Thứ Sáu, 22/11/2024 | 16:04
08:56 |
Mánh nhập lậu ôtô không tưởng qua mặt hải quan
Cưa đôi xe BMW, tháo rời xe sang dưới dạng đồng nát.. để nhập lậu là những quái chiêu mà dân buôn ôtô áp dụng nhằm qua mặt hải quan để kiếm lợi. Trước những lợi nhuận khủng thu được do "né" thuế nhập khẩu, các đường dây, tổ chức nhập khẩu siêu xe ở Việt Nam đã hình thành với phương thức ngày càng tinh vi.
Cưa đôi BMW nhập lậu về VN rồi hàn lại
Năm 2013, cơ quan hải quan phát hiện chiếc xe BMW 645Ci đã qua sử dụng bị cắt làm đôi, tháo rời các phụ tùng, linh kiện, được bọc gói kĩ càng bằng nhiều lớp nilon và trà trộn với hàng hóa thông thường khác.
Nếu được nhập trót lọt vào VN, chiếc xe BMW 645 Ci dễ dàng được hàn lại, rồi mông má và đưa ra bán ở thị trường nội địa với bộ giấy tờ hợp thức từ các xe tai nạn hoặc không loại trừ cả giấy tờ giả.
Năm 2012, hải quan tại cảng Hải Phòng đã phát hiện một lô hàng mà doanh nghiệp khai báo là 19 tấn nhựa nguyên sinh dạng hạt có xuất xứ Hàn Quốc nhưng bên trong chứa một chiếc xe hiệu Kia Morning đã qua sử dụng.
Phần đầu và phần đuôi chiếc BMW được cắt đôi, giấu sâu bên trong container |
Chiêu 'biến' xe bạc tỷ thành đồng nát
Năm 2010, Công an Hà Nội đã bắt Ngô Doãn Phúc (SN 1977, trú tại P.Định Công, Q.Hoàng Mai, HN) về tội buôn lậu ôtô.
Bị cáo Phúc (đứng giữa hàng đầu) cầm đầu đường dây buôn lậu "xế khủng". |
Lợi dụng sơ hở trong chính sách tạm nhập, tái xuất xe ôtô qua biên giới với Lào, Campuchia, lại được một số cán bộ trong lực lượng chức năng của tỉnh Bắc Giang "đưa đường chỉ lối", Phúc đã nhập nhiều xe ôtô loại đắt tiền từ nước ngoài vào Việt Nam. Sau đó, Phúc mua một số xe cũ nát, có nhiều xe chỉ còn mỗi vỏ xe, với giá đồng nát để "chuyển đời" cho xe mới đắt tiền vừa được tạm nhập.
Ôtô đội lốt máy kéo cập cảng
Cục Hải quan Hải Phòng vừa bắt giữ lô hàng 12 ôtô loại 4 chỗ đã qua sử dụng, được cắt cabin và tháo rời một số phụ tùng, linh kiện đóng trong 1 container từ Hàn Quốc nhập cảng Hải Phòng. Đây là mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu.Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Huệ Minh (tỉnh Thái Bình) đứng tên trên vận đơn.
|
Trước đó, doanh nghiệp này mở tờ khai điện tử khai báo nhập 12 máy kéo thanh kim loại đã qua sử dụng, được phân luồng xanh (hàng miễn kiểm).
Xe sang núp bóng 'sắt vụn' để nhập lậu
Một lô xe hạng sang trị giá hàng tỷ đồng vừa bị phát hiện nhập lậu dưới dạng sắt vụn tại Cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Lô xe trên được chứa trong container loại 40 feet, số hiệu: CAIU8480736. Container trên được tàu Sinokor Yakohama 0098 vận chuyển từ Hongkong theo vận đơn số SNKO131130700848 về Cảng Đình Vũ, ngày 29/7/2013.
Theo nội dung vận đơn ghi lô hàng Metal (kim loại) nhập trong container là loại sắt vụn, nhưng thực tế bên trong lại là 3 chiếc xe ôtô hạng sang mang nhãn hiệu BMW, Lexus và Honda với trị giá hàng tỷ đồng.
Chiêu biến xe mới thành xe đã qua sử dụng
Một trong số những thủ đoạn trốn thuế được các đơn vị nhập khẩu ôtô tận dụng nhiều nhất là biến những xe mới thành xe đã qua sử dụng để hưởng mức thuế nhập khẩu ít hơn. Trước khi cho xe vận chuyển về VN, xe đã được gẩy số km đã đi quá 1 vạn km (theo quy định các xe nhập khẩu đã chạy quá 1 vạn km được xếp vào danh mục xe đã qua sử dụng). Khi về đến VN, sau khi hoàn tất các thủ tục hải quan, những chiếc xe này lại được gẩy số km về 0 trước khi bày bán ở các salon ôtô, và đương nhiên nó được bán với giá xe mới.
Doanh nghiệp "hô biến" xe mới thành xe cũ để được hưởng thuế nhập khẩu thấp |
Để cân đối chênh lệch giữa giá nhập đầu vào và giá bán thực tế, các đơn vị kinh doanh này thường ghi giá xuất hóa đơn GTGT thấp hơn giá bán thực tế. Và khi được coi như xe cũ nhập khẩu, ngoài hưởng thuế nhập khẩu thấp, doanh nghiệp nhập khẩu những xe này còn được hưởng lợi từ việc giảm đáng kể chi phí phải nộp cho các loại thuế, phí khác như thuế TTĐB, GTGT, lệ phí trước bạ.
Làm biển ngoại để trốn thuế
Để chiều lòng những khách hàng không muốn đợi tới 6 tháng, giới kinh doanh có cách làm biển nước ngoài "NN" hay còn được gọi lóng là "biển nhà nghèo". Biển NN có thời hạn thường được hưởng chính sách không phải nộp thuế, là hàng tạm nhập tái xuất nên giá xe chỉ bằng một nửa. Chẳng hạn giá một chiếc Porsche Panamera chính hãng tầm 4,5 tỷ đồng nhưng ra biển NN giảm còn 2 tỷ.
Nhiều người làm biển ngoại để trốn thuế (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên biển dạng này thường có thời hạn (2,5 năm) theo nhiệm kỳ công tác của người đứng tên. Khi bán lại cho cá nhân Việt Nam phải nộp đủ các loại thuế. Để lách luật, giới chơi xe lại làm hình thức ủy quyền.
Lợi dụng danh nghĩa Việt kiều hồi hương nhập lậu ôtô
Khi cả xe cũ, xe biển nước ngoài (NN) hoặc ngoại giao (NG) đều bị "đóng" thì giới kinh doanh nghĩ ra chiêu mới: xe Việt kiều hồi hương.
Nhiều người lợi dụng danh nghĩa Việt kiều hồi hương nhập lậu ôtô (Ảnh minh họa) |
Những năm gần đây, số lượng siêu xe trị giá hàng tỷ đồng được nhập khẩu thuộc diện Việt kiều hồi hương gia tăng đột biến với tốc độ chóng mặt. Theo tính toán sơ bộ, chi phí phải trả cho việc sở hữu một chiếc siêu xe như Rolls Royce, Bentley, Lamborghini vào Việt Nam theo con đường Việt kiều hồi hương, tạm nhập tái xuất, ngoại giao sau khi đã trừ mọi khoản thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng chỉ tầm 500.000 USD. Chi phí này chỉ bằng hơn 1/2 nếu so với việc nhập khẩu chính ngạch khẩu là 850.000- 900.000 USD.
Chiêu nhập ôtô theo đường quà biếu, tặng
Theo thông tin từ Cục Hải quan Hà Nội, thời gian gần đây, đơn vị này nhận được khá nhiều hồ sơ đề nghị cho nhập khẩu xe ôtô theo chế độ quà biếu, tặng. Đây đều là những thương hiệu nổi đình nổi đám trong giới siêu xe. Nếu nhập theo đường chính ngạch, đến các đại gia lắm tiền nhiều của có lẽ cũng phải "chùn tay" vì giá sau thuế có khi đến hàng chục tỷ đồng.
Lãnh đạo cục Hải quan Hà Nội nhận định, việc tặng món quà có giá trị lớn, tới cả trăm nghìn USD chắc chắn không phải dấu hiệu bình thường. Có khả năng doanh nghiệp đang "lách" những quy định của Nhà nước để nhập khẩu ô tô dòng sang bằng cách xin nhập khẩu hàng phi mậu dịch theo chế độ quà biếu, quà tặng.
Việc "lách luật" này, được cho là vừa hợp pháp để mang về Việt Nam những chiếc ôtô mới đắt tiền, vừa không phải mua hàng đắt đỏ hay mất thời gian chờ đợi các hãng xe có ủy quyền chính hãng như Thông tư 20 quy định.
Theo Hạnh Nguyên (VietnamNet)
Ý kiến đánh giá (1)