16:56  | 

Quy hoạch ngành công nghiệp ô tô Việt Nam lần thứ hai: Bình mới, rượu có mới?

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là bản Quy hoạch thứ 2 của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tính cho đến thời điểm hiện nay.

Bản Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam lần thứ hai vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1211/QĐ-TTg) ngày 24/07/2014 có những điểm mới đáng kể: Thay vì loay hoay với dòng xe chiến lược phải là ô tô con, xe cá nhân (4, 5, 7 hay 9 chỗ), Quy hoạch lần này đã chỉ rõ việc "chú trọng phát triển các dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn" phù hợp với Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và nông dân Việt Nam. Quy hoạch cũng xác định "chú trọng phát triển các loại xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, liên huyện và nội đô… phù hợp với điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông trong nước với giá thành an toàn và tiện dụng".

Xác định rõ ràng, thực chất hơn

Ngoài ra, quy hoạch lần này đã đặt trọng tâm vào việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu chế tạo được một số chi tiết quan trọng, trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Tất cả đã được xác định rõ ràng, thực chất hơn, cụ thể hơn trong Chiến lược và Quy hoạch mới. Nhưng đó mới chỉ là đường hướng cho mọi hành động. Điều mà khi ban hành, bản Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô cách đây 10 năm cũng được hồ hởi đón nhận, tung hô và tràn đầy hy vọng.

Phần lớn các DN đều khẳng định, việc phê duyệt chiến lược, quy hoạch ngành ô tô lần này của Thủ tướng Chính phủ, trước hết giúp họ xác định được đầu tư theo hướng nào một cách lâu dài, thay vì thiếu sự định hình rõ nét trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, cũng còn nhiều điểm băn khoăn, chưa rõ ràng.

Đại diện một DN (xin giấu tên) cho biết: các hãng ô tô lớn trên thế giới đều đã có những chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào các nước xung quanh, bao gồm cả việc tự đầu tư cũng như kêu gọi các DN phụ trợ đầu tư theo chuỗi giá trị. Vì vậy, với những chính sách, giải pháp vẫn còn chung chung, chưa đủ mạnh như trong quy hoạch đưa ra liệu có lôi kéo và thu hút được các hãng ô tô lớn cũng như các DN vệ tinh gắn bó với họ "rời bỏ" nơi khác để đầu tư vào Việt Nam hoặc đầu tư thêm vào Việt Nam?

"Những chính sách hỗ trợ liên quan đến mục tiêu sản xuất, chế tạo các chi tiết linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ… đều phải được quy định rõ ràng với những ưu đãi vượt trội so với các nước đang có ngành công nghiệp ô tô phát triển trong khu vực. Đó là chưa tính đến sự ưu đãi, hỗ trợ đó không dàn đều, ai cũng được hưởng mà cần có sự lựa chọn một vài hãng, DN ô tô cụ thể đang đầu tư lớn tại Việt Nam", một chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định.

Tư duy ngắn hạn

Mục tiêu chính sách công nghiệp ô tô khi cấp phép cho nhiều liên doanh nhằm chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô tiên tiến, hiện đại vào Việt Nam. Nếu các cam kết đều được thực hiện, chỉ sau chưa đầy 20 năm, Việt Nam sẽ làm được những chiếc ô tô có tỉ lệ nội địa hóa đến 60% và sẽ cán đích xe 100% Việt Nam.

Song, sau hơn chục năm, tính chung tỉ lệ nội địa hóa của tất cả DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vào thời điểm năm 2010 đều không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, dòng xe con dưới 9 chỗ, tỉ lệ nội địa hóa dưới 15% trong khi quy hoạch đề ra 50%; tỉ lệ nội địa hóa ở xe khách trên 10 chỗ, xe tải, xe chuyên dùng đạt 30% - 40%, trong khi theo quy hoạch là 60%... Và, hàng loạt "đại gia" liên doanh ô tô như Toyota, Honda, BMW, Mercedes, Ford… có mặt tại Việt Nam đến nay chủ yếu vẫn là nhập khẩu linh kiện để lắp ráp xe.Trong khi đó, năm 2018, thời điểm thuế suất nhập khẩu ô tô bằng 0% theo cam kết của tiến trình tự do hóa thương mại ASEAN/AFTA đã cận kề. Áp lực xe ngoại, nhập nguyên chiếc tràn vào đang nhãn tiền. Đã thế, Chính phủ có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô, mong muốn người Việt Nam được tăng nhu cầu sử dụng ô tô nhưng lại có hàng loạt chính sách hạn chế sử dụng như đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng phí trước bạ… để không làm gia tăng phương tiện giao thông cá nhân.

Với kết cục này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, cho là do sai lầm trong chiến lược: "Bản thân tôi cũng không hiểu chúng ta muốn gì trong chiến lược công nghiệp ô tô". Dưới góc nhìn của người từng nhiều năm đứng đầu Bộ Thương mại, ông Tuyển nhận thấy chiến lược công nghiệp ô tô còn rất lúng túng. Bản thân chính sách bảo hộ ô tô của chúng ta cũng đang bị giằng xé giữa hai yêu cầu: Vừa muốn phát triển ô tô nhưng lại hạn chế ô tô vì hạ tầng giao thông thấp kém.

"Đây là một tư duy ngắn hạn, chúng ta giải quyết phần ngọn mà không phải từ gốc. Đáng lẽ ta giảm bớt đầu tư vào những nơi không hiệu quả và tập trung giải quyết hạ tầng đô thị sớm hơn, từ cách đây 10 năm, thì tình hình có thể khác. Nhưng tiếc là Nhà nước đã rót tiền vào lo làm sân bay, cảng biển… thậm chí đến nay tình trạng này chưa hết", ông Tuyển nói.

------------------------------------------

Thể hiện quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp ôtô
Ts. Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương)
------------------------------------
Thị trường ôtô của Việt Nam trong thời gian vừa qua không phải không chuyển động, nhưng nếu có thêm các chính sách kích thích tiêu dùng thì tăng trưởng chắc chắn sẽ ở mức cao hơn. Khi đó, DN sẽ có niềm tin vào thị trường hơn và sẽ chủ động đầu tư hơn. Do vậy, việc ban hành chiến lược và quy hoạch lần này mới chỉ thể hiện Việt Nam quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp ôtô. Còn việc thành công hay không lại phụ thuộc nhiều vào việc ban hành các chính sách. Chúng ta cần phân biệt, Chiến lược và Quy hoạch này là để phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, chứ không phải để cho người Việt Nam có ôtô đi.

Chưa có lợi thế quy mô thì hãy nằm trong chuỗi giá trị
Ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
------------------------------------
Khi thị trường Việt Nam chưa có lợi thế nhờ quy mô, mà chỉ có chuyển giao công nghệ thì hãy nằm trong chuỗi giá trị của các tập đoàn ô tô lớn. Như thế sẽ dựa được vào lợi thế quy mô khu vực và toàn cầu của họ. Đồng thời, nếu Việt Nam muốn có lợi thế về quy mô thì thu nhập của người dân phải cao, đường sá phải tốt. Nếu nhìn cả hai góc độ ấy thì ngành ôtô Việt Nam hiện nay còn đang rất loay hoay về mặt chiến lược và tư duy.

Cần có chính sách kích thích sản xuất
Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki
------------------------------------
Thay vì tạo ra những chính sách kích cầu tiêu dùng, cần có chính sách để kích sản xuất. Nền công nghiệp ô tô bền vững và phát triển chính là ở khâu phát triển công nghiệp hỗ trợ, phụ tùng. Việt Nam với trên 90 triệu dân, nhu cầu ô tô rất lớn, nếu Việt Nam không phát triển dòng xe phục vụ nhu cầu này thì sẽ là lỗ hổng. Việc nội địa hóa 40 - 50% thậm chí 60% không khó, chỉ có điều chính sách như thế nào để họ có thể làm được.

Theo Thời báo Kinh Doanh

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm