Thứ Sáu, 06/12/2024 | 06:00
07:08 |
Ngày 8 hành trình Bắc Lào: Lối về
Chúng tôi kết thúc hành trình khám phá Bắc Lào với cung đường cuối cùng trên đất bạn từ Xiêng Khoảng đi cửa khẩu Nậm Cắn. Tạm biệt đất nước Triệu Voi, tạm biệt cuộc sống chậm rãi và bình yên của người Lào, chúng tôi trở về với công việc, với những tất bật, lo toan, hối hả của ngày thường.
Ngày thứ 8 và cũng là ngày cuối trong hành trình, chúng tôi sẽ phải chạy xe cả thảy gần 700km. 130 cây số từ Phôn xa vẳn (thủ phủ của tỉnh biên giới Xiêng Khoảng) đến cửa khẩu Nậm Cắn. Chạm đất Việt Nam rồi cũng phải đi thêm hơn 500 cây số nữa mới về tới Hà Nội. Đó là kế hoạch không đúng theo lịch trình dự kiến ban đầu. Nhưng chúng tôi không còn cách nào khác. Thôi thì cứ xem chuyện thay đổi như là một phần của sự thú vị trong suốt chuyến đi.
Những cây số cuối cùng trên đất bạn
Nằm vắt bên kia dãy Trường Sơn, tỉnh Xiêng Khoảng của nước bạn Lào có đường biên giới giáp ranh với tỉnh Nghệ An của Việt Nam. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi người Việt ở Phôn xa vẳn khá đông. Những nhà hàng, khách sạn, những công ty khai khoáng, chế biến lâm sản lớn nhất ở thủ phủ của tỉnh Xiêng Khoảng đều là của chủ người Việt. Không khó khăn lắm để chúng tôi hỏi đường ra cửa khẩu Nậm Cắn về Việt Nam. Anh bạn lễ tân khách sạn nơi chúng tôi nghỉ - Xieng Khouang Hotel, là người Lào mà dùng tiếng Việt còn nhiều hơn tiếng mẹ đẻ. Anh chỉ cho chúng tôi đường đi, thời tiết, điểm nghỉ như một tour guide đích thực.
Mặc dù khởi hành không quá sớm nhưng chúng tôi vẫn gặp phải sương.
Lấn cấn xử lý một số công việc, 7h sáng chúng tôi mới rời khỏi Phôn Xa Vẳn. Anh bạn lễ tân nói với chúng tôi, cũng chỉ nên đi giờ này, vì đi sớm hơn, đường có rất nhiều sương mù. Hai chiếc xe bám theo QL7A tiến thẳng ra biên giới. Xa dần Phôn Xa Vẳn, đường bắt đầu vắng dần người dân qua lại. Thỉnh thoảng lại thấp thoáng những bản làng yên bình hiện ra trước mắt. Bạt ngàn núi đồi nối nhau với muôn loài cây cối tươi tốt, nguyên sơ.
Non buổi sáng rong ruổi, xe lao qua không biết bao nhiêu bản làng, bao nhiêu đồi dốc, thung lũng, bao nhiêu cánh rừng…Đi được nửa đường, chúng tôi gặp thị trấn Mường Khăm, nơi người dân Lào vẫn gọi là Mường Vàng. Nghe nói, hai bên QL7A của huyện Mường Khăm (thuộc tỉnh Xiêng Khoảng) đều là những vựa vàng. Khắp dưới các chân đồi của núi rừng, đồng ruộng, vườn cây, nhà ở của mảnh đất Mường Khăm đều có vàng. Vì thế, hằng năm rất nhiều “đầu nậu” khai thác nhăm nhe vào mảnh đất của Mường Vàng tìm vận may nhưng chính quyền nước bạn quản lý rất chặt việc khai thác khoáng sản, nhất là những vùng đất thiêng có từ xa xưa như mảnh đất Mường Khăm này.
Dọc đường đi, dấu ấn người Việt ngày càng rõ hơn khi đến gần biên giới. Thỉnh thoảng thấy một biển báo tiếng Việt của một cửa hiệu tạp hóa, sửa xe. Lúc lại bắt gặp ngôi nhà gỗ được xây dựng ngăn nắp, có vườn tược, cây cối, ngoài cổng treo lá cờ đỏ, sao vàng.
Khung cảnh trên đường đến cửa khẩu Nậm Cắn.
Cách cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn chừng chưa đầy hai mươi cây số là khu chợ hữu nghị Việt- Lào. Để thuận tiện giao thương hàng hóa, hai địa phương tỉnh Nghệ An và Xiêng Khoảng đã thống nhất thành lập khu chợ này. Một tháng có hai phiên chính, nhưng những ngày thường tại đây vẫn có người kinh doanh buôn bán. Điều đáng nói, từ khi khu chợ này hình thành đã tạo công ăn việc làm cho bao người dân hai nước tập trung về đây làm ăn, buôn bán. Cảnh vùng biên vì thế mà giàu sức sống, tấp nập và nhộn nhịp hơn.
Chúng tôi đến cửa khẩu Nam Kan (tiếng Lào) – Nậm Cắn (tiếng Việt) khi đã gần trưa cật. Thủ tục xuất nhập cảnh khá thuận lợi. Giấy cấp phép cho 2 anh bạn Honda CR-V và Nissan Navara cũng chỉ cần nộp lại cho hải quan Lào và trình sổ liên vận cho hải quan của ta là xe được thông quan.
Chụp lại tấm hình kỉ niệm với cột mốc biên giới.
Chụp lại tấm hình kỉ niệm với cột mốc biên giới, chúng tôi tạm biệt nước Lào sau 8 ngày rong ruổi từ thủ đô Viêng Chăn, lên Vang Viêng, qua cố đô Luông Pra Băng rồi tới Cánh đồng Chum ở tỉnh biên giới Xiêng Khoảng. 8 ngày qua là 8 ngày mà đoàn Autodaily Discovery có những ấn tượng không thể nào quên về con người, đất nước, văn hóa và cả những con đường chạy miệt mài qua chỉ núi với rừng của nước bạn Lào.
Bước chân trở về
Làm thủ tục nhập cảnh xong, bụng đã đói meo, thông tin đầu tiên chúng tôi hỏi anh bộ đội biên phòng là từ Nậm Cắn ra đến đường Trường Sơn có điểm nào dừng chân ăn trưa không. “Từ đây ra đường mòn chừng 140 cây số, các bạn sẽ qua rất nhiều thị trấn của Nghệ An. Yên tâm là có đồ ăn nếu đi ngay bây giờ” – Anh vui vẻ trả lời. Nghe thế, chúng tôi mừng rơn, thèm cơm Việt Nam lắm rồi.
Thật may là chúng tôi chỉ phải lái xe quãng đường khoảng 20 cây số là tới thị trấn Mường Xén. Đây được xem là trung tâm buôn bán lớn nhất vùng Tây Nam xứ Nghệ, và dù là thị trấn nhưng nó đông đúc hơn cả thị xã Phôn Xa Vẳn của nước bạn Lào mà chúng tôi vừa nghỉ lại đêm qua. Bước vào quán cơm to nhất thị trấn, chúng tôi bắt gặp những mâm cơm toàn người Lào cũng có, Lào lẫn Việt cũng có. Gọi cơm canh rau muống, cà pháo Nghệ An, trứng rán, cá sông Lam và cơm gạo Việt mà thấy như đã được trở về nhà.
Giữa rừng quốc gia Pù Mát.
Từ Mường Xén, chúng tôi tiếp tục đi theo quốc lộ 7 để ra đường Hồ Chí Minh. Đúng ra, đến Cửa Rào, rẽ trái theo quốc lộ 48C thì sẽ đến đích nhanh hơn. Nếu đi tiếp theo quốc lộ 7 cũng sẽ vẫn ra được đường Trường Sơn nhưng quãng đường xa hơn hẳn. Song, sự nhầm lẫn không còn là vấn đề khi QL7 dẫn chúng tôi đi ven sông Lam, xuyên qua những cánh rừng bạt ngàn của vườn quốc gia Pù Mát. Dừng chân ở quán nước ven sông gần thị trấn Con Cuông, uống ly nước dừa, “thưởng thức” những cơn gió mát rượi thổi lên từ sông Lam mới thấy thương người dân Lào. Họ quanh năm sống với cái nắng và những cơn gió lục địa khô khốc, oi nồng đến khó chịu.
Bên dòng sông Lam.
Ra đến đường Hồ Chí Minh, đồng hồ chỉ đúng 4h chiều. Chúng tôi dùng tạm đồ ăn sẵn chuẩn bị trên xe, chạy miết không nghỉ mà khi về đến Hà Nội thì cũng đã 10h đêm. Người đã mỏi, xe cũng bẩn nhem nhuốc. Đồng hồ trip trên Navara vừa nhảy sang con số 2.200km. Lạy giời, chúng tôi đã kết thúc quãng đường hơn 2 ngàn cây số trên cả đất ta và đất bạn một cách an toàn. Cả “hoa tiêu” CR-V và “anh nuôi” Navara không một vết xước, không hỏng hóc dọc đường, không lần nào phải thay lốp. Hai chiếc xe khỏe khoắn, “dã chiến” và bền bỉ tạo nên thành công của cuộc hành trình.
Cuối cùng, hành trình nào thì cũng có điểm đến và có ngày trở về. Những con chim dù bay đi đâu thì cũng có lúc quay về tổ. Chúng tôi cũng thế, đi nhiều, nhưng chẳng thể “trốn” được những phút nhớ nhà. Hơn một tuần rong ruổi trên đất bạn dưới cái nắng cháy da, dưới cái oi nồng của thời tiết bỗng thấy thèm một cơn gió sông dịu mát. Đồ nướng, xôi nếp nương, cá sông Mê Kông hay món lạp đặc sản của người Lào ngon thì ngon thật nhưng vẫn thấy “nhớ” những bữa cơm đơn giản hằng ngày. Gặp người nọ, người kia, biết thêm nhiều cái mới nhưng vẫn thấy nhớ những gương mặt thân quen.
Về nhà thôi, về với cuộc sống hằng ngày, về để lấy lại cân bằng, để khi có điều kiện là lại lên đường đi tới những vùng đất mới.
Autodaily
Ý kiến đánh giá