Chủ Nhật, 19/01/2025 | 11:49
00:41 |
3 giải pháp giao thông đáng học hỏi từ Singapore
Tình trạng ùn tắc giao thông làm giảm đáng kể tiềm năng của một quốc gia trong việc tạo ra thịnh vượng. Singapore đã sớm xác định được mối nguy cơ này và tạo ra một hệ thống hiệu quả các biện pháp để giao thông không phải là trở ngại cho tăng trưởng kinh tế.
>> Thương hiệu BMW i lần đầu tiên đến Đông Nam Á
>> BMW i “chào” đảo quốc sư tử Singapore
>> Cận cảnh xe điện BMW i3 đầu tiên tại Đông Nam Á
Mặc dù vẫn được ca tụng như một “Quốc gia xanh”, song Singapore là quốc gia phát triển sở hữu một trong những mật độ đường xá đông đúc nhất thế giới – 4,8 km đường trên mỗi kilomet vuông đất. Singapore cũng có tỷ lệ xe trên đường cao nhất với 281 xe/km. Con số này cao hơn đáng kể Nhật Bản (63), Pháp (36), Anh (77) và Mỹ (38).
Mặc dù mật độ phương tiện lưu thông dày đặc nhưng đường phố Singapore luôn thông thoáng.
Tuy nhiên, Singapore thành công trong việc tìm ra được một phương pháp để tránh các vấn đề giao thông đã trở thành dịch bệnh tại các quốc gia láng giềng. Hiểu rõ được các vấn đề kinh tế đi kèm với tắc nghẽn giao thông, Chính phủ Singapore đưa ra một loạt các biện pháp nhằm hạn chế tác động của ôtô đến với đất nước. Có một hệ thống các hạn ngạch, lệ phí đăng ký, phí tắc nghẽn cho phép giao thông của Singapore thông thoáng 24/7.
Các vấn đề đối với các nước láng giềng
Mọi người có thói quen phàn nàn về giao thông. Bất cứ ai đã từng đến Jakarta chắc chắn sẽ không tránh khỏi việc bị ấn tượng với tình hình giao thông tại thành phố này. Các quốc gia láng giềng sở hữu lượng xe/km đường tương tự Singapore như Indonesia (143), Thái Lan (255) và Phi-lip-pin là 226.
Tuy nhiên chất lượng của những con đường nơi đây lại khác xa so với các dải đường cao tốc êm ái mà bạn từng lướt đi trên đảo quốc Sư Tử. Hệ thống đường xá nghèo nàn kết hợp với giai cấp trung lưu ngày càng gia tăng có thể nhanh chóng dẫn đến nhiều vấn đề tắc nghẽn nghiêm trọng do các đối tượng này sở hữu một lượng lớn phương tiện cá nhân.
Khi giao thông chậm chạp, không chỉ mỗi người dân phải chịu đựng. Các nhà sản xuất cũng phải đau đầu khi nhiều lô hàng bị chậm chễ mỗi ngày, các buổi họp kinh doanh bị giới hạn còn các công ty đa quốc gia muốn tránh ùn tắc giao thông hoàn toàn thay vì đưa ra các giải pháp cho vấn đề hậu cần.
Chi phí cho tắc nghẽn không hề rẻ. Một báo cáo nghiên cứu năm 2013 của McKinsey đã chỉ ra rằng chi phí kinh tế cho cơ sở hạ tầng nghèo nàn của Indonesia là 5.2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2010. Đây là một kết quả của việc sở hữu 70% mạng lưới đường bộ duy trì kém và 35% bị hư hại nặng. Thêm vào cơ sở hạ tầng không đầy đủ, Indonesia còn khuyến khích người dân sở hữu xe riêng bằng cách trợ giá nhiên liệu.
Giải pháp của Singapore
Nó luôn là một cơn chấn động khi mọi người lần đầu tiên nghe đến cái giá phải trả để ngồi sau tay lái của một chiếc Honda Jazz mới ở Singapore. Sau khi chạm mức thấp 3864 đô la Singapore vào tháng Ba năm 2011, giấy chứng nhận quyền mua xe (Certificate of Entitlement, viết tắt là COE) cho một chiếc xe mới sẽ trên 70 nghìn đô la Singapore.
Chi phí sở hữu xe tại Singapore thuộc diện đắt nhất thế giới.
Khi bạn bổ sung thêm lệ phí đăng ký, số tiền bạn bỏ ra để sở hữu một chiếc xe sẽ gấp 2-3 lần giá thông thường của nó. Bằng cách tăng giá xe, hệ thống COE hạn chế được những người muốn hoặc có thể mua xe.
Hai tháng một lần, cơ quan giao thông vận tải mặt đất Singapore tổ chức một chương trình bán đấu giá COE có sẵn. Số lượng COE được xác định bởi một hệ thống hạn ngạch.
Ngoài hệ thống hạn ngạch và lệ phí đăng ký bổ sung, còn có hệ thống thu phí điện tử, gọi tắt là ERP (Electronic Road Pricing), khuyến khích các lái xe tránh một số khu vực nhất định vào giờ cao điểm. Nếu bạn đi qua dưới một dàn tính phí ERP trong giờ cao điểm, bạn sẽ bị mất 5 đô la Singapore. Chính vì vậy các lái xe sẽ phải suy nghĩ rất kỹ càng trước khi di chuyển vào một con đường có thể dẫn họ đến một giàn ERP.
Bài học từ Singapore
Lệ phí giao thông cá nhân của Singapore nghe có vẻ quá nhiều nhưng chúng thực sự hoạt động hiệu quả. Việc tạo ra một hệ thống khuyến khích và hạn chế cho phép nền kinh tế Singapore được mở rộng mà không gây ra tình trạng tắc nghẽn.
Nếu các nước láng giềng có thể vượt qua được một số rào cản chính trị và sử dụng hệ thống kinh tế tương tự Singapore, họ sẽ có thể loại bỏ chiếc còng kìm hãm tăng trưởng tiềm năng của mình.
Ngọc Điệp (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá (4)