Thứ Tư, 09/10/2024 | 11:56
11:19 |
Ngày Tết, đã lái xe thì đừng rượu bia
Ở nước ta, xu hướng sử dụng rượu bia trong sinh hoạt hàng ngày, trong những dịp lễ, Tết, trong quan hệ công việc… đang ngày càng gia tăng. Tình trạng sử dụng rượu bia tràn lan ở một số nơi đã làm cho trật tự an toàn giao thông trở thành vấn đề đáng báo động.
Đã từ lâu, uống rượu bia được coi như là một thói quen mang tính văn hoá, truyền thống tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Sử dụng rượu bia với mức độ hợp lý có thể đem lại cho con người cảm giác hưng phấn, lưu thông huyết mạch… Rượu bia là chất xúc tác làm tăng thêm niềm vui. Song, đối với người lái xe, tốt nhất là hãy nói không với chúng nếu họ không muốn sớm bước trên con đường dẫn tới địa ngục.
Ngay sau khi uống, tuỳ nồng độ rượu trong máu, người uống sẽ bị ảnh hưởng từ rượu với các tác dụng khác nhau
Hiện nay, nhà nước đã quy định, khi lái xe, nồng độ rượu trong máu không được phép vượt quá 80 miligam/100 ml máu. Tuy nhiên, ngay sau khi uống, tuỳ nồng độ rượu trong máu, người uống sẽ bị ảnh hưởng từ rượu với các tác dụng khác nhau.
Nếu nồng độ rượu trong máu là 0,10g/100ml máu, người uống bắt đầu lè nhè. Lên đến 0,40g bắt đầu lơ mơ và nếu nồng độ rượu trong máu là 0,50g người uống sẽ rơi vào hôn mê. Như vậy có thể thấy rằng, nếu lái xe uống một lượng rượu quá mức cho phép sẽ khiến họ không làm chủ được tay lái, tốc độ cũng như không nhận định được rõ ràng đường đi. Việc gây tai nạn là rất dễ xảy ra.
Anh Nguyễn Quang Ánh (Từ Liêm, Hà Nội) thừa nhận: “Bản thân tôi cũng đã không ít lần lái xe trong tình trạng thiếu tỉnh táo. Điều khiển phương tiện một cách nguy hiểm và thường là phóng rất nhanh. Một số lần thậm chí sáng hôm sau không nhớ nổi mình đã về đến nhà bằng cách nào”.
Đại diện Khoa cấp cứu, BV Việt Đức đưa ra cảnh báo về tình trạng tai nạn giao thông do người điều khiển có nồng độ cồn trong máu còn cao. Một nghiên cứu được thực hiện tại BV trong vòng 3 tháng cho thấy tỷ lệ người bị tai nạn do sử dụng rượu bia chiếm đến 95 trường hợp.
Như đã đề cập ở trên, nồng độ cồn trong máu ở mức độ cho phép là 80mg/100ml máu, tuy nhiên, đa phần người được nghiên cứu có nồng độ cồn vượt qua mức này. Thậm chí có tới 3 người có nồng độ cồn ở mức "kỷ lục" là 350 mg/ml máu.
Lái xe sau khi uống rượu, bia dẫn đến những tai nạn đáng tiếc
Các bác sỹ điều trị chấn thương còn cho biết: "Sau khi tai nạn xảy ra, nạn nhân thường bị chấn thương sọ não nặng gấp 3 lần so với người không sử dụng rượu bia. Bản thân người say lúc đó không còn phản xạ chống đỡ nên chấn thương thường nặng hơn. Người say cũng không còn khả năng kiểm soát được tốc độ nên thường phóng nhanh, lao bừa, dẫn đến nguy cơ cao bị thương tật."
Nhìn vào con số thống kê số vụ tai nạn trong dịp Tết nguyên đán các năm trước thường thấy rằng, số vụ tai nạn giao thông gia tăng đột biến, trong đó, số vụ tai nạn do lái xe uống rượu bia chiếm tỉ lệ cao. Đây cũng là lời cảnh báo cho nhiều người có thói quen chúc Tết bằng rượu và sau khi say vẫn tiếp tục tham gia giao thông.
Việc chúc tụng, gặp gỡ nhau trong dịp Tết bằng rượu là không thể tránh khỏi với cánh mày râu. Tốt nhất, khi đã uống rượu thì không nên tham gia điều khiển các phương tiện giao thông. Để an toàn tuyệt đối, bạn nên làm theo khẩu hiệu của nhiều người: Uống thì không lái, mà lái thì không uống.
Nếu xác định rời khỏi bàn nhậu bạn sẽ lái xe, dù là xe máy hay ôtô, hãy uống có chừng mực. Nếu đã quá chén, bạn nên gửi xe, nhờ người đưa về hoặc gọi taxi để đảm bảo an toàn cho mình.
Thế Đạt (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá