept được phát triển theo hướng của Hyundai
Trên thực tế, doanh số bán hàng của Hyundai tăng khá mạnh trong những năm gần đây, một phần nhờ hiệu quả từ ngôn ngữ thiết kế mới có tên “điêu khắc lỏng” tập trung nhiều vào những đường nét cong, thể hiện rõ nhất ở hai mẫu sedan mới là Sonata và Elantra. Tuy nhiên, đối với những ông chủ của tập đoàn này, điều đó là chưa đủ.
Ngoài ra, một áp lực khác khiến những người lãnh đao Hyundai – Kia quyết định liều lĩnh đột phá là bởi những yếu tố căng thẳng về chính trị ngày một gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, buộc những tập đoàn kinh tế hùng mạnh tại Hàn Quốc phải tìm cách toàn cầu hóa thương hiệu, nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực nếu thị trường nội địa biến động mạnh.
Mặc dù đã lường trước những thách thức lớn nếu phân tách hệ thống nhận diện thương hiệu Hyundai - Kia, nhưng việc ban quản trị liên danh vẫn quyết định trao quyền lực cho Schreyer chứng tỏ tập đoàn hùng mạnh này của Hàn Quốc đã chính thức tiến hành cải cách để bước vào một kỷ nguyên mới.
Nhiệm vụ Schreyer là sẽ phải xác định những yếu tố khác biệt căn bản thuộc về bộ gen ADN của mỗi thương hiệu, khai thác sâu những yếu tố đó để làm nên ấn tượng mạnh hơn. Theo dự trù thời gian, kết quả của quá trình này sẽ được cảm nhận rõ nhất sau khoảng 3 năm nữa.
Lợi thế của Schreyer là sự tự tin và sự ủng hộ mạnh mẽ của cả 2 gia đình cầm quyền tập đoàn liên danh, đặc biệt là từ phó chủ tịch Hyundai Chung Euisun, con trai Chủ tịch Hội đồng quản trị Hyundai Motor Chung Mong-koo – người trực tiếp thuyết phục lôi kéo Schreyer về từ Volkswagen.
Phan Liên (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá