Thứ Sáu, 22/11/2024 | 14:28
13:07 |
Ôtô nhập khẩu 2013: “Ngũ long” tranh bá
Câu chuyện về nguồn gốc, xuất xứ của ôtô nhập khẩu vào Việt Nam năm 2013 chứa đựng nhiều yếu tố đáng lưu tâm...
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2013 đã có tổng cộng 34.978 ôtô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam, đạt giá trị kim ngạch xấp xỉ 708 triệu USD.
Tạm gác vấn đề tăng/giảm kim ngạch so với các năm trước, có lẽ câu chuyện về nguồn gốc, xuất xứ của các loại xe nhập khẩu vào Việt Nam trong năm vừa qua chứa đựng nhiều yếu tố đáng lưu tâm hơn.
Từ năm 2008, ôtô Hàn Quốc đã bắt đầu được nhắc đến như một “thế lực” thực sự đáng gờm trên thị trường ôtô Việt Nam, kể cả nhập khẩu lẫn lắp ráp trong nước. Năm 2008 cũng là thời điểm cực thịnh của xe Hàn Quốc với đà ăn nên làm ra của nhà nhập khẩu và phân phối chính hãng Hyundai Việt Nam (HMV) cùng sự bùng nổ của khối xe không chính hãng do các doanh nghiệp thương mại đưa về.
Khi thị trường ôtô hạng sang ngày càng phát triển thì rõ ràng, xe xuất xứ từ Đức đương nhiên chiếm lợi thế vượt trội - Ảnh: Đức Thọ.
Nối gót Hyundai, Kia cũng bắt đầu cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ của mình, đặc biệt là từ khi có mặt trên thị trường thông qua nhà sản xuất và phân phối Trường Hải.
Với ưu thế về giá bán, thiết kế dễ gần và nhất là các trang bị công nghệ khá đầy đủ khi so với xe Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, ôtô Hàn Quốc đã không ngừng phát triển trong suốt 5 năm vừa qua. Còn vấn đề về chất lượng thì lại hoàn toàn khác và cần bàn đến vào một dịp khác.
Bởi vậy, không lạ khi năm 2013 vừa qua, ôtô nhập khẩu từ Hàn Quốc đã chiếm vị trí số 1 với 14.540 chiếc, đạt giá trị kim ngạch hơn 171 triệu USD.
Cũng có nhiều nhận định, trong một vài năm tới ôtô xuất xứ từ Hàn Quốc sẽ không còn giữ được ưu thế áp đảo nữa bởi bản thân Hyundai và Kia cũng đang có nhà máy đặt tại Việt Nam. Nếu như nhà máy của Hyundai Thành Công mới xây dựng xong và chưa chứng tỏ gì nhiều thì nhà máy Kia do Trường Hải thực hiện lại đang đạt sản lượng bán hàng rất tốt. Cụ thể, trong năm 2013, Thaco Kia đã bán ra thị trường 8.891 xe, tăng 2% so với năm 2012 và đừng thứ 3 chiếm 9,2% thị phần do các thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) chi phối.
Đứng thứ hai là Trung Quốc với kim ngạch 4.372 chiếc về lượng và 169 triệu USD về giá trị. Sở dĩ kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ quốc gia láng giềng này luôn đạt giá trị rất cao trong khi số lượng không nhiều là bởi đa số sản phẩm là các loại xe tải và xe chuyên dụng. Vì vậy, sự ổn định là dễ nhận thấy.
Khi nhìn vào nhóm 5 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu ôtô lớn nhất vào Việt Nam có thể thấy khá rõ một xu hướng nữa. Đó là Đức, đại diện ưu tú nhất của thị trường xe hơi hạng sang.
Năm 2013, chỉ có 1.676 xe nhập khẩu từ cường quốc công nghiệp ôtô này song giá trị kim ngạch lại đạt hơn 65 triệu USD. Nhớ rằng, tuyệt đại đa số các loại xe hơi hạng sang tại Việt Nam đều có xuất xứ từ Đức.
Cũng sẽ nhiều ý kiến cho rằng, thương hiệu xe sang đến từ Nhật Bản là Lexus đang rất được ưa chuộng. Nhưng vấn đề ở chỗ, kể từ giữa năm 2011, khiThông tư 20 do Bộ Công Thương ban hành chính thức có hiệu lực thì đến nay, Lexus gần như bị “cấm cửa” và chỉ chính thức vào Việt Nam trong vài ngày cuối cùng của năm 2013 thông qua liên doanh Toyota. Vì vậy, con đường thênh thang chính là dành cho xe xuất xứ từ Đức với các thương hiệu Mercedes-Benz, BMW, Audi hay Porsche, ít nhất là từ giữa năm 2011 trở về trước và trước khi bước sang năm 2014.
Khi thị trường ôtô hạng sang ngày càng phát triển thì rõ ràng, xe xuất xứ từ Đức đương nhiên chiếm lợi thế vượt trội.
Một xu hướng nữa cũng cần đặc biệt lưu tâm là sự lớn mạnh của xe nhập khẩu từ ASEAN.
Năm 2013, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Thái Lan và Indonesia đạt 9.598 chiếc về lượng và hơn 161 triệu USD về giá trị. Khi tiến trình cắt giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khối này ngày càng nhanh và sẽ kết thúc ở mức 0% vào năm 2018 thì rõ ràng, ôtô nhập khẩu từ ASEAN không thể không phát triển mạnh mẽ.
Cho dù lúc này, ngay như Thái Lan cũng chưa được xếp vào nhóm cường quốc công nghiệp ôtô. Song với lợi thế về thuế quan đến từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ATIGA, các tập đoàn ôtô hàng đầu thế giới như Toyota hay Ford đều đang tăng cường tiềm lực cho nhà máy của mình tại Thái Lan và Indonesia, biến hai quốc gia này thành trung tâm sản xuất, lắp ráp để trước mắt xuất khẩu sang các thị trường thuộc khu vực châu Á, trừ Trung Quốc.
Ôtô nhập khẩu từ ASEAN cũng theo đó gia tăng nỗi lo cho ngành công nghiệp ôtô trong nước. Chỉ còn quãng thời gian 4 năm cho những nỗ lực của các nhà quản lý ngành và các liên doanh, doanh nghiệp lắp ráp ôtô trong nước tỏ rõ nỗ lực của mình (nếu muốn) hoặc chuẩn bị cho một cuộc thiên di các nhà máy khỏi Việt Nam.
Các nước/vùng lãnh thổ xuất khẩu ôtô vào Việt Nam 2013 | |||
Stt | Nước/vùng lãnh thổ | ||
Lượng (chiếc) | Giá trị (USD) | ||
1 | Hàn Quốc | 14.540 | 171.232.876 |
2 | Trung Quốc | 4.372 | 169.009.018 |
3 | Thái Lan | 7.764 | 141.917.974 |
4 | Đức | 1.676 | 65.194.970 |
5 | Nhật Bản | 2.305 | 63.570.857 |
6 | Ấn Độ | 1.161 | 31.277.028 |
7 | Mỹ | 706 | 27.023.216 |
8 | Indonesia | 1.834 | 19.132.908 |
9 | Anh | 299 | 7.297.575 |
10 | Nga | 119 | 4.703.115 |
11 | Pháp | 81 | 4.240.309 |
12 | Khác | 121 | 2.766.294 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan |
Theo An Nhi (vneconomy.vn)
Ý kiến đánh giá (1)