Thứ Hai, 07/10/2024 | 14:57
09:06 |
Vì sao những dự án ôtô tỷ đô rời bỏ Việt Nam?
Madaz rồi đến Ford đã từ bỏ những dự án từ 700 triệu đến 1 tỷ USD sản xuất ô tô ở Việt Nam vì không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây diện hay đồ nhựa. Các dự án đó được chuyển sang các nước lấn cận sản xuất rồi nhập khẩu xe về Việt Nam với giá đắt.
Công nghiệp ô tô thất bại một phần vì thiếu hỗ trợ.
Một thực tế cần phải thừa nhận là số doanh nghiệp nội làm công nghiệp hỗ trợ rất ít. Các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, bán sản phẩm hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn quốc đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan, cuối cùng mới là các doanh nghiệp Việt Nam với một tỉ trọng ít ỏi. Sự yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ được coi là một “điểm nghẽn” lớn chặn dòng FDI chảy vào Việt Nam.
Đơn cử, công nghiệp phụ trợ ôtô đang dẫm chân tại chỗ. Sau 20 năm hoạt động, số doanh nghiệp sản xuất linh kiện không phát triển, tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt tới 5 – 10% và giới hạn vào các linh kiện kỹ thuật thô sơ như ắc quy, dây điện, các chi tiết nhựa đơn giản,...
Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), hiện nay tỷ lệ thu mua các nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất mà các công ty Nhật Bản đang phải mua tại Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ đạt 28%, trong khi đó tỷ lệ này ở Inđônêxia là 43%, ở Thái Lan là 53% và ở Trung Quốc là 61%.
Trong lĩnh vực điện tử, nhiều nhà sản xuất điện tử nổi tiếng như Canon, Samsung… có nhu cầu sử dụng các loại chi tiết, linh kiện điện, điện tử như mạch in, đầu dây nối, USB... do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, nhưng chưa tìm được nguồn cung nên buộc phải nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác.
Hai ngành xuất khẩu chủ lực là dệt may và da giày cũng không khá gì hơn, vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, khả năng đáp ứng linh phụ kiện của DN Việt Nam cho các DN sản xuất trong và ngoài nước mới đạt 15-25%. Ông Nguyễn Hoàng, chủ tịch Hiệp hội DN ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay được so sánh với những năm 30-40 của thế kỷ trước tại Nhật Bản và những năm 70-80 của Malaysia.
Ông Hoàng dẫn chứng, sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản đã giúp cho nước này trở thành một trong những quốc gia có ngành công nghiệp phát triển mạnh, nổi bật là công nghiệp ô tô và điện tử.
Nhật có những công ty tầm cỡ thế giới nhưng chỉ chiếm 1% tổng số doanh nghiệp trong nước và công việc chủ yếu của những công ty này là lắp ráp – sản xuất ở khâu cuối cùng, còn 90% số doanh nghiệp thứ cấp sản xuất các linh kiện. Nhật Bản đã xây dựng 47 trung tâm hỗ trợ công nghệ, các cơ sở này có chất lượng cao, cung cấp thông tin chi tiết về các nhà cung cấp và rất dễ tiếp cận.
Ông Hoàng cho rằng, sau sự việc Madaz quyết định chọn Thái Lan làm địa điểm đầu tư thay vì trước đó “rót” tới 700 triệu USD đầu tư tại Hà Nội cho thấy sự cấp bách ra đời các doanh nghiệp vệ tinh đúng nghĩa để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ không chỉ cho Madaz mà còn cho nhiều tập đoàn khác trên thế giới khi có dự định đầu tư vào Việt Nam.
Không chỉ Madaz mà trước đo hãng Ford cũng đã bỏ ý định đầu tư khoảng 1 tỷ USD mở công xưởng sản xuất khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam vì thiếu hỗ trợ. Dự án đó được chuyển sang Thái Lan và biến nơi đây thành một cơ sở sản xuất lớn của Ford. Xe Ford từ Thái đang được nhập về Việt Nam ngày một nhiều.
Mất cơ hội thu hút vốn FDI vì thiếu công nghiệp hỗ trợ.
Không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản mà ngay cả những DN, tập đoàn lớn của những quốc gia, vùng lãnh thổ khác khi đầu tư vào Việt Nam đều mong muốn, thậm chí họ ráo riết tìm kiếm đối tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
TS. Trần Đình Thiên cho rằng, đã đến lúc cần xây dựng một quan điểm và cách hiểu phù hợp về công nghiệp hỗ trợ. “Phải coi các ngành công nghiệp hỗ trợ cấu thành nền tảng của cấu trúc công nghiệp hiện đại. Quan niệm này ngược với cách nghĩ cho rằng công nghiệp hỗ trợ chỉ đóng vai trò phụ trợ hay bổ trợ, không quan trọng nên không cần quan tâm chú ý đặc biệt”, ông Thiên nói.
"Hiệp hội Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ (Hansiba) vừa chính thức ra mắt. Mục tiêu từ 2014-2018, mỗi doanh nghiệp hội viên doanh thu khoảng 50 tỷ đồng, sử dụng khoảng 100 lao động và nộp ngân sách 5 tỷ đồng.
Nếu ổn định trong năm 2008 sẽ tạo được giá trị nộp ngân sách khoảng 2.500 tỷ đồng cho Hà Nội và tạo ra khoảng 50.000 việc làm mới.
Từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ 5 ngành gồm; dệt may, điện tử - tin học, da giày, cơ khí chế tạo và sản xuất lắp ráp ô tô."
Theo Vietnamnet.vn
Ý kiến đánh giá