Chủ Nhật, 19/01/2025 | 05:57
07:33 |
Ngày 2 hành trình Bắc Lào: Tết từ biên giới tới thủ đô
Suốt chặng đường đi từ cửa khẩu Nam Phao đến thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi luôn bắt gặp sự bất ngờ, những nụ cười và niềm vui. Song, lại có một cái gì đó rất thân quen trên xứ sở lạ kỳ này.
Tết ở cửa khẩu
Nghe dọa hải quan và biên phòng Lào có cung cách làm việc khá chậm, lại đúng vào dịp nghỉ Tết Lào nên việc thông quan, nhập cảnh cho xe và người ở cửa khẩu Cầu Treo có khi phải mất cả tiếng đồng hồ. Bởi vậy, chúng tôi dậy sớm và rời Vinh khi phố xá vẫn thưa bóng người.
Từ Vinh, “hoa tiêu” Honda CR-V dẫn đường“anh nuôi” Nissan Navara theo QL 46 (đi Nam Đàn), đến cầu Rộ, ra đường Hồ Chí Minh đông rồi hỏi đường tới cửa khẩu. Quãng đường 100km nhưng vì xe “ngon” và đường đẹp nên cũng chỉ đi khoảng 2 tiếng rưỡi là chúng tôi đến đích. Có lẽ chậm nhất cũng chỉ là đoạn gần lên đến cửa khẩu Cầu Treo với những uốn lượn liên tục, đèo dốc quanh co. Nhưng đó cũng lại là cái cảm giác ngồi sau vô lăng thật “phê” với những cú vượt dốc, đổ đèo. Mới chớm đến đây đã thấy hàng đoàn xe tải, xe con gắn biển Lào “vàng chóe, giun dế” đi theo hướng ngược lại.
Đến cửa khẩu, hải quan yêu cầu chúng tôi làm thủ tục cho xe trước, người sau. Xe thì đã có giấy liên vận xin từ bên Việt Nam, còn người thì cứ trình hộ chiếu để hải quan và biên phòng kiểm tra. Họ đóng dấu rồi thông quan. Lệ phí cho một cuốn hộ chiếu khá mềm 20 ngàn đồng. Còn xe cũng chỉ ngần đó tiền cho một xe.
Chúng tôi đến cửa khẩu Cầu Treo đúng dịp Tết Lào.
Cửa khẩu Cầu Treo những ngày Tết Lào khá thưa người. Chỉ thấy người Việt đi sang Lào thì nhiều, còn xe đi theo hướng ngược lại khá vắng vì người Lào còn “bận” đón Tết. Ở cửa khẩu có dăm ba quầy bán sim thẻ Unitel (mạng di động Viettel ở bên Lào). Chúng tôi chỉ phải trả khoảng 75 ngàn Kip Lào cho một chiếc sim, trong đó đã có 15 ngàn Kip tiền có sẵn trong tài khoản. Bạn cũng đừng quên đổi tiền Việt sang tiền Kip với tỷ giá phổ biến là 270 đồng cho 1 Kip Lào.
30 phút xong thủ tục xuất cảnh, đoàn xe chạy chừng 1km nữa thì đến cửa khẩu Nam Phao (Lào) làm thủ tục nhập cảnh. Tòa nhà nơi chúng tôi làm thủ tục mang đậm kiến trúc Lào. Cờ Lào, cờ Đảng Cộng Sản bay phần phật và được cắm khắp nơi. Vài người dân ở những quán dịch vụ đang uống những chai bia Lào to tổ chảng. Nhạc Lào bật inh ỏi. Họ đang ăn Tết Lào.
Vì mang ôtô vào Lào nên một người trong đoàn phải làm giấy thông hành cho cả 2 chiếc xe. Những người có kinh nghiệm đã đi Lào trước đó gợi ý là chúng tôi nên đăng ký giấy thông hành cho xe có giá trị trên toàn nước Lào. Nếu chỉ đăng ký lên Viêng Chăn, có nghĩa là xe chỉ được phép đi từ Nam Phao lên Viêng Chăn rồi phải quay về mà chẳng được đi đâu cả. Các chủ xe cũng phải lưu ý mua bảo hiểm cho xe để đi lại cho an tâm với giá 75 ngàn Kip/tuần/xe.
Tờ khai song ngữ Lào - Anh.
Bước vào phòng làm thủ tục thấy mấy anh hải quan, biên phòng Lào “mặt mày say đỏ”. Họ đưa cho chúng tôi những tờ khai song ngữ Lào – Anh, hướng dẫn điền thông tin một cách rất vui vẻ. Một nhóm 4 -5 người vừa làm việc thông quan cho chúng tôi vừa uống bia. Thỉnh thoảng họ lại ồ vang hoặc nhảy cẫng lên với những cặp mắt đang dán vào chiếc ti vi trên đó đang tường thuật một trận quyền anh.
Một anh hải quan người Lào trò chuyện với chúng tôi đủ thứ. Nghe nói anh ở tận Viêng Chăn lên đây làm nhiệm vụ. “Thông cảm nhá, xa quê, tết buồn lắm nên anh em có uống chút bia” – anh tâm sự. Thế là chuyện “giang hồ đồn thổi” là hải quan Lào làm chậm lại chẳng như chúng tôi nghĩ. Thủ tục rất nhanh, thậm chí cánh hải quan, biên phòng còn dặn dò đủ điều như chúng tôi là những người thân quen vậy. Cả đoàn làm lệ phí nhập cảnh hết tổng cộng 120 ngàn Kip cho 7 người.
Anh hải quan nói sõi tiếng Việt dạy chúng tôi những cầu chào, lời chúc may mắn, hỏi đường đi rồi còn không quên nhắc nhở: “Các anh đi cẩn thận nhé, Tết mà” – anh vừa nói vừa chỉ vào chai bia đang cầm trên tay.
Đặt chân lên đất bạn Lào
Vừa đặt chân lên đất Lào, chúng tôi đã phải đổ đèo. Ấn tượng đầu tiên trong mỗi thành viên là đường ở Lào chất lượng rất tốt. Không lỗ chỗ, vá víu, nhiều ổ voi, ổ gà như đường miền núi ở ta. Đường dễ đi hơn hẳn, ít xe cộ, hai bên đường thưa thớt người dân. Chốc chốc lại thấy từng tốp xe máy kẹp 2, kẹp 3. Người điều khiển xe là những cô cậu thanh niên choai choai trông đen nhẻm, đầu xanh, đầu vàng không đội mũ bảo hiểm, người nào người nấy ướt nhèm.
Chúng tôi cảm nhận được cái không khí Tết Lào sôi động ngay ở vùng biên.
Đi xuống đến chân núi, thỉnh thoảng ngó xuống dưới, thấy từng đám người tụ tập rất đông ven một con sông khá cạn nước. Họ dựng lều trại dưới đó, bật nhạc lên nhảy nhót và ăn uống rất vui vẻ. Đã bắt đầu cảm nhận cái không khi Tết Lào sôi động ngay ở vùng biên.
Đường đẹp nên chẳng mấy chốc mà chúng tôi đã đến được thị trấn đầu tiên của Lào: Laksao. Căn quỹ thời gian còn nhiều, cả “bọn” dừng xe, đi lang thang trong thị trấn để chờ tới giờ cơm, ăn luôn ở đây cho tiện. Chúng tôi ghé vào chợ Laksao – một cái chợ khá lớn sát biên giới Việt Nam. Ngày Tết, chợ cũng thưa thớt hẳn. Vẫn còn vài sạp bán thực phẩm, một số gian hàng bán toàn đồ Thái Lan. Ghé chợ xong rồi cùng vào thăm thú trong một ngôi chùa lớn. Chùa ở Lào rất rộng rãi, kiến trúc ngôi chùa tháp mang phong cách văn hóa và bản sắc Lào được thể hiện ngay từ đây.
Ngôi chùa lớn ở thị trấn Laksao.
Mải chơi, nhìn đồng hồ đã 12h trưa. Thật may chẳng phải tìm đâu xa, có một quán cơm nhỏ ven đường của người Việt lại nằm ngay gần ngôi chùa chúng tôi vừa bước ra. Chủ quán là người Hà Tĩnh, sang đây đã 10 năm, đón chúng tôi bằng nụ cười niềm nở. Sang Lào, nhưng bữa trưa của chúng tôi vẫn “đặc Việt”, cách chế biến hợp khẩu vị nhưng ngon hơn nhờ nguyên liệu Lào với rau dền, cá sông, nếp nương Lào.
Quán ăn có 5 – 6 cái bàn. Ngồi trên đó cũng đều là người Việt. Họ là lái xe tải, xe khách đi lại hằng ngày qua biên giới Lào – Việt. Quán cơm này có lẽ quen thuộc với họ lắm. Thấy chúng tôi, họ xúm đến hỏi han, rồi chỉ đường, vẽ lịch. Họ thật thà, nhiệt tình và vui đáo để.
Cơm nước xong, lên đường, trước mắt chúng tôi là hàng trăm cây số đường đèo núi. Cả CR-V băng lướt êm ái và Navara bền bỉ đã vượt qua không biết bao nhiêu ngọn núi, qua bao nhiêu con đèo, ôm bao nhiêu khúc cua.
Nissan Navara và Honda CR-V vượt qua không biết bao nhiêu ngọn núi, qua bao nhiêu con đèo, ôm bao nhiêu khúc cua.
Cách cửa khẩu Nam Phao chừng 100km, điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là Lasaviewpoint. Trên con đường leo đèo quanh co, xuất hiện một cái nhà gỗ rộng thênh thang. Cả đoàn dừng xe leo lên ngắm cảnh những đỉnh núi đá lởm chởm. Nơi đây, dân Lào tự hào so sánh với Thạch Lâm của Trung Quốc vì sự hùng vĩ của nó.
Điểm dừng chân Lasaviewpoint.
Nơi đây, dân Lào tự hào so sánh với Thạch Lâm của Trung Quốc vì sự hùng vĩ của nó
Lại tiếp tục mỏi tay vần vô-lăng bởi những đèo và dốc, những con đường ẩn hiện xuyên qua những cánh rừng đại ngàn, chúng tôi cứ đi như thế cho đến khi gặp một ngã ba đường có tên là Viêng Kham, nơi giao nhau giữa QL8 và 13 của Lào, rẽ phải hướng về Viêng Chăn.Từ đây đến thủ đô Lào còn chừng 220km.
Có lái xe trên đất Lào mới thấy dân Lào ít thế nào và đất Lào rộng nhường nào. Với số dân khoảng 7 triệu người, người Lào sống trên một diện tích quốc gia bằng 2/3 Việt Nam. Người dân tỉnh lẻ cứ bám lấy quốc lộ mà sống. Song, cũng phải lâu lâu mới bắt gặp một thị trấn nhỏ. Người Lào xây nhà bằng gỗ, khá thấp và không mấy kiên cố. Điều lạ là dưới những ngôi nhà có phần lụp xụp đó, thỉnh thoảng xuất hiện một chiếc pick-up hiệu Toyota “đậu” trước cửa. Dọc tuyến đường chúng tôi đi cơ man nào là Toyota Hilux, Prado, Hyundai Accent, Sonata, Strarex. Chút lại gặp một chiếc xe sang Lexus.
"Hoa tiêu" Honda CR-V nhận được sự may mắn của các bạn Lào.
Tiếp tục đi theo quốc lộ 13 của Lào, chúng tôi hướng đến Pakkading, ở đây gặp ngã ba sông, nơi con sông Namkading chảy hòa với sông Mekong. Nước Namkading đang trong xanh là thế khi chảy ra Mekong đục ngầu thì phân chia thành một ranh giới màu nước rất rõ rệt. Đứng ở cầu Pakkading, phóng tầm mắt sang bờ bên kia là đất Thái Lan. Đây cũng chính là đường biên giới tự nhiên Lào – Thái. Kỳ thú và gần gũi là thế.
Bắt đầu từ đây, con đường chúng tôi đi cứ bám dọc theo sông Mekong cho đến tận Viêng Chăn. Đó là con đường thẳng tăm tắp, hai bên là những cánh đồng cỏ, những rừng cây xanh mướt. Dân cư ở đây cũng đông đúc hơn. Cảnh sắc trông trù phú, giàu sức sống hơn. Qua những thị trấn nhỏ, nơi nào cũng thế, xe cứ vừa lăn bánh vào đầu thị trấn đã được các nam thanh, nữ tú đứng thành hàng dài đến cả 20 người chờ sẵn, tay xô, tay chậu đổ nước ào ào lên xe. Theo phong tục Lào, ai càng bị đổ nước, té nước vào người nhiều sẽ càng may mắn trong dịp Tết này. Thế nên, trong chúng tôi chẳng thấy bất cứ ai phiền lòng về điều đó, ngược lại, rất vui là đằng khác.
Quảng trường Patuxay (Khải hoàn môn của người Lào) chào đón.
Chúng tôi đến Viêng Chăn khi thành phố thủ đô của nước bạn đã lên đèn. Khắp phố phường nhộn nhịp tiếng nhạc, tiếng ca hát chào năm mới của người Lào. Khải hoàn môn Patuxay chào chúng tôi bằng sự náo nhiệt khác thường. Có lẽ đêm nay, Viêng Chăn sẽ không ngủ!
Autodaily Team
Ý kiến đánh giá