08:46  | 

Nghịch lý công nghiệp ôtô

Nền công nghiệp ô tô khu vực châu Á đang tồn tại những chuyển động trái ngược khi Thái Lan đang đà đi lên “Top 10 khu vực” nhưng Australia lại rơi vào thế “phanh” không kịp.

Thái Lan: Chiến lược top 10

Cuối năm ngoái, với sản lượng 2,45 triệu xe, xuất khẩu hơn 1 triệu xe Thái Lan đã đứng trong top 10 quốc gia xuất khẩu ô tô và là thị trường lớn nhất khu vực. Ngành công nghiệp ô tô đóng góp khoảng 12% GDP. Dự kiến đến năm 2015 sẽ sản xuất hơn 3,4 triệu chiếc, xuất khẩu chiếm 40%.

Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan đang đặt mục tiêu vào Top 10 châu Á.

Để lọt vào top 10, bắt đầu từ năm 1960, Thái Lan đề ra chiến lược phát triển dần thay thế nhập khẩu. Chính phủ Thái Lan khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư xây dựng nhà máy bằng việc bảo hộ thuế nhập khẩu dành cho sản xuất và áp dụng các đòi hỏi nhằm thúc đẩy sản xuất phụ tùng. Đến năm 1995, số lượng ô tô xuất khẩu của Thái Lan là 8.800 chiếc và tới cuối 2012 xuất khẩu đã đạt hơn 1 triệu (tăng trưởng hơn 1.000%).

Sau khủng hoảng tài chính 1997, các tập đoàn nước ngoài có thể đầu tư sản xuất trực tiếp mà không phải thành lập liên doanh hoặc thuê công ty sản xuất được giảm từ 30% xuống còn 20%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Đồng thời, Thái Lan cũng rất tỉnh táo tránh khỏi việc trở thành nơi chuyên lắp ráp cho các hãng xe nước ngoài bằng cách luôn khuyến khích các công ty trong nước sản xuất phụ tùng để tăng cường khả năng cạnh tranh. Việc xuất khẩu phụ tùng hàng năm đạt giá trị khoảng 5 tỷ USD.

Ông Thavorn Chalassathien - Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Thái Lan (TAPMA) cho rằng, khả năng thích ứng kết hợp với chính sách thực dụng chính quyền áp dụng đã giúp cho ngành công nghiệp ô tô trong nước của họ tiến theo xu thế mở rộng của kinh tế toàn cầu. Việc áp dụng chính sách thích ứng thị trường cho phép đầu tư trực tiếp đã giành được lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài để từ đó tạo nền móng cho nền công nghiệp ô tô.

Australia: Bờ vực phá sản

Phòng Công nghiệp ô tô liên bang (FCAI) của Australia vừa cho biết, 500 triệu AUD hỗ trợ mà họ nhận được mỗi năm từ Chính phủ chỉ tạo ra 21,5 triệu AUD. Nếu ngành này phá sản, tăng trưởng GDP của Australia sẽ giảm 7,3 tỷ AUD, gần 100.000 nhân công mất việc và đến năm 2025 mới khôi phục được công việc cho 6.600 nhân công. Nếu cầm cự đến năm 2018, nền kinh tế Australia sẽ lỗ 21,5 tỷ AUD.

Giữa năm 2013, hãng xe Ford tuyên bố đến năm 2016 sẽ đóng cửa toàn bộ tại Australia sau 85 năm hoạt động. Một lãnh đạo địa phương cấp cao của Ford nói: “Chúng tôi bị sốc nhưng thật ra không ngạc nhiên”. Nhiều người cũng bị sốc vì Chính phủ đã phải bỏ ra hơn 1 tỉ USD trong 10 năm qua để giúp Ford Australia. Để tiếp tục duy trì hoạt động tới năm 2016, Chính phủ còn phải giúp thêm 25 triệu USD nữa. Một quỹ hỗ trợ hơn 5 tỉ USD phát triển ô tô sạch đã được duyệt để duy trì công nghiệp này.

Trong tương lai, Ford sẽ chuyển dịch trọng tâm sang Thái Lan. Ông Richard Reilly, Giám đốc điều hành Liên đoàn Sản xuất ô tô cho biết, yếu điểm của Ford là thiếu hoạt động xuất khẩu.

Tuần trước, các nguồn tin chính phủ cho biết, Holden (thuộc tập đoàn GM) sắp đóng cửa hoạt động sản xuất tại Australia và Toyota Australia xác nhận tương lai của Altona đang được bàn thảo và sẽ đưa ra quyết định cuối trong năm tới. Trước đó, hãng xe Mitsubishi đóng cửa nhà máy sau 33 năm.

Ông Ian Macfarlane - Bộ trưởng Công nghiệp Australia lên tiếng cảnh báo ngành sản xuất xe hơi tại nước này đang trên bờ vực phá sản. Chính phủ sẽ làm tất cả những gì có thể để vực dậy các nhà máy sản xuất, cho dù nguồn tài chính có hạn. Đồng thời, Giám đốc điều hành FCAI Tony Weber nhấn mạnh, không có sự hỗ trợ của Chính phủ cho ngành công nghiệp ô tô, đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giảm do các tổ chức nước ngoài chuyển đầu tư sang các nước khác chứ không phải sang ngành khác ở Australia.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế có nhận định trái chiều rằng trợ cấp đối với các ngành công nghiệp ô tô là một cách đánh thuế lên phần còn lại của nền kinh tế.

Việc Ford đóng cửa nhà máy ở Australia cùng lúc đó tăng cường sản xuất ở Thái Lan không có gì ngạc nhiên, vì Đông Nam Á sẽ trở thành một trung tâm sản xuất ô tô thế giới mà Thái Lan là trọng điểm. Ngành công nghiệp này đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Thị trường và các cơ sở sản xuất chuyển từ các vùng kinh tế phát triển sang các vùng đang phát triển với mục đích hợp lý hóa và tăng sức cạnh tranh của các cơ sở sản xuất. Sự xuất hiện của ô tô điện trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực làm giảm 2 nguy cơ là cạn kiệt mỏ dầu và trái đất nóng lên.

Theo Ngọc Tiến (Báo GTVT)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm