07:10  | 

Làng tỷ phú nhờ "ăn" xác xe máy

Lối đi vào làng Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội) ngập tràn xác xe máy chất đống hai bên đường. Người dân ở đây nổi tiếng với nghề “khai tử” xe máy. Nhờ buôn bán xác xe máy mà Xà Cầu là một làng quê trù phú, người người ăn nên làm ra từ nghề này.

>> Người đàn ông 2 lần xuyên Việt bằng Mobylette (P.1)

>> Diện kiến cao thủ sửa xe cổ đất Hà thành

>> Gặp ông Tây xuyên Việt bằng xe Win

Những xác xe được chất đống lãn ra cả đường đi Ảnh: Quang Thành

Lên đời

Xà Cầu được coi là điểm đến cuối cùng của các loại xe máy cũ. Từ những chiếc xe máy cổ có mặt ở Việt Nam nhiều thập niên trước như Simson, Honda 67, 81… cho đến những loại xe máy tân thời, tất cả đều được chất thành đống ở đây. Trong vô vàn xác xe máy phơi thây ở đây, xác xe máy Trung Quốc chiếm đa số.

Nếu như ở Tề Lỗ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) được biết đến là nơi “mổ” xe ô tô của cả miền Bắc thì làng Xà Cầu lại là nơi “phanh thây” xe máy nổi tiếng nhất.

Ông Hoàng Tiến Thông, người xã Quảng Phú Cầu, cho biết, nghề “phanh thây” xe máy xuất hiện ở Xà Cầu đã vài chục năm nay. “Trước khi chuyển sang nghề “hóa kiếp” xe máy, Xà Cầu đã nổi tiếng về nghề buôn đồng nát. Nổi đến mức, người dân bắt tay làm ăn với dân Trung Quốc. Có trường hợp người Trung Quốc sang tận Quảng Phú Cầu thuê nhà, thuê xưởng để thu mua đồ sơ chế phế liệu trực tiếp của dân Xà Cầu để đưa về nước. Sau này, xe máy nhiều, đặc biệt là xe máy Trung Quốc kém chất lượng phổ biến trong đời sống người dân thì cũng từ đó, nghề “phanh thây” xe máy bùng phát mạnh mẽ. Người dân Xà Cầu giàu lắm. Những gia đình làm nghề “khai tử” xe máy có tiền tỷ, thậm chí vài chục tỷ đồng trong tay là chuyện bình thường”, ông Thông kể.

Hàng ngày, rất nhiều chuyến xe tải từ làng tỏa đi khắp nơi để đưa về hàng trăm chiếc xe máy cũ. Ông Thông cho biết, những xe máy này sau khi mang về Xà Cầu được thợ tháo rời mọi chi tiết, đồng, sắt, nhựa… phân loại thành từng nhóm. Sau đó, chúng được bán cho mối thu mua đồng nát. Mỗi chiếc xe máy hỏng, thường được mua với giá chưa đến 1 triệu đồng. “Có những chiếc, người ta chỉ mua nửa triệu đồng, thậm chí thấp hơn. Nhưng lợi nhuận bán ra thì gấp đôi, thập chí gấp ba, bốn lần giá nhập”, ông Thông nói.

Nghề “ăn” xác xe

Đi dọc đường dẫn vào làng, chúng tôi như lạc vào bãi xác xe khổng lồ với không biết cơ man nào là xe máy. Hầu hết, chúng được mổ bung ra, khung nằm đường khung, lốp nằm đường lốp… lấn ra cả lối đi.

“Lò” mổ của Đức - một chủ “lò” - nằm ngay đường lớn vào làng. Lúc chúng tôi đến, Đức đang cùng với 2 thợ khác hì hục tháo rời chiếc Dream ra từng bộ phận. Mọi chi tiết nhỏ nhất từ cục điện, đoạn giây điện, đèn xi-nhan đều được ê kip của Đức tháo rời, phân loại một cách chuyên nghiệp và cẩn thận.

Làng tỷ phú nhờ "ăn" xác xe máy 2

Vừa làm Đức vừa giới thiệu:“ Con Dream này mình mua với giá 400.000 đồng. Nó đã hỏng. Nếu như tháo ra chỉ bán với giá sắt vụn đơn thuần thì lời lãi chẳng được bao nhiêu. Chủ yếu, trong quá trình tháo, bộ phận nào còn sử dụng được, bọn mình giữ lại, rồi ký gửi ở các cửa hàng sửa chữa xe máy, hoặc có người đặt hàng từ trước”. Với gần chục năm trong nghề, một chiếc xe máy thông thường được 3 thợ tháo rời chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, cơ bản là xong.

Những bộ phận nào còn dùng được sẽ được tận dụng tối đa, trong “lò” sẽ có một bộ phận chịu trách nhiệm mông má lại rồi bán cho các cơ sở sửa chữa xe máy. Những bộ phận vành, nan hoa, khung sắt, lốc máy được phân loại rồi bán cho các cơ sở sắt vụn. Những đồ nhựa của xe được bán cho các đại lý nhựa tái chế. Khi hỏi lợi nhuận, Đức chỉ cười xòa: “Nghề này cũng chỉ lấy công làm lãi”. Thực tế, sau khi “phanh thây” chiếc xe, nếu gặp may có khi chủ “lò” lãi đến vài triệu đồng. Nếu không còn bộ phận nào tái sử dụng được thì họ cũng lãi thấp nhất vài trăm nghìn đồng.

Theo Đức, nghề “phanh thây” xe máy không cần vốn đầu tư nhiều mà việc làm quanh năm. Tuy nhiên, không phải ai, ở đâu cũng có thể bắt chước mà làm được. Anh kể: “Nhiều thôn trong xã Quảng Phú Cầu, thậm chí các địa phương khác thấy dân Xà Cầu kiếm được với nghề này nên học theo nhưng được thời gian ngắn đã bỏ cuộc”. Lý do vì sao? Đức lý giải đơn giản: “Buôn có bạn, bán có phường. Bọn mình có mối lấy hàng, mối nhập từ cái thời còn buôn đồng nát. Vấn đề “mánh” làm ăn người ra không dễ bày cho người khác được”.

Đức cho hay, anh đặt mối thu mua xe không chỉ ở loanh quanh Hà Nội này mà còn ở rất nhiều tỉnh thành khác, từ Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng cho đến Thanh Hóa, Nghệ An…

Bên cạnh đó, nhiều chiếc xe giá trị chỉ 1-2 triệu đồng vi phạm luật giao thông bị lực lượng CSGT bắt giữ, tạm giữ thì chủ xe cũng “vứt” đi luôn, những chủ lò cử người tìm đến để mua hàng thanh lý rồi đưa về các cơ sở “khai tử” xe máy cũ ở đây. Người làm nghề càng có nhiều nguồn xe cũ để tháo dỡ.

Nhìn thấy cuộc sống con cháu người làng Xà Cầu ngày càng ấm no, nhưng ông Thông không khỏi băn khoăn, âu lo. Ông nói: “Lo nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Không biết có phải tại môi trường sống độc hại hay không mà thời gian gần đây số người mắc bệnh đường hô hấp, bệnh nan y nhiều hơn trước”.

Được biết, chính quyền địa phương đã tính đến cách tập trung các hộ làm nghề thành cụm công nghiệp để sản xuất xa khu dân cư, nhưng ý tưởng đó còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong khâu thu hồi đền bù đất.

Tuy nghề “ăn” xác xe máy cũ đang giúp người dân Xà Cầu kiếm bộn tiền, nhưng mối lo về rác thải gây ô nhiễm môi trường thực sự đáng lo ngại và cần được giải quyết sớm.

“Trước đây, sau những ngày mùa làm lụng ngoài đồng, người ta đổ đi tứ xứ thu mua phế liệu. Bây giờ, họ chuyển sang thu mua xe máy. Xà Cầu làng nông nghiệp xưa kia bây giờ thành làng chứa xác xe máy. Sự đổi thay hoàn toàn”. Anh Đinh Mạnh Hùng - một trong những thợ “phanh thây” xe máy có nghề ở Xà Cầu.

Theo Hà Phương (GiadinhNet)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm