Thứ Bảy, 18/01/2025 | 20:07
07:10 |
Cấm xe máy: Văn minh... phải hợp túi tiền!
Văn minh không xe máy cũng phải hợp túi tiền của dân, của nhà nước. Dân chưa giàu, nước còn nghèo thì đừng mơ bỏ được xe máy!
>> Năm 2020 sẽ tiến hành cấm xe máy
"Việc cấm xe máy là đúng và cần thiết để hạn chế phương tiện cá nhân. Nhưng cũng phải tính toán lộ trình. Vì thuốc dù có bổ đến đâu mà tiêm quá liều vào cơ thể thì cũng sốc mà chết thôi. Trong khi ta chưa có tàu điện ngầm, buýt nhanh thì trước hết hãy nghĩ về văn minh xe máy", PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT, ĐH GTVT Hà Nội cho biết.
Không thể cấm xe máy lúc này
Gần đây, dư luận lại xới lên vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân trong nội đô Hà Nội và TPHCM, nhân việc TS Lương Hoài Nam, cựu Tổng Giám đốc Jetstar Pacific đưa ra ý kiến cấm xe máy. Câu chuyện này luôn là vấn đề thời sự, thưa ông?
Với tình trạng giao thông lộn xộn, xuống cấp, ùn tắc, tai nạn như hiện nay thì việc giảm rồi tiến tới cấm phương tiện cá nhân chứ không riêng gì xe máy là vấn đề luôn luôn được đặt ra, không bao giờ cũ.
Trước đó, năm 2011, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề xuất phí được quyền mua ô tô, xe máy cao gấp từ 2 - 10 lần giá trị xe. Đầu năm sau, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra đề xuất thu phí lưu hành phương tiện từ 500.000 - 1 triệu đồng/năm đối với xe máy, 20 - 50 triệu đồng/năm đối với ô tô, nhằm hạn chế phương tiện cá nhân. Thế nhưng, những đề xuất này rồi cũng chỉ nằm trên giấy!
Khi những đề xuất này được đưa ra, tôi và nhiều chuyên gia khác đã có ý kiến rồi, rằng những giải pháp như thế không bao giờ khả thi được!
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT, trường Đại học GTVT Hà Nội.
Cũng lại với mốc thời gian, hồi tháng 11/2012, Bộ trưởng Bộ GTVT ký quyết định dừng nghiên cứu xây dựng đề án "Hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn". Rõ ràng đây là vấn đề không hề đơn giản?
Đúng thế. Vì trên thực tế, nhiều khi giữa mong muốn với thực tế là một khoảng cách rất xa. Không phải cứ bảo tôi muốn giảm ùn tắc bằng cách giảm phương tiện cá nhân, cấm xe máy trong nội đô là được đâu!
Theo ông thì ở ta hiện nay đã đến lúc cần phải tính đến việc cấm xe máy?
Tôi cho rằng, không thể nghĩ tới việc cấm xe máy vào lúc này, dù chỉ trên ý tưởng.
Vì sao vậy?
Cần phải thừa nhận rằng, đề xuất cấm xe máy trong nội đô để giảm ùn tắc là đúng về mặt lý thuyết, nhưng chưa đủ. Vì ô tô riêng cũng là nguyên nhân ùn tắc chứ.
Mơ ước có một cuộc sống văn minh, đời sống cao là dễ hiểu. Thế nhưng, văn minh cũng phải phù hợp với trình độ phát triển của đất nước. Nói thẳng ra là văn minh không xe máy cũng phải hợp túi tiền của dân, của nhà nước. Giờ, dân chưa giàu, nước còn nghèo thì đừng mơ bỏ được xe máy! Tư duy phải gắn với thực tiễn.
Ông đang bàn lùi?
Đó là thực tế. Cũng như việc, bạn mơ ước được có nhà riêng mà phải là biệt thự chứ không phải chung cư, có ô tô riêng để đi làm, nhưng thu nhập chỉ vài triệu mỗi tháng. Thế thì ước mơ mãi là ước mơ thôi. Nó cũng như ước mơ xóa bỏ xe máy ấy.
Ai bảo ô tô riêng là văn minh
Để lý giải việc tại sao phải cấm xe máy, TS Lương Hoài Nam cho rằng, mục đích đầu tiên của nó là an toàn giao thông, thứ hai là giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, thứ ba là thay đổi "tư duy xe máy" để biết đi cẩn trọng hơn. Rõ ràng, giảm được xe máy có rất nhiều cái lợi?
Ai cũng biết đi xe máy là ô nhiễm, mất an toàn. Nhưng nguyên tắc của giao thông là phải thuận tiện, kịp thời. Bây giờ bảo đi xe buýt nhưng xe hay xảy ra bỏ bến, trễ giờ, làm sao mà người ta tin và dám đi. Còn đi taxi, lúc tắc đường thì taxi cũng chết dí, thà họ đi xe máy còn hơn.
Cũng đừng nên so sánh ta với Lào, Campuchia, Malaysia... khi mà tôi sang Malaysia, chỉ cần vài ngàn USD là họ mua được ô tô Matiz rồi. Ở ta, số tiền đó chỉ để mua xe máy hạng bình dân thôi.
Như vậy thì đề xuất cấm xe máy là không tưởng ở Việt Nam?
Đúng vậy. Nó là đề xuất trên trời.
Phải chăng, chỉ xe máy mới "có tội"?
Đừng nghĩ rằng ô tô riêng cũng là văn minh. Văn minh đó phải là tàu điện ngầm, là buýt nhanh và đúng giờ kia. Ô tô riêng cũng cần phải hạn chế.
Hạn chế xe máy hay phương tiện cá nhân thì phụ thuộc vào sự phát triển của hệ thống vận tải hành khách công cộng chứ không phải là cứ cấm tùy tiện.
Đừng đổ hết lên đầu anh quản lý
Nếu cần phác họa giao thông đô thị Việt Nam hiện nay, theo ông thì bức tranh ấy sẽ như thế nào?
Rất lộn xộn, mất an toàn, gây ô nhiễm, đi lại vất vả, người dân chưa hài lòng với việc đi lại dù có đi xe máy xịn.
Dường như, nó liên quan đến tầm nhìn của nhà quản lý?
Đừng cái gì cũng đổ hết lên đầu anh quản lý. Đúng là có chuyện, có khi anh quản lý chưa biết giải quyết như thế nào nhưng vẫn cứ chỉ đạo làm để chứng tỏ tôi có hành động đấy nhá, không "ngồi rồi" đấy nhá. Nhưng cũng rất nhiều việc làm khoa học, cần thiết mà anh quản lý nghĩ được, nhưng không làm được, "cái khó bó cái khôn" vì tiền ở đâu khi mà nước mình, dân mình chưa giàu, muốn làm tàu điện ngầm thì giá rất cao.
Nhưng chẳng lẽ, cứ đổ cho việc không có tiền để rồi chẳng làm được gì cho tương lai?
Ta đang xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, đang phát triển hệ thống vận tải hành khác công cộng bằng xe buýt đấy thôi. Còn bảo hạn chế xe máy hay phương tiện cá nhân thì phụ thuộc vào sự phát triển của hệ thống vận tải hành khách công cộng chứ không phải là cứ cấm tùy tiện. Giờ muốn hạn chế xe máy thì phải có cái gì cho người ta lựa chọn. Nó phải bằng hoặc tốt hơn xe máy, như tàu điện ngầm, buýt nhanh... Đằng này, ta chẳng có cái gì để người dân lựa chọn thì làm sao mà nói đến chuyện hạn chế phương tiện được!
Thuốc bổ mà tiêm gây sốc cũng chết!
Ông dự đoán thì bao giờ ở ta mới có sự lựa chọn như ông nói?
Để không bị mang tiếng là bi quan thì theo tôi, tương lai đó còn tương đối xa.
Trong lúc chưa có được nền văn minh với buýt nhanh, tàu điện ngầm, lại không thể hạn chế được xe máy thì theo ông có cách nào giảm tải cho giao thông?
Đương nhiên là phải tính toán giảm phương tiện cá nhân, nhưng phải có lộ trình. Thuốc dù có bổ đến đâu mà tiêm quá liều vào cơ thể thì cũng sốc mà chết thôi, phải tiêm từ từ đúng liều lượng , hạn chế phương tiện từ từ. Muốn vậy, phải xây dựng, phát triển giao thông công cộng. Khi giao thông công cộng hoàn chỉnh thì người dân sẽ bỏ xe máy chứ không thể theo ý chí của người lãnh đạo.
Nhưng khi mà ta chưa có được nền văn minh với tàu điện ngầm, các tuyến buýt nhanh trong nội đô Hà Nội, TPHCM; khi mà "cái khó" vẫn "bó cái khôn" vì không có tiền thì tốt nhất và trước tiên, cần phải nghiên cứu, tổ chức giao thông của nền văn minh đi bằng xe máy trong đô thị như thế nào cho hợp lý, đỡ tắc nghẽn hơn. Hãy nghĩ về văn minh xe máy!
Trân trọng cảm ơn ông!
"Tôi và thầy tôi đã nghiên cứu về giao thông đường sắt đô thị, tàu điện ngầm từ 40 năm trước rồi. Nhưng đến giờ ta cũng chưa có nổi 1km nào. Thực tế thì không phải lúc nào nhà quản lý cũng nghe nhà khoa học. Cũng có chuyện, nhà quản lý nghe nhà khoa học và muốn làm lắm, nhưng làm thì không có tiền và ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, bị họ phản ứng; trong khi lại sắp hết hay đến nhiệm kỳ mới thì thôi, tôi không làm nữa kẻo bị ảnh hưởng. Nhưng suy cho cùng, vẫn là câu chuyện về tiền đầu tư".
Theo Vũ Thuỷ (kienthuc.net.vn)
Ý kiến đánh giá