11:26  | 

Tasmania - Hòn đảo của những nguồn cảm hứng

"Tasmania vốn được dân Úc gọi với tên thân mật “Tassie”, đặc trưng bởi thời tiết se lạnh và cảnh đẹp tự nhiên của đồi núi và sông hồ - một hình ảnh lạ ở một đất nước nhiều đồng cỏ savannah khá bằng phẳng như Úc".

>> Phần 1: Gõ cửa biên giới 

>> Phần 2: Cảm nhận Vientiane

 >> Phần 3: “Chơi” đủ trò ở Vang Vieng

 >> Phần 4: Thăm cố đô Luang Prabang

>> Tôi đi “bụi” ở Lào (Cuối)

Ấp ủ giấc mơ đến Tasmania - hòn đảo của những nguồn cảm hứng đã lâu, nhưng chỉ đến cuối năm 2012, khi Jetstar có đợt giảm giá vé, chúng tôi mới có cơ hội đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này. Cả gia đình gồm 2 vợ chồng và một trẻ em 2,5 tuổi bay cả một chặng dài 5 tiếng từ Darwin - thủ phủ phía Bắc Úc, xuống Melbourne, rồi nối chuyến thêm một giờ bay nữa tới Hobart - thủ phủ bang Tasmania. Một số khách du lịch hoặc phần lớn dân địa phương lại thích lái xe từ Melbourne, cả người và xe lên chuyến phà danh tiếng “Spririt of Tasmania” qua eo biển Bass, xuống thành phố Devonpot và bắt đầu hành trình quanh đảo từ phía Bắc.

Tasmania vốn được dân Úc gọi với tên thân mật “Tassie”, đặc trưng bởi thời tiết se lạnh và cảnh đẹp tự nhiên của đồi núi và sông hồ- một hình ảnh lạ ở một đất nước nhiều đồng cỏ savannah khá bằng phẳng như Úc. Tassie cũng là một bang có nông, lâm, ngư nghiệp rất phát triển ở Úc với nhiều sản vật nổi tiếng khắp thế giới như rượu vang, phô-mai, cá hồi, hải sản, và nhiều loại trái cây kiwi, dâu tây, cherry, táo, lê,... Gần 45% diện tích đảo được khoanh vùng làm các vườn quốc gia và khu bảo tồn tự nhiên thuộc danh mục Di sản văn hóa, tự nhiên của thế giới.

Tassie cũng là một nơi mang đầy dấu ấn lịch sử của nước Úc bởi đây là một trong những nơi đặt chân đầu tiên của các con tàu chở tù nhân từ Anh sang khai phá nước Úc. Chính vì sự phong phú của lịch sử và tự nhiên trên đảo nên khách du lịch có thể tự chọn cho mình hành trình khám phá riêng theo sở thích như: con đường ẩm thực, con đường lịch sử và di sản, hay con đường tự nhiên hoang dã.

Xuống đến sân bay, cả nhà ra cửa nhận xe ô tô đã đặt thuê trước từ trên mạng, thủ tục khá nhanh gọn và đơn giản, chỉ với $35- $45/ ngày, bạn đã có thuê một chiếc sedan hay MPV 5 chỗ mới cóng, thoải mái để vi vu. Với rất nhiều hãng thuê xe như Avis, Europcar, Hertz, Thrifty, Budget,... bạn có thể dễ dàng chọn cho mình một chiếc xe ưng ý với giá cả phải chăng, thậm chí một số hãng như Europcar còn liên kết với các hãng xe như Audi cho khách hàng thuê một số mẫu xe mới với giá “bình dân” như một cơ hội quảng bá cho khách hàng “lái thử”.

Từ Hobart - thủ phủ phía Nam đảo, cuộc hành trình khám phá vẻ đẹp tự nhiên của Tassie bắt đầu. Mặc dù nhiều đồi núi, nhưng hệ thống đường xá, giao thông trên đảo rất tốt, tuy nhiên các tài xế cũng cần cẩn trọng vì như bao thành phố du lịch khác, rất nhiều xe lưu thông trên đảo là của dân du lịch tứ xứ, vì vậy đôi khi cũng gặp phải những tay lái “loạng quạng” chưa quen đường khiến bạn “thót tim”.

Ngày thứ hai, cả nhà đi thăm đảo Bruny ở phía Nam, 1 giờ lái xe từ Hobart xuống Kettering rồi cả người cả xe đi phà 30 phút nữa qua đảo. Đây là vịnh Mây bay (Cloundy Bay) - nhìn từ mũi Hải Đăng (Cape Lighthouse) - sở dĩ có tên này vì ở đây sóng to, nước bốc hơi ngùn ngụt nên lúc nào cũng mù mịt. Cậu con trai Susu rất thích đi chơi, lên đây nhất định không cho bế “No, no bế”, đòi tự mình đi phăng phăng leo lên ngọn hải đăng, vừa đi vừa chỉ “mẹ ơi, nhìn kìa, núi, biển...”.

Dải đất hẹp The Neck thuộc đảo Bruny - chia đôi 2 bên vịnh Isthmus và Adventure, rất lạ mắt. Ở đây gió lồng lộng và tiết trời rất lạnh, mặc áo thun run cầm cập ngắm cảnh thôi chứ không bơi được.

Bé Susu tự mình leo cầu thang lên đỉnh ngắm cảnh ở The Neck, luôn miệng giải thích “Con không cần bế, con tự đi được”. Con trai chậm nói đã học thêm được nhiều từ mới sau chuyến đi. Rất tiếc cả nhà chỉ đi đảo trong ngày nên không xem được chim cánh cụt di cư. Nếu có thời gian ở lại đảo sau hoàng hôn, du khách có thể ngắm đàn chim cánh cụt di cư về đây làm tổ trong bụi cây ven biển ở cuối cầu thang gỗ này.

Ngày thứ 3, hôm trước đi biển, hôm nay cả nhà lên rừng. Lái xe từ Hobart hướng tây nam hơn 80km xuyên qua thung lũng sông Huon tuyệt đẹp với những cánh đồng xanh bát ngát đã mắt lượn thoai thoải bên sườn núi, đến thị trấn thơ mộng Geeveston rồi tiếp tục lái xe thêm 30km trong rừng Tahune toàn những khúc cua tay áo.

Đích đến là Tahune Airwalk - một dàn cầu thép bắc trên ngọn cây, vắt qua sông Huon, nhìn bao quát được toàn bộ khu rừng trong thung lũng.

Cả nhà đi bộ trong rừng gần 3 tiếng mệt lả nhưng cũng rất thú vị, xem được nhiều thứ hay, đặc biệt là đi qua 1 cây cầu dây văng vắt qua sông cuồn cuộn nước chảy, con trai la oai oái nhưng vẫn thích đi 1 mình qua cầu, miệng liên tục nhắc đi nhắc lại các từ mới học “sông, cầu, núi, cây”... chốc chốc lại hát hò, rồi kêu đói..., mỏi chân lại nhờ ba vác lên sau lưng.

Cầu Dunrobin bắc qua hồ Meadow, gần thị trấn Ouse, dọc hai bên bờ hồ là những đồng cỏ tít tắp. Sau 4 ngày khám phá Hobart và các vùng xung quanh, ngày thứ 5, cả nhà lái xe hơn 300km từ bờ biển phía Nam sang bờ phía Tây, trong đó 3/4 là đường rừng núi cua tay áo liên tục, lâu lắm rồi mình mới bị say xe mật xanh mật vàng như thế, người lớn mệt bơ phờ, trẻ con cứ lên xe là ăn và ngủ, xuống xe là tỉnh như sáo, hát nói luyên thuyên... đổi lại là những trải nghiệm khó quên, hoa dại nở khắp nơi, những đồng cỏ bao la, rừng tiếp rừng, núi tiếp núi, hồ nối hồ, cảnh đẹp đến xao lòng.

Hồ Dove và núi Cradle.

Sau những rừng, những núi, 8 giờ tối cả nhà mới tới nghỉ đêm tại khu caravan ở Strahan - một làng chài nhỏ phía Tây. Nhờ kinh nghiệm những chuyến đi trước mà mình đã chuẩn bị sẵn đồ ăn tối khi đi ngang qua siêu thị một thị trấn trên đường, đến nơi chỉ việc bỏ vào lò nướng là cả nhà đã có một bữa ăn tối nóng sốt.

Khác với các thành phố châu Á, chỗ nào có du lịch, chỗ đó có hàng quán. Ở Úc, khách sạn, nhà hàng được quy hoạch cụ thể, càng trong các khu bảo tồn tự nhiên, nhà hàng khách sạn càng ít, nếu có thì cũng rất đắt, và hầu hết đóng cửa sau 6 giờ tối, vì vậy du khách nên chuẩn bị trước đồ ăn (có thể mua ở siêu thị đồ ướp sẵn) và lưu ý khi thuê cabin hoặc phòng khách sạn nên chọn những chỗ có bếp nấu và đầy đủ dụng cụ nhà bếp. Nhưng Strahan mới chỉ đi được 2/3 đường thôi, đích đến của hành trình là Khu bảo tồn Cradle Mountain, ngọn núi cao nhất Tasmania - di sản thiên nhiên thế giới, cả nhà sẽ nghỉ ở trong núi 3 ngày và tham gia đi bộ khám phá thiên nhiên trong khu bảo tồn.

Ngày thứ 8 của hành trình, ba địu con, mẹ đeo ba lô đựng thức ăn, nước uống, cả nhà đi bộ, leo lên đỉnh Marions ngắm toàn cảnh khu bảo tồn Cradle. Buổi sáng, khi đi bộ dọc bờ hồ Dove, mình nhìn thấy biển chỉ dẫn lối lên Marions Lookout, liền rủ hai ba con đi đường này lên luôn, ai ngờ đường rất khó đi, nhiều đoạn vách dựng đứng 70o, cả nhà vừa bò, vừa bám dây xích đu lên. Càng lên cao, thời tiết càng thất thường, chợt mưa, chợt nắng, gió thổi vù vù, hai vợ chồng vừa muốn bỏ cuộc, vừa lo cho thằng con sau lưng nhỡ ốm thì khổ. Nhưng cậu con trai lại chẳng lo lắng gì, rất thích thú là đằng khác, ba mẹ cứ leo, con địu đằng sau líu lo hát. Lần mò nửa ngày cuối cùng cũng lên đến đỉnh, tới nơi thấy mọi người đi lại tấp nập, mới phát hiện ra còn một đường khác ở sườn núi bên kia, dài hơn nhưng ít dốc hơn, đoạn đường cả nhà vừa đi là đường dốc và hiểm trở nhất.

Ngắm toàn cảnh khu bảo tồn Cradle Mountain từ đỉnh Marion Lookout.

Dễ dàng bắt gặp nhím rừng, wombat, wallaby... đi kiếm ăn dọc đường xuống núi.

Núi The Nut thuộc thị trấn Stanley. Kết thúc 3 ngày trong rừng Cradle, cả nhà tiếp tục lái xe lên thị trấn Stanley, tận cùng Tây Bắc đảo, nổi tiếng với nguồn hải sản phong phú.

Từ Stanley, cả nhà ghé qua vùng nông thôn Sheffield thăm thị trấn có cái tên kỳ lại “Chẳng chỗ nào khác” (Nowhere Else)

Tiếp tục lái xe dọc đường cao tốc từ Tây Bắc sang Đông Bắc, cả nhà chọn điểm dừng là thành phố Lauceston, thành phố lớn thứ 2 trên đảo. Từ Lauceston, hai vợ chồng dành 1 ngày thăm quan thành phố, một ngày đi lên phía Đông Bắc thăm thung lũng nho và trang trại oải hương ở Tamar Valley, một ngày lái xuống bờ biển phía Đông thăm bán đảo Freycinet và vịnh cát trắng nước trong vắt Wineglass bay, trên đường về không quên rẽ qua trang trại nuôi hàu Freycinet Marine Farm mua một tá hàu tươi về nướng.

Dãy núi Hazards trên bán đảo Freycinet, từ đây có thể ngắm cá heo và cá voi di cư vào mùa nước ấm.

10 ngày với 2,500km sau tay lái qua hầu hết các địa danh nổi tiếng của Tassie, chuyến đi đã để lại nhiều kỷ niệm cho cả gia đình, đến nỗi mà cả tháng sau khi về đến nhà, con trai chỉ vào ảnh luôn miệng “Mẹ ơi, con muốn đi chơi, con thích leo núi”. Vẫn còn những nuối tiếc vì chưa ngắm được đồi hoa tulip ở Cape Table, lỡ hẹn với vườn oải hương tím mùa nở hoa, vẫn chưa tới được vịnh Những đốm lửa (Bay of Fires), vẫn chưa được đắm mình trong hương thơm của những cánh đồng lúa mì trĩu hạt ở Oatlands, chưa ngắm được những vách núi ở Cape Raoul – dấu vết đứt gãy tách rời của châu Úc ra khỏi lục địa ngàn năm trước... và vì thế nhất định có lý do để quay trở lại Tassie trong tương lai.

Nguyễn Diệu Linh (TTTĐ)

Ảnh: Diệu Linh

*Bạn đọc có thể chia sẻ những bức ảnh, những cảm nhận của mình qua những chuyến đi bằng cách gửi email về: team@autodaily.vn

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm