Thứ Tư, 09/10/2024 | 02:03
06:20 |
Bộ phận nào hay hỏng nhất khi ôtô “dầm” mưa?
Những ngày này, miền bắc đang trải qua những ngày mưa kéo dài. Việc chiếc xe của bạn liên tục “dầm” mưa, tiếp xúc trực tiếp với nước bẩn, bùn đất khiến nhiều bộ phận trở nên nhanh hỏng hơn.
Dưới đây là những bộ phận trên ôtô mà các kỹ sư cũng như thợ sửa chữa khuyên bạn nên chú ý bảo dưỡng, thay thế khi xe của bạn thường xuyên “dầm” mưa.
Các bộ phận dưới gầm xe
Nhiều chủ xe quan niệm, mưa kéo dài, sử dụng nhiều nên chờ khi nắng mới rửa xe vừa tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí. Tuy nhiên, điều đó lại rất có hại đối với một số bộ phận dưới gầm xe - nơi trực tiếp bị ảnh hưởng bởi nước mưa, bùn đất.
Bùn, đất hoặc nước bẩn có axít bám vào làm xuất hiện quá trình ô-xi hóa một số bộ phận ở gầm xe
Các chi tiết dưới gầm được sơn chống gỉ, nhưng theo thời gian công năng của chúng dần bị mất đi. Khi bùn, đất hoặc nước bẩn có axít bám vào làm xuất hiện quá trình ô-xi hóa. Bên cạnh đó, bùn đất lọt vào các khớp chuyển động của hệ thống treo, rô-tuyn hệ thống lái, trở thành các hạt mài chà xát bề mặt chi tiết. Tệ hại hơn, chúng có thể làm các khớp này kẹt cứng.
Để tiết kiệm thời gian, chi phí, với việc rửa thường xuyên không nhất thiết phải mang xe ra cửa hàng chuyên nghiệp mà đơn giản chỉ cần phun nước làm sạch bùn đất. Gầm càng sạch sẽ càng nhanh khô và vì thế sẽ hạn chế được phản ứng điện ly. Khi hết mưa mới cần vệ sinh tổng thể.
Hệ thống phanh
Cơ cấu phanh, mai-ơ của các bánh xe là những chi tiết dễ bị tổn thương nhất sau khi đi mưa. Bởi chúng ở vị trí thấp nên bùn đất và nước dễ xâm nhập.
Phanh đĩa dễ bị mòn, xước khi xe đi dưới trời mưa
Xe làm việc thường xuyên, vấn đề sẽ không thực sự nguy hiểm. Gió lùa liên tục cộng với hơi nóng dưới gầm làm nước nhanh chóng bay hơi vì thế khả năng bị ô-xi hóa giảm nhiều.
Với những xe ít sử dụng vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Nước mưa ngấm vào, phản ứng ô-xi hóa xuất hiện, ăn mòn các chi tiết và gây ra gỉ sét. Hiện tượng điển hình là kẹt cứng phanh tay do để lâu ngày sau khi đi mưa. Hiện tượng khác trên phanh đĩa là phanh nhả chậm, nguyên nhân do khớp di động của yên phanh han gỉ.
Hệ thống dây cu-roa
Dây cu-roa kéo tải ở đặt ở trị trí khá thấp, trong khi khoang động cơ không kín hoàn toàn, bùn, đất, nước bám vào gây ra hiện tượng trượt đai.
Bùn, đất, nước lọt vào khoang xe và làm ướt dây cu-roa gây ra hiện tượng trượt đai
Ngoài tiếng rít khó chịu, đai trượt còn nhanh hỏng. Nếu trượt nhiều có thể không đủ sức kéo máy nén điều hòa, trợ lực lái hoặc máy phát điện dẫn tới những trục trặc khác.
Chủ xe có thể dùng mắt thường kiểm tra. Nếu phát hiện dây có nước hoặc dính bùn, đất nên dùng khăn lau sạch cả dây đai và bánh đai. Lưu ý rằng công việc này chỉ nên thực hiện khi máy đã nguội và động cơ tắt.
Cần gạt nước
Cần gạt nước là bộ phận phải làm việc thường xuyên khi trời mưa. Cần gạt nước bị hỏng hoặc không còn khả năng vận hành đúng tiêu chuẩn có thể gây ra đọng nước, xước kính lái, do đó, nhà sản xuất khuyến cáo chúng ta nên thay cần gạt sau 12 đến 18 tháng sử dụng.
Để ý chế độ làm việc của cần gạt nước, khi phát hiện hư hỏng thì cần sớm thay thế
Bạn có thể phát hiện ra hỏng hóc của cần gạt nước từ những dấu hiện khi nó hoạt động. Đầu tiên là hiện tượng cần gạt có sinh ra tiếng kêu hay không. Thông thường, tiếng kêu xuất phát từ ma sát giữa lưỡi cao su và kính. Nếu không được khắc phục, nó sẽ tạo nên những vết xước làm đọng nước trên bề mặt.
Tiếp theo, trường hợp cần bị rung chứng tỏ lớp cao su bị hỏng hay quá trình lắp cần vào trục không đúng cách. Nếu quỹ đạo của cần gạt tạo nên những dải dẹt, mỏng là triệu chứng lưỡi cao su bị nứt hoặc hóa cứng, còn nếu có hình ren cửa chứng tỏ lưỡi cao su quá cong. Trên mặt kính chắn gió xuất hiện làn sương mỏng khi cần gạt đi qua có nguyên nhân do lưỡi cao su chứa dầu hoặc bụi bẩn trên đường. Bên cạnh đó, lưỡi cao su quá mòn thường bị nứt, gãy còn trong trường hợp bạc màu chứng tỏ đã hóa cứng.
Bạn có thể chọn cách thay thế toàn bộ cần gạt hoặc chỉ thay lưỡi cao su. Tùy thuộc từng loại, các tài xế có thể tự thay lưỡi tuy nhiên, cần chú ý điều kiện kích thước của chúng cần phải đồng nhất. Thường xuyên lau sạch cát, bụi trên lưỡi cao su, kính bằng vải hoặc giấy mềm. Tuyệt đối không sử dụng các chất tẩy rửa như: xăng, dầu hỏa hoặc chất có gốc dầu để lau lưỡi gạt nước.
Thế Đạt (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá