07:19  | 

Mary Barra: Quyết tâm cải tổ sự già nua của GM

Có thể nói không ngoa rằng, vị giám đốc điều hành sắp lên ngôi của General Motors – bà Mary Barra vừa là sản phẩm của một bộ máy GM quan liêu, vốn văn hóa doanh nghiệp yếu ớt trong lịch sử, vừa là nhân vật muốn tạo ra một cuộc thập tự chinh chống lại những tàn dư đó.

Trong nhiệm kỳ đầu làm giám đốc sản phẩm GM của mình, Mary Barra kết luận rằng tập đoàn ô tô danh tiếng số 1 Hoa Kỳ cần thay đổi 2 vấn đề lớn. Thứ nhất đó là cách thức làm thị trường toàn cầu, và thứ 2 đầu tư một cách có chọn lựa và hiệu quả hơn thay vì cách thức trì trệ, tự thỏa mãn như cũ.

Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo GM thường có thói quen xây dựng kế hoạch và thực hiện một chương trình chạy sản phẩm mới với công nghệ tiết kiệm nhiên liệu nhưng chỉ kéo dài trong 1 khoảng thời gian ngắn, với số lượng xuất xưởng khoảng một vài trăm nghìn xe dựa trên các số liệu dự báo về nhu cầu. Nhưng Barra đã thay đổi cách thức đó. Bằng chứng đầu tiên là bà đã đưa ra chiến lược xuất xưởng 2 triệu xe tiết kiệm nhiên liệu trong khoảng thời gian hơn 1 năm.

Mary Barra: Quyết tâm cải tổ sự già nua của GM 131016132844-mary-barra-mpw-620xa.jpg
Bà Mary Barra - Nữ CEO đầu tiên trong lịch sử GM

"Thông thường trong quá khứ, chúng ta hay lãng phí thời gian và năng lượng bằng cách làm dè chừng và rụt rè với cái mới” - Barra trả lời phỏng vấn tờ Automotive News hồi đầu năm nay - "Nhưng phong cáchcủa tôi là hãy tạo ra một cuộc tranh luận nghiêm túc, lường trước mọi khả năng trước khi bắt tay vào một chiến dịch mới. Và khi đã làm thì phải làm thật mạnh, thật quyết tâm và đi thẳng về phía trước”.

Như vậy là, ngay từ khi chưa bước lên ghế CEO, Barra đã trở thành nhân tố tạo ra những xáo trộn lớn tại GM. Barra, người phụ nữ đầy tự tin, 51 tuổi, dự kiến sẽ thay thế Dan Akerson – CEO hiện tại của GM trong vòng khoảng 6 tháng nữa. Akerson đã tạo ra sự kinh ngạc lớn trong giới các ông chủ xe hơi khi hồi đầu năm 2011, ông này tuyên bố kế hoạch lui về nghỉ hưu và đưa người phụ nữ bé nhỏ lên vị trí chóp bu lãnh đạo 1 tập đoàn sở hữu tới 29.000 nhân viên và tổng trị giá lên tới 15 tỷ USD.

Quản lý kỷ luật theo định hướng

Barra điều hành việc phát triển hệ thống sản phẩm của GM với một phong cách thiên về tính kỷ luật, theo cách mà người tiền nhiệm cách đây hơn 1 thập kỷ - Bob Lutz – đã làm. Tuy nhiên, bà cũng có những quan điểm riêng của mình. Barra đại tu lại cơ cấu tổ chức mà GM đã sử dụng đối với các chương trình nghiên cứu và phát triển xe mới kể từ năm 1996, cắt giảm tối đa các chi phí tốn kém, đồng thời giao trách nhiệm cao nhất cho một kỹ sư trưởng. Cùng với đó là tiếp tục củng cố các nền tảng toàn cầu của GM.

Quan điểm: Bình tĩnh, lịch sự

Trong cuộc phỏng vấn những ngày cuối tháng 12 năm 2013 với Automotive News, Lutz đánh giá cao năng lực chuyên môn của Barra cũng như nỗ lực chuẩn hóa quy trình sản xuất và trang thiết bị tại các nhà máy của GM trên toàn thế giới mà bà đang thực hiện.

Mary Barra: Quyết tâm cải tổ sự già nua của GM AR-131219978.jpg&MaxW=622.jpg
Barra đã thành công với phương pháp quản lý bình tĩnh, điềm đạm, lịch sự

"Đó là một thành tựu lớn và tiết kiệm rất nhiều tiền. Barra đã thành công với phương pháp quản lý bình tĩnh, điềm đạm, lịch sự” - Lutz nhấn mạnh. Đằng sau nụ cười dễ chịu và và thái độ mềm mỏng của một người phụ nữ, bà ấy có một quyết tâm đanh thép để đẩy mọi thứ đi đúng hướng. Một nhà lãnh đạo cần phải có tố chất đó.

Cùng chung quan điểm với Lutz, trong một cuộc họp báo với các phóng viên, khi được hỏi về Barra, Akerson gọi là bà là “người đẹp có năng lực xuất sắc”. Mặc dù được trao quyền trong một bối cảnh không hề thuận lợi, thừa hưởng những thách thức lớn đối với GM nhưng Barra tỏ ra không hề nao núng. Và bằng chứng là sau một thời gian ngắn điều hành GM, Barra đã tạo ra làn gió mới cho một tập đoàn có vẻ già nua, cũ kỹ.

Con gái của một công nhân xe hơi

Barra lớn lên ở ngoại ô Detroit, nơi cha bà là công nhân làm việc cho nhà máy phân nhánh Pontiac thuộc GM trong gần 40 năm. Bà nhớ lại ký ức tuổi thơ như một đứa trẻ leo qua mỗi inch nội thất của chiếc Pontiac khi cha mang về nhà sau giờ làm việc. Và đó chính là khoảng thời gian Barra hiểu rằng bà sẽ gắn bó cả cuộc đời với xe hơi.

Sau khi tốt nghiệp với bằng kỹ sư điện tại Đại học Kettering, Barra trở lại làm việc trong bộ phận kỹ thuật tại nhà máy sản xuất Pontiac Fiero. Vào cuối những năm 1990, bà trở thành trợ lý cho giám đốc điều hành Jack Smith, sau đó là phó chủ tịch tập đoàn Harry Pearce, trước khi vươn lên vị trí cao nhất GM ngày hôm nay.

Phan Liên (TTTĐ)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm