07:19  | 

Gảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước để “cứu” ngành ôtô có nguy cơ sụp đổ

Theo đúng lộ trình, chỉ còn 5 năm nữa là mức thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước khu vực ASEAN+ (bao gồm cả 3 quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký các hiệp định thương mại với Asean) sẽ giảm về 0-5%. Nếu không có những chính sách thay đổi phù hợp có thể dẫn đến nguy cơ sụp đổ của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam…

>> Ôtô Việt, đã thấy Úc chưa?

Cần có chính sách phù hợp

Mới đây, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản và các doanh nghiệp ôtô Việt Nam lẫn Nhật Bản đã nhóm họp để bàn về việc phát triển ngành công nghiệp ôtô lẫn thị trường đáng ra phải rất tiềm năng và phát triển. Phải có thị trường đủ lớn cùng các định hướng phát triển ôtô dài hạn để từ đó nhà sản xuất dự báo được thị trường và đi tới quyết định sản xuất. Và để thúc đẩy quá trình này, trong cuộc họp phía Nhật Bản đã đề nghị Việt Nam cùng xây dựng một kế hoạch hành động phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam; trong đó vấn đề quan trọng là xây dựng các chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư lớn cho ngành công nghiệp này. Để thu hút đầu tư duy trì sản xuất, “giữ chân”, tránh những cuộc “tháo lui” không đáng có của các “ông lớn” như Toyota, Honda, Ford, Nissan nhằm phát triển thị trường ôtô phụ thuộc rất nhiều vào chính sách…

Theo đúng lộ trình, chỉ còn 5 năm nữa là mức thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước khu vực ASEAN+ (bao gồm cả 3 quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký các hiệp định thương mại với Asean) sẽ giảm về 0-5%. Theo nhìn nhận của ông Phạm Thái Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK Tân Thái Dương, thì theo lộ trình gia nhập Khu vực mậu dịch tự do Asean (AFTA), thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực Asean về Việt Nam năm 2014 sẽ giảm xuống còn 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 còn 10% và năm 2018 còn 0%. Đến giờ G - năm 2018, sức ép của xe nhập khẩu giá thấp sẽ “đè” rất nặng lên các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Nếu không có những chính sách thay đổi phù hợp có thể dẫn đến nguy cơ sụp đổ của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam khi nhiều hãng xe sẽ chẳng tội gì mở rộng phát triển sản xuất, thay vào đó sẽ thu hẹp dần và mở rộng mảng thị trường xe nhập khẩu.

Ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương trên báo chí đã từng cho biết, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời và hợp lý, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong Asean về mức 0% năm 2018, Việt Nam sẽ hoàn toàn trở thành thị trường nhập khẩu ôtô, dẫn đến gia tăng áp lực nhập siêu cho nền kinh tế. Để “cứu” thị trường ôtô trong nước, đã có rất nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, trong đó các chuyên gia đã nêu lên 4 phương án được tính toán là hợp lý và hiệu quả cho ngành công nghiệp ôtô gồm:

Thuế tiêu thụ đặc biệt được thực hiện theo biểu thuế suất hiện hành, lệ phí trước bạ 10-15% đối với xe đăng ký lần đầu và 2% đối với xe đăng ký từ lần thứ hai (1); Giảm 30% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô đăng ký lần đầu (2); Giảm 50% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô đăng ký lần đầu (3); Giảm 70% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và 70% lệ phí trước bạ đối với ôtô đăng ký lần đầu (4). Xem xét, tính toán bối cảnh cụ thể và tình hình thực tiễn, Bộ Công thương đã lựa chọn và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, chính sách theo phương án (3). Bởi khi phương án 3 được thông qua, giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký lần đầu, xe chiến lược được lựa chọn sẽ được giảm thuế 70% dự kiến sẽ tạo đà cho sức mua ôtô trên thị trường đạt mức tăng trưởng 20%...

Tạo động lực phát triển

Qua khảo sát cho thấy chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam giai đoạn mới đến năm 2020, tầm nhìn 2030, mà trước mắt mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ giảm 50-70% cho các mẫu xe mới một cách bền vững và lâu dài thì các doanh nghiệp sẽ đầu tư mạnh để thúc đẩy sản xuất. Hiện nay thuế suất thuế nhập khẩu ôtô từ Asean về Việt Nam đang ở mức 60%, để phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam từ nay đến 2020, Bộ Công thương cùng các doanh nghiệp sản xuất ôtô đã xây dựng một lộ trình giảm thuế cụ thể, năm 2014 giảm còn 50%, năm 2015 giữ 50%, năm 2016 giảm còn 40%, năm 2017 giảm còn 30% và năm 2018 giảm về 0%. Ngoài phát triển thị trường, về nguồn thu ngân sách, việc giảm thuế, phí sẽ được bù đắp bằng việc tăng lượng xe đóng thuế, phí khi “bùng nổ” sức mua, dự báo tổng dung lượng thị trường đạt khoảng 157.000 xe năm 2015 (tăng khoảng 15%), tăng gần 383.000 xe năm 2020 (tăng khoảng 40%) và vượt mức 2 triệu xe năm 2030.

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đang tính toán và lên kế hoạch cho mức thay đổi mới của Bộ Công thương dự kiến. Khi đó nhiều khả năng sẽ ngừng lại những mẫu xe nào không có khả năng phát triển trên thị trường như các mẫu có dung tích xi lanh trên 2.0L, hoặc chuyển sang nhập khẩu theo nhu cầu của khách hàng; còn lại tập trung vào lắp ráp những mẫu xe có sản lượng lớn, có lợi thế cạnh tranh mà cụ thể là những mẫu xe có dung tích 2.0L. Thực tế, nếu thuế tiêu thị đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe dưới 2.0L giảm 50% sẽ giảm chi phí đáng kể để mua và lưu hành một chiếc xe giúp giá xe ôtô hạ nhiệt kể cả xe nhập khẩu hay xe lắp ráp trong nước, giúp thị trường ôtô khởi sắc hơn, doanh số bán ra của các hãng xe chắc chắn sẽ tăng.

Các chuyên gia lạc quan cho rằng với những chính sách thay đổi hợp lý, ổn định, lâu dài, Việt Nam cùng với Indonesia, Thái Lan có thể trở thành 3 trung tâm sản xuất, xuất khẩu ôtô của khu vực Asean; nhưng trước mắt cái được nhìn thấy đó là việc thực hiện chính sách giảm mạnh các loại thuế, phí như tiêu thụ đặc biệt, trước bạ; ưu đãi cho sản xuất trong nước… sẽ giúp các “ông lớn” thay vì chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn mà tiếp tục ở lại đầu tư, phát triển sản xuất nhằm cho ra đời nhiều mẫu xe mới với giá hợp lý hơn phục vụ người tiêu dùng và để phát triển ngành công nghiệp ô tô vốn “sinh sau đẻ muộn” của Việt Nam. Vì vậy, phương án giảm mạnh thuế, phí nhằm phát triển dung lượng thị trường, quyết định đến tương lai phát triển của ngành công nghiệp ôtô theo đề án của Bộ Công thương cần sớm được quyết định.

Theo Quân.Trần (anninhthudo.vn)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm