11:05  | 

Công nghiệp ôtô Việt: DN tự điều chỉnh

Triển lãm VN Motorshow 2013 vừa kết thúc với sự thắng thế của những mẫu xe có công nghệ mới, xe sang mà trong đó đa phần là các dòng xe, mẫu xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ chính các DN sản xuất, lắp ráp ôtô và những nhà nhập khẩu chính hãng.

>> Chủ tịch VAMA: “Triển lãm là cơ hội cho marketing”

Mẫu xe lexus tại triển lãm ôtô VN 2013

Đó là điều tất yếu khi mà nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng về chủng loại, khắt khe về chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là trong thời gian tới sẽ còn bao nhiêu DN vừa kết hợp việc lắp ráp, vừa kết hợp nhập khẩu.

Không còn là cảnh báo

Một vài năm trở lại đây, hầu hết các quan điểm đều đưa ra cảnh báo về sự đổ vỡ của ngành công nghiệp ôtô, gắn với sự thắng thế của các loại xe nhập khẩu, nhất là các dòng xe hạng sang. Điều này, hiện nay không còn là sự cảnh báo nữa, mà đã thực sự diễn ra. Xét ở góc độ số lượng thì có phần hơi khiên cưỡng khi số lượng xe nhập khẩu được tiêu thụ ít hơn so với xe lắp ráp trong nước, nhưng với tỉ lệ không nhiều (Căn cứ trên báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN – Vama công bố hàng tháng).

Tuy nhiên, những số liệu này cũng cần xem xét lại. Tại sao ? Ngoài những DN chỉ chuyên nhập khẩu xe nguyên chiếc chính hãng thì tất cả những DN thành viên của Vama hiện nay cũng đều đang đi bằng hai chân: Vừa lắp ráp vừa nhập khẩu xe nguyên chiếc. Trong số những DN đó, có nhiều DN mà xe nhập khẩu bán được nhiều hơn xe lắp ráp trong nước. Vậy nhưng, trong báo cáo hàng tháng của Vama chỉ nêu số lượng bán hàng tổng thể của từng DN - như tên gọi là thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô mà không tách bạch về số lượng xe lắp ráp và xe nhập khẩu. Cho nên nếu căn cứ vào số liệu của Vama để xác định số lượng tiêu thụ và so sánh xe nhập khẩu và xe lắp ráp là không chính xác.

Thực tế về sự áp đảo của xe nhập có thể thấy rõ nét nhất tại VN Motorshow 2013 vừa diễn ra thành công tại TP HCM với 15 thương hiệu, 100 mẫu xe tham dự, trong đó có tới 7 thương hiệu và gần 70 mẫu xe là NK phân phối nguyên chiếc, mà đa phần là các mẫu xe hạng sang. Ở một góc độ khác, dù chỉ diễn ra trong 4 ngày, nhưng đã có gần 200 hợp đồng mua xe được ký kết, mà đều là những hợp đồng mua xe sang nhập khẩu nguyên chiếc.

Điểm danh những DN tiếp tục “đi hai chân”

Ngoài sự thắng thế của xe nhập khẩu, một điều khác của triển lãm lần này là không có những cuộc hội thảo, hội nghị liên quan đến sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô VN. Liệu ngành công nghiệp, thị trường và bản thân các DN đã tự phân hóa, tự điều chỉnh chiến lược của mình, không quan tâm đến sự phát triển ngành công nghiệp này nữa ? Điều đó chưa ai dám khẳng định, nhưng câu hỏi đặt ra trong thời gian tới, nhất là thời điểm thực hiện các cam kết Afta với mức thuế dành cho xe nhập khẩu chỉ từ 0 - 5% thì những DN nào vẫn tiếp tục đi “hai chân” , vừa lắp ráp, vừa nhập khẩu ?

"Thuế suất thuế NK ôtô nguyên chiếc từ khu vực Asean về VN năm 2014 còn 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 còn 10% và năm 2018 còn 0%."

Theo đánh giá của hầu hết các chuyên gia và bản thân chính các DN thì hiện nay thị trường ôtô VN vẫn còn rất tiềm năng, mới chỉ ở mức chuẩn bị cho giai đoạn Motorization - được hiểu nôm na giai đoạn ôtô trở nên phổ biến hơn với mức trung bình có trên 50 xe/1000 dân. Đó là một lợi thế, nhưng chuyện chuyên nhập khẩu hoặc lắp ráp, sản xuất lại là một yếu tố khác, phụ thuộc vào tiến trình thực hiện các cam kết về thuế trong khu vực và thế giới.

Các DN hiện đang trăn trở cũng có cái lý của họ, vì thời gian thực hiện các cam kết về giảm thuế đang quá gần, nên việc đầu tư mới gần như không thể, còn đầu tư nâng cấp, mở rộng cũng quá tốn kém so với bài toán nhập khẩu nguyên chiếc. Trước hết có thể khẳng định việc vẫn tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư cho ngành công nghiệp này sẽ là Cty CP ôtô Trường Hải với việc đầu tư số vốn rất lớn xây dựng một khu liên hợp về ôtô tại khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), trong đó có nhà máy sản xuất động cơ. Tiếp theo phải kể đến Toyota VN – DN luôn dẫn đầu về doanh số bán hàng tại thị trường VN, trong đó chủ yếu là các loại xe được lắp ráp trong nước, có tỉ lệ nội địa hóa cao và cũng là DN đầu tiên thành công trong việc mời gọi các nhà cung ứng phụ tùng đầu tư tại VN, đưa trung tâm nội địa hóa đi vào hoạt động, xuất khẩu phụ tùng.

Toyota VN cũng vừa cho xuất xưởng chiếc xe thứ 250.000 được sản xuất, lắp ráp tại VN. Với Ford VN, việc tiếp tục đi bằng hai chân cũng sẽ là điều có thể khẳng định khi họ đang thực hiện rốt ráo chiến lược One Ford, mà theo đó, sự chênh lệch về chất lượng giữa xe lắp ráp tại VN hay ở các nước khác gần như bằng không. Bên cạnh đó, trong thời gian qua họ vẫn liên tục đầu tư, mở rộng, nâng cấp nhà máy nhằm sản xuất, lắp ráp được nhiều mẫu xe hơn. Theo ông Jesus Metelo N.Arias Jr - TGĐ Ford VN thì việc đầu tư của chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Cứ mỗi khi có những mẫu xe toàn cầu mới ra đời thì những mẫu xe đó sẽ được lắp ráp tại VN. Bên cạnh đó, Mercedes - Benz VN cũng là một trong những DN liên tục có sự đầu tư cho hệ thống dây chuyền, nhà máy. VN là quốc gia duy nhất đầu tư dây chuyền lắp ráp mẫu xe GLK ngoài Đức.

Hiện cũng đang có thông tin Mercedes - Benz cũng đang chuẩn bị đầu tư nhằm lắp ráp mẫu S-Class tại VN - một mẫu xe thuộc hạng sang cao cấp mà để đầu tư vào lắp ráp thì rất tốn kém…

Mới đây, tại một cuộc hội thảo, tọa đàm về các chiến lược, giải pháp mới cho sự phát triển ngành công nghiệp ôtô giai đoạn tới, một quan chức của Bộ Công Thương cho biết có khoảng 5 - 6 DN rất nhiệt tình, quan tâm, đóng góp ý kiến. Đây là những DN có đầu tư lớn, bài bản, nội địa hóa cao, lượng xe tiêu thụ, lắp ráp trong nước lớn. Đó là lợi thế rất lớn của họ, kể cả khi các mức thuế nhập khẩu giảm nhanh theo các cam kết.

Thị trường có tràn ngập xe nhập khẩu khi mức thuế giảm nhanh thì xe lắp ráp trong nước vẫn có lợi thế cạnh tranh lớn. Vấn đề còn lại là lựa chọn dòng xe nào nhập khẩu, dòng xe nào nên lắp ráp - Đại diện một DN cho biết. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần sớm ban hành một chiến lược, giải pháp về phát triển ngành công nghiệp này trong giai đoạn mới thay vì để các doanh nghiệp tự điều chỉnh, tự bơi.

Theo Bảo Anh (dddn.com.vn)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm