06:15  | 

Thuế đang là rào cản đối với ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam

 Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước có mức thuế bảo hộ ô tô cao nhất châu Á.

>> Sẽ giảm 50 – 70% thuế, phí cho ô tô?

Theo ông Gaurav Gupta - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH General Motors Việt Nam (GMV), ngành công nghiệp ô tô hiện nay vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng thực tế của Việt Nam.

“Ngành này chưa kịp phục hồi kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2012 khi sản lượng ô tô rơi xuống 35 – 40%”.

Thêm vào đó, trận lụt lịch sử ở Thái Lan năm 2011 đã khiến nhiều nhà sản xuất ô tô, xe máy như Toyota, Honda, General Motors bắt đầu xem xét việc xây dựng một cơ sở, hệ thống hỗ trợ thứ hai tại Việt Nam. Tiếc rằng, sự đầu tư này không được thực hiện ở Việt Nam mà thay vào đó là Indonesia với lý do chính liên quan đến vấn đề thuế.

Cụ thể, ông Gaurav Gupta cho rằng, thuế ở Việt Nam rất cao và chiếm đến 60% giá ô tô trên thị trường. Dưới điều kiện kinh tế khó khăn như hienj nay, Chính phủ nên cân nhắc tăng mức hỗ trợ thuế cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy.

“Chính phủ cần có một lộ trình rõ ràng trong việc giảm thuế hoặc một tầm nhìn (kế hoạch) cho hệ thống thuế trong 10 và 15 năm tới và được công bố để giúp ích cho các nhà sản xuất ô tô, xe máy mà đang hoạt động trong một ngành công nghiệp đòi hỏi một lượng vốn hết sức lớn” – Ông Gaurav Gupta kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Constantino Sambuy – Tổng giám đốc Piaggio Việt Nam nói thêm, năm 2011 và năm 2012 Việt Nam có sự thay đổi lớn về thuế và lệ phí dẫn đến tình trạng thuế không ổn định và làm rối loạn thị trường ở Hà Nội và Tp HCM, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ áp dụng đối với xe máy có giá trị hơn 40 triệu đồng.

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước có mức thuế bảo hộ ô tô cao nhất châu Á.

Giá thành sản xuất ở Việt Nam cao hơn Trung Quốc 20%

Ông Constantino Sambuy dẫn chứng trường hợp cụ thể của công ty Piaggio, cùng một sản phẩm xuất khẩu từ Việt nam đắt hơn xuất khẩu từ Trung Quốc trong khi chi phi nhân công ở Trung Quốc cao hơn chi phí nhân công ở Việt Nam 3 lần.

“Sự khác niệt này chủ yếu là do thuế. Việt Nam nên có hành động nếu không sẽ đánh mất các cơ hội quý giá của các nhà đầu tư” – Ông Constantino Sambuy khuyến cáo.

Ông diễn giải cụ thể, giá linh kiện nhập khẩu vào Việt Nam đắt hơn ở Trung Quốc. Công ty có nghĩa vụ nộp thuế đối với hàng nhập khẩu ngay lập tức (dù đã có quy định ân hạn thuế 275 ngày kể từ khi các bộ phận/linh kiện được nhập khẩu vào Việt Nam và công ty không thể chỉ ra bộ phận/linh kiện nào là cho thị trường nội địa và bộ phận/linh kiện nào là dùng cho mục đích xuất khẩu) trong khi không thể thu hồi lại được các khoản thuế này cho nhà cung cấp do khối lượng thủ tục, giấy tờ lớn hơn phải làm.

Hơn nữa, chi phí cho các chuyên gia đến Việt Nam lại rất cao, cao hơn nhiều so với các nơi khác.

Khi xem xét tất cả các yếu tố trên, dễ hiểu tại sao chi phí kinh doanh ở Việt Nam đắt hơn 20% chi phí ở Trung Quốc – Ông Constantino Sambuy kết luận.

Theo Khánh Linh (Trí Thức Trẻ)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm