Thứ Sáu, 22/11/2024 | 13:45
06:25 |
Ngày 7 hành trình Bắc Lào: Thăm cánh đồng Chum
Ngày thứ 7 trong hành trình Bắc Lào của chúng tôi là một ngày “nếm” đủ thứ gia vị của người Lào. Quãng đường 266km từ cố đô Luông Pra Băng đến Phôn xa vẳn (thủ phủ của tỉnh Xiêng Khoảng) trải đủ dốc, núi và cả những cơn mưa rừng.
Cung đường thử thách
Từ Luông Pra Băng, chúng tôi quay lại quốc lộ 13, đến ngã ba Phou Kuod (Núi Kun) rẽ trái theo quốc lộ 7 đi Xiêng Khoảng. Đường chỉ bằng phẳng chừng 20 cây số, sau đó là những đèo và dốc. Đã từng vần vô-lăng trên khắp các cung đường miền núi phía Bắc, nhưng chúng tôi vẫn phải “choáng” với độ dài của quãng đường chèo đèo, vượt núi ở đây. Tổng quãng đường 266km từ cố đô đến Xiêng Khoảng có tới 220 km đèo dốc uốn lượn liên tiếp nhau. Đường rộng, chất lượng mặt đường khá tốt nhưng việc cứ phải vần vô lăng liên tục, đổ hết con dốc này đến con dốc khác khiến lái xe mệt mỏi và phải tập trung cao.
Đã từng vần vô-lăng trên khắp các cung đường miền núi phía Bắc, nhưng chúng tôi vẫn phải “choáng” với độ dài của quãng đường chèo đèo, vượt núi ở đây.
Lái xe hơi đã “oải” nhưng có người còn đạp xe từ Luông xuống cánh đồng Chum thì đúng là phục thật. Chả là trên đoạn đường đi, chúng tôi bắt gặp một cô gái người Đức, đằng sau treo 4 cái ba lô lớn, mặt hớn hở đạp xe vượt dốc. Cô chào chúng tôi bằng nụ cười thân thiện, nói đủ thứ chuyện cứ như là lâu lắm không được giao tiếp với ai. Cứ đạp xe ở tốc độ này, có lẽ phải sáng mai cô mới tới đích.
Cô gái người Đức đạp xe vượt dốc.
Chào tạm biệt cô gái người Đức, chúng tôi đi thêm khoảng vài chục cây số nữa thì cũng vừa trưa. Kịch bản của buổi trưa hôm lái xe từ Vang Viêng lên Luông Pra Băng lại lặp lại. Chúng tôi cứ đi miết mà cũng chỉ toàn đồi với núi. Hai bên đường rất thưa bóng người. Vừa đi, vừa nhìn mỏi mắt mà lâu lâu mới gặp một nếp nhà gỗ lụp xụp. Gần 13h trưa đoàn chúng tôi mới tới được một thị trấn nhỏ. Ở đây có vài quán ăn, dăm ba hàng tạp hóa bán đủ thứ đồ dùng hằng ngày. Phải ghé đâu đó ăn trưa thôi, hoặc lại xin nước nóng “làm” tạm bát mỳ cho ấm bụng, nếu không, có đi cả chục km nữa tình hình chắc cũng không khá hơn.
Chỗ chúng tôi dừng ăn trưa trưng cái biển rõ to “Meeyang Restaurant”. Nhưng nó là cái quán nhỏ chứ chẳng phải nhà hàng. Trong quán toàn phụ nữ, 2 người có vẻ lớn tuổi hơn, còn lại nhàng nhàng tầm dưới 20 đang chăm những đứa trẻ bé lít nhít. Hình như họ là một gia đình. Cả nhóm như mở cờ trong bụng khi thấy dưới bếp có 2 con gà đã được làm sẵn. “Hôm nay sẽ được ăn gà luộc thay vì mỳ tôm không người lái như buổi trưa hôm trước” – tôi nghĩ. Tuy nhiên, mọi chuyện lại không đơn giản như vậy. Không có cách nào để diễn tả là chúng tôi muốn ăn gà luộc vì bất đồng ngôn ngữ.
Một anh bạn trong đoàn chúng tôi dùng giấy bút để diễn tả món ăn.
Khua tay múa chân chán, rồi cứ thế anh bạn trong đoàn lao thẳng vào bếp, bắc nồi, cho nước vào mà luộc gà, rồi nhặt rau, xào giá đỗ, nấu canh. Gia đình chủ quán có vẻ lành, họ mặc kệ chúng tôi muốn làm gì thì làm trong bếp. Cho cả đến khi chúng tôi tự chặt gà, pha muối tiêu, lấy bát đũa, ra hiệu xin một chút cơm trong nồi họ cũng chỉ đứng quan sát một cách tò mò. Đánh chén xong bữa trưa “tự biên, tự diễn”, chúng tôi lên đường mà chỉ phải trả tiền cho 2 con gà và một vài lon nước ngọt. Nhìn người phụ nữ cười, chỉ trỏ và nói thứ tiếng nửa tiếng Lào, nửa gần giống tiếng của người Mông ở Việt Nam lúc gọi tính tiền, chúng tôi hiểu chị ta đã “miễn phí” cho mình rất nhiều thứ.Người Lào hiền lành và tốt bụng đến ngạc nhiên.
Lần đầu trong 7 ngày hành trình trên đất Lào, chúng tôi gặp cơn mưa rừng.
Rời khỏi quán ăn, CR-V và Navara leo lên, đổ xuống được khoảng 3 con dốc cao thì trời bất ngờ đổ mưa. Đúng là một cơn mưa rừng, mưa đến nhanh và hạt rất to. Mưa như có ai đổ nước xuống kính lái khiến chiếc gạt mưa phải làm việc với tốc độ nhanh nhất. Mưa xối xuống tạo thành những con nước lớn chảy trên mặt đường. Mưa táp cây rừng, đổ xuống trĩu những tàu lá. Chúng tôi bám theo cung đường nhựa ngoằn ngoèo, lúc lên đến lưng chừng núi, lúc xuyên qua khu rừng rợp bóng cây... đến tận cả 20 phút sau mới hết mưa.
Trời tạnh cũng là lúc chúng tôi thoát khỏi cung đường khó. Đường thẳng hơn, bằng phẳng hơn. Khung cảnh 2 bên giờ cũng khác trước. Đó là những đồi cỏ trải dài đến phía cuối chân trời. Thỉnh thoảng gặp những cánh rừng thông mọc xếp nhau, những đồi chè xanh mướt mát trông xa như bậc thang leo lên chạm vào đám mây mù đang xà xuống.
Cánh đồng Chum bừng sáng
Chúng tôi quyết định lái xe vào thẳng cánh đồng Chum trước khi về thuê khách sạn tại Phôn Xa vẳn để nghỉ đêm nay tại đây. Nếu vào trung tâm thành phố mà hỏi đường đi cánh đồng Chum thì rất dễ vì ở đó có rất nhiều người Việt sinh sống, lại có các khách sạn lớn. Nhưng hỏi luôn trên đường để rẽ vào thì là cả vấn đề. Đôi lần dừng lại hỏi người dân địa phương thì gần như không có câu trả lời vì họ không biết tiếng. Hỏi địa danh dịch ra tiếng Anh họ cũng chịu. Trong khi suốt mấy cây số gần tới Phôn Xa Vẳn không thấy biển chỉ dẫn.
Cậu thanh niên người Việt chỉ đường cho chúng tôi đến cánh đồng Chum.
Đang lúng túng và sốt ruột “phi” cho nhanh vào cánh đồng Chum để kịp ghi lại mấy tấm hình trước khi trời tối, bất ngờ, chúng tôi thấy một xưởng gỗ có treo quốc kỳ Việt Nam. Đây rồi, cách duy nhất để đến đích sớm là hỏi người Việt. Anh bạn trong đoàn nhanh nhảu xuống xe, “mò” vào xưởng. Vài phút sau đi ra cùng với cậu thanh niên người Việt có dáng người nhỏ thó. Cậu nhóc người Tương Dương (Nghệ An) sang đây làm gỗ đã 2 năm mô tả cặn kẽ cho chúng tôi đường đi. Nói xong, còn viết tên phiên âm tiếng Lào cho chúng tôi tiện hỏi đường.
Hóa ra cánh đồng Chum được người Lào gọi là Thổng Háy Hín. Gần đến nơi, đoạn rẽ nào mà ngờ ngợ, chúng tôi chỉ việc thò cổ ra khỏi cửa kính, nói “Háy Hín” là dân địa phương đã biết chúng tôi định đi đâu để mà chỉ đường bằng tay. Lòng vòng hỏi đường, vào đến cánh đồng Chum thì cũng đã 4 rưỡi chiều. Thật may là sau cơn mưa, trời bỗng nhiên bừng sáng và có nắng khi chúng tôi vừa chạm chân tới địa danh nổi tiếng này.
Nghe nói, Xiêng Khoảng nổi tiếng với cánh đồng chum. Chum rải rác khắp địa phận Xiêng Khoảng, tập trung ở ba địa điểm chính xung quanh Phôn xa vẳn. Địa điểm 1: Bạn Ang. Địa điểm 2: Lắt Sén. Địa điểm 3: Bạn Sua, theo thứ tự cách Phôn Xa Vẳn 10km, 23km và 28km.
Quang cảnh cánh đồng Chum.
Nơi chúng tôi đến là Bạn Ang, địa điểm cách trung tâm Phôn Xa Vẳn khoảng 10km về phía tây nam là nơi thu hút khách du lịch nhiều nhất. Địa điểm này nằm trên một ngọn đồi có độ cao khoảng 1.000m, cây cối thưa thớt. Một khoảng đất trống làm chỗ đậu xe đồng thời là nơi bán vé và đồ lưu niệm. Lối lên là những bậc thang làm bằng đá núi và bêtông. Leo qua bậc thang cuối cùng: cả một cánh đồng chum hiện ra trước mắt. Chúng tôi bước gấp gáp, thế là đã được tận mắt nhìn, tận tay sờ được những chiếc chum bằng đá huyền thoại!
Chum đứng rải rác từng nhóm, đủ loại to nhỏ cao thấp, hình dạng khác nhau. Nhóm đứng phơi giữa trời, nhóm ẩn mình trong vòm cây xanh. Cái đứng, cái nghiêng, cái chìm xuống một nửa. Ở địa điểm này có 250 chum và duy nhất 1 cái có nắp.
Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, cánh đồng chum là nơi chịu nhiều bom đạn và nóng bỏng nhất nước Lào
Ngày nay trên cao nguyên cánh đồng chum cỏ xanh mênh mông, yên tĩnh thanh bình. Trên vùng đất phẳng xen một vài ngọn núi đồi nằm rải rác là khoảng hơn 650 chiếc chum đá khổng lồ có độ cao từ 1-3,5m và đường kính trên dưới 1m. Chiếc lớn nặng tới hơn 14 tấn với niên đại khoảng 2.500 năm đến 3.000 năm.Một điều bí ẩn là những ngọn núi ở cách đây ít nhất mấy chục cây số, vậy người cổ xưa đã chế tác những chiếc chum này từ các khối đá trong thiên nhiên từ nơi nào và chuyển đến đây bằng cách nào? Đó là những câu hỏi khiến nhiều người phải cất công đến đây tìm hiểu, nghiên cứu và đó cũng là cái “lạ” và “độc” tạo nên sự nổi tiếng của cánh đồng Chum.
Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, cánh đồng chum là nơi chịu nhiều bom đạn và nóng bỏng nhất nước Lào. 10 năm không quân Mỹ liên tục oanh tạc Xiêng Khoảng, hòng tiêu diệt Pathet Lào và ngăn chặn hậu cần của miền Bắc tiếp tế vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh.
Câu chuyện về chiến tranh trên cánh đồng Chum lại càng trở nên hấp dẫn khi buổi tối trở về Phôn Xa Vẳn thuê khách sạn và ăn tối, chúng tôi gặp một “nhân chứng sống” – người đã từng chiến đấu với các bạn Lào trên chính mảnh đất này. Ông là Hà – một cựu chiến binh Việt Nam đang cùng đồng đội trở lại chiến trường xưa. Chúng tôi đã có cả một tối ý nghĩa ngồi nghe ông kể về sự khốc liệt của chiến tranh, kể về sự hy sinh mất mát của bộ đội Việt Nam trên chính cánh đồng Chum mà chúng tôi vừa có dịp ghé thăm lúc chiều.
Bác Hà - một cựu chiến binh Việt Nam đang cùng đồng đội trở lại chiến trường xưa
Thêm một ngày ý nghĩa nữa trên đất bạn, chúng tôi trở về khách sạn mà trong đầu cứ nghĩ rằng, nước Lào kỳ lạ là thế nhưng mà cũng thân quen là thế!
Autodaily
Ý kiến đánh giá