Thứ Năm, 03/10/2024 | 20:41
14:24 |
Công nghiệp ô tô: Loay hoay tìm lối thoát
Ngành công nghiệp ô tô nước ta có 18 DN FDI và 38 DN trong nước tham gia sản xuất, lắp ráp với năng lực khoảng 460.000 xe/năm. Nhưng nhìn chung, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô còn hạn chế, chủ yếu dừng lại ở các khâu lắp ráp thô sơ, tỷ lệ nội địa hóa quá thấp khiến giá thành ô tô trong nước còn quá cao. Đâu là lối thoát cho công nghiệp ô tô đến nay vẫn là câu hỏi lớn.
Sốt ruột
Lâu nay, người dân và DN nhập khẩu ô tô luôn mong muốn giảm thuế nhập khẩu để hạ giá xe, kích thích tiêu dùng, vì thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô khá cao. Theo các đại lý kinh doanh ô tô, thị trường ô tô đầu năm nay có dấu hiệu hồi phục và khởi sắc khi thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực Đông Nam Á giảm xuống còn 50% và mức lệ phí trước bạ mới các loại ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu cũng giảm xuống 10% trên cả nước (riêng Hà Nội vẫn áp dụng mức thu 12%).
Việc giảm thuế và phí là tin vui cho người tiêu dùng, trong khi trước đó nhiều DN lại đề nghị không nên giảm thuế để đảm bảo tính sống còn của ngành ô tô trong nước. Cụ thể, cuối năm 2013, 8 DN sản xuất ô tô có vốn đầu tư trực tiếp ngước ngoài của Nhật Bản và trong nước gồm: Isuzu Việt Nam, Honda Việt Nam, Hino Việt Nam, Suzuki Việt Nam, Toyota Việt Nam, Ngôi sao Việt Nam (Vinastar), CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) và Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô chở người dưới 10 chỗ, có dung tích xi lanh đến 2.000cm3 để kích cầu tiêu dùng.
Các công ty này cho rằng, ưu đãi giảm thuế cho xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ không đóng góp gì cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước. Hơn nữa, ưu đãi cho xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ tạo thêm khó khăn cho xe sản xuất trong nước, bên cạnh lộ trình giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, làm giảm khả năng cạnh tranh của xe sản xuất trong nước so với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Cuối cùng, tất cả nhà sản xuất ô tô trong nước có thể sẽ phải cân nhắc dừng sản xuất và chuyển sang việc nhập khẩu xe nguyên chiếc. Năm 2018 là thời điểm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ bằng 0%, người tiêu dùng có thể mua các loại xe nhập khẩu từ các nước khác trong khu vực với giá rẻ hơn ô tô sản xuất trong nước.
Theo một số chuyên gia, để có một ngành công nghiệp ô tô thực sự, những năm qua DN sản xuất ô tô đã nhận được quá nhiều ưu đãi từ chính sách đầu tư, thuế, đất đai… Thế nhưng, các kế hoạch vạch ra cho ngành ô tô hầu như phá sản.
Cần điều chỉnh
Từ năm 2002, Chính phủ đã ban hành Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô phát triển chưa như mong muốn, chưa mang dáng dấp của một ngành công nghiệp thực sự.
Trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, sự cạnh tranh trong ngành công nghiệp ô tô ngày càng gay gắt, đồng thời phải thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu trong khuôn khổ AFTA và các hiệp định thương mại tự do khác, việc rà soát, điều chỉnh chiến lược quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô là yêu cầu bức thiết.
Giảm thuế nhập khẩu sẽ là thách thức không nhỏ đối với các DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Dự thảo Chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Tuy nhiên, để chiến lược và quy hoạch có tính khả thi, đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo hiệu quả tổng thể, cả về kinh tế, an ninh, xã hội, trong khi tiếp tục khẳng định mục tiêu lâu dài là xây dựng nền công nghiệp ô tô, cần bổ sung điều chỉnh một số nội dung: Chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng thay thế xe công nông, xe tự chế, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các loại xe khách tầm trung, tầm ngắn chạy liên tỉnh, huyện, nội đô… phù hợp với điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông trong nước và giá thành hợp lý, an toàn, tiện dụng.
Cân nhắc kỹ việc lựa chọn phát triển dòng xe chuyên dùng, du lịch từ 4-7 chỗ. Thời gian tới cần xác định rõ đối tác chiến lược trong việc phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị.
Cần rà soát lại các cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách về thuế, kèm theo các tiêu chí, điều kiện rất cụ thể, bảo đảm khả thi và phù hợp với các cam kết quốc tế để phát triển ngành ô tô Việt Nam.
Theo Thanh Vy (Sài Gòn Đầu Tư)
Ý kiến đánh giá