07:00  | 

Sẽ có ô tô giá rẻ cho người Việt

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần làm ra dòng ô tô chiến lược, vừa giúp người tiêu dùng mua được xe giá rẻ, vừa thúc đẩy trình độ, năng lực kỹ sư ô tô.

>> Vì sao Quảng Nam ủng hộ Trường Hải làm động cơ Euro 2,3?

Đại diện Bộ Công Thương thừa nhận 10 năm qua công nghiệp ô tô chưa đạt tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, mới ở mức độ lắp ráp. Tỉ lệ nội địa hóa thấp, mục tiêu đề ra năm 2005 là 40%, năm 2010 là 60% với loại xe thông dụng (xe tải, xe khách, xe con) nhưng đến nay mới đạt 7%-12%. Đó là một chủ đề rất được quan tâm trong buổi tọa đàm “Phát triển ngành công nghiệp ô tô trong xu thế hội nhập” do báo Công Thương tổ chức ở Hà Nội, ngày 22-8.

Đặt mục tiêu chủ quan

Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương), qua 10 năm quy hoạch ngành, đến nay đã có 18 doanh nghiệp (DN) FDI và 38 DN trong nước tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô với năng lực 460.000 xe/năm, đóng góp cho ngân sách thuế hơn 1 tỉ USD/năm. Bước đầu đã hình thành một ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp một số phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nhưng còn yếu kém.

Mục tiêu quy hoạch tỉ lệ sản xuất trong nước đối với động cơ và hộp số là 50%-90% vào năm 2010 chưa làm được. Hiện con số 210 DN tham gia ngành chủ yếu thuộc loại vừa và nhỏ, chỉ sản xuất được một ít chủng loại phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắcquy…

Các DN trong nước cố gắng giảm chi phí sản xuất để bán ô tô đến tay người tiêu dùng với giá thấp. Ảnh: HTD

Ngoài ra, mục tiêu giá bán xe hợp lý, phù hợp với túi tiền người Việt Nam cũng chưa đạt được. Giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước khác trong khối ASEAN do sản lượng thấp, dây chuyền lắp ráp chỉ hoạt động 50% công suất.

Lý giải về tình trạng trên, ông Quân cho rằng mục tiêu nội địa hóa mang tính chủ quan và kỳ vọng, chưa lường hết khó khăn về phát triển hạ tầng giao thông, tính phức tạp và “đỏng đảnh” của thị trường ô tô Việt Nam (dự kiến năm 2010 tiêu thụ 240.000 xe, thực tế là 140.000 xe). Cơ quan quản lý chậm ban hành hành lang pháp lý, cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ như phê duyệt phát triển ô tô từ năm 2004 nhưng đến năm 2007 mới phê duyệt phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Cơ chế chính sách thuế, phí không ổn định, dàn trải, chưa thực sự tạo thành công cụ hữu hiệu để kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô.

Cơ hội cuối cùng

Theo ông Jesus Metelo Arias, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, năm 2018 là thời điểm thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào Việt Nam bằng 0%. Thời gian không còn nhiều, Việt Nam cần nhanh đưa ra chính sách đảm bảo phát triển thị trường ổn định. Để sản xuất được một chiếc ô tô cần tới hàng ngàn linh kiện, không hãng ô tô nào tự sản xuất được toàn bộ linh kiện mà phải cần đến nguồn cung ứng từ bên ngoài. Điều kiện để phát triển thành nhà cung ứng linh kiện là quy mô thị trường và chính sách hợp lý để thu hút đầu tư.

Ông Phạm Văn Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải, cho rằng khả năng nội địa hóa của các DN khác nhau, Chính phủ cần đặt mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu cho DN. “Nội địa hóa không đơn giản, không dễ làm nhưng không khó nếu quyết tâm” - ông nói.

Để làm được điều này, ông đề xuất cách gom nhóm có cùng công nghệ để sản xuất lớn. “Đây là cơ hội cuối cùng. Phải đưa ra được quy hoạch chính xác, phù hợp vì thời điểm 2018 không còn xa!” - ông nhấn mạnh.

Hơn nữa, người tiêu dùng luôn mong muốn mua được xe giá rẻ, đa số giá ô tô cao là do thuế. Hầu hết mức thuế hiện nay đều đánh vào người tiêu dùng. Vì vậy, ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), cho rằng muốn phát triển công nghiệp ô tô cần phát triển dòng xe chiến lược, tạo sản lượng lớn, giá rẻ, ưu đãi thuế nếu đáp ứng được các điều kiện sản xuất dòng xe này. Tăng tỉ lệ nội địa hóa sẽ giảm được nhập khẩu. Làm ra dòng xe chiến lược sẽ giúp người tiêu dùng mua được xe giá rẻ và thúc đẩy trình độ, năng lực của kỹ sư ngành ô tô.

"Nên giảm 70% thuế với dòng ô tô giá rẻ chủ lực

Ông DƯƠNG ĐÌNH GIÁM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp

Cần giữ nguyên mức thuế 50% đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đến năm 2017 thì cho về 0%. Các DN trong nước cố gắng giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành, bán ô tô đến tay người tiêu dùng với giá thấp. Dòng xe chủ lực sẽ được giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50%-70% lệ phí trước bạ để kích thích tiêu dùng.

Theo dự kiến, sau năm 2020 thu nhập bình quân của người Việt Nam vượt ngưỡng 2.000 USD/người/năm, điều kiện hạ tầng giao thông được cải thiện. Đây là các yếu tố quan trọng để tăng nhu cầu sử dụng ô tô, đặc biệt là ô tô dưới chín chỗ chiếm 70% tổng nhu cầu."

Theo Trà Phương (phapluattp.vn)

Ý kiến đánh giá (1)


Có thể bạn quan tâm