Chủ Nhật, 19/01/2025 | 06:57
14:01 |
Viễn cảnh ôtô Việt Nam 2015: mừng mà lo
Ngành xe hơi ở Việt Nam đang "gặp thời" nhờ lãi suất và lạm phát thấp, cộng thêm nhu cầu tiêu dùng của nhóm dân số giàu tăng vọt.
Tháng 8-2014, Rolls-Royce mở showroom Việt Nam đầu tiên của mình tại Hà Nội .
Tuy vậy, "đau đớn" nhất là các nhà sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu, trong bối cảnh Đông Nam Á xóa sổ thuế nhập khẩu xe vào năm 2018.
Nhu cầu "lên đời" gia tăng
Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2014, doanh số ôtô toàn khu vực giảm 10,3% còn 2,65 triệu chiếc theo Liên đoàn Ôtô Đông Nam Á. Sản xuất trong khu vực cũng giảm 10,7% còn 3,35 triệu xe so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhu cầu "lên đời" xe 4 bánh của người dân Việt Nam vẫn tăng mạnh. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết đã có hơn 121.600 xe hơi bán ra trong 10 tháng đầu năm 2014 - tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. VAMA đã tăng dự báo doanh số cả năm 2014, tính luôn xe nhập khẩu, từ 130.000 lên 145.000 chiếc.
Trường Hải Auto dẫn đầu thị trường với doanh số 10 tháng đầu năm 2014 đạt 33.000 chiếc - tăng 50%, Toyota xếp sau với 32.000 xe - tăng 20%. Các thương hiệu ngoại nhập khác như BMW hay Audi cũng báo cáo tăng trưởng doanh số.
Nikkei Asia Reviews nhận định việc xe nhập gia tăng vào Việt Nam có thể gây tổn thương cho các hãng địa phương - vốn tụt hậu so với các đối thủ ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia cả về quy mô lẫn độ phức tạp. Họ ước tính xe nhập hiện chiếm khoảng 25% thị trường Việt Nam và tiếp tục đà tăng trong 2 năm qua.
Kim ngạch xe nhập khẩu của Việt Nam đạt 1,23 tỉ USD trong 11 tháng năm 2014, dự báo lập kỷ lục 1,5 tỉ USD khi kết thúc tháng 12-2014 - tăng hơn gấp đôi so với 709 triệu USD của năm 2013, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Đa số xe nhập đều được sản xuất tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và một số nước phương Tây. Sau 9 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc xuất khẩu 8.388 xe vào Việt Nam - gấp đôi năm 2013.
Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế đồng yen mất giá, các nhà nhập khẩu Nhật Bản đã giúp sedan Toyota Vios - chủ yếu nhắm vào các thị trường mới nổi châu Á - giành được sự quan tâm của nhóm khách hàng trung lưu.
Việt Nam cũng là thị trường châu Á phát triển nhanh nhất của Mercedes-Benz, với doanh số hơn 1.100 xe trong nửa đầu năm 2014 - con số ấn tượng nhất kể từ khi hãng gia nhập thị trường này.
Chỉ riêng trong tháng 10, Mercedes bán kỷ lục 200 chiếc cho khách hàng Việt Nam, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 50% trong năm 2014.
Nhờ đường sá cải thiện, các dòng xe thể thao đa dụng nhỏ cũng trở nên thông dụng hơn. Gần đây, Ford Việt Nam tung ra dòng SUV compact EcoSport và nay đang là 1 trong những chiếc xe bán chạy nhất của hãng.
Ngay cả xe sang cũng bán tốt và đẩy mạnh hiện diện: Rolls-Royce mở cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội hồi tháng 8, theo sau là Bentley tháng 10 và Lamborghini hứa hẹn sẽ sớm gia nhập thị trường này.
Mẫu Rolls-Royce Ghost SWB mới giá khởi điểm 17 tỉ đồng (794.300 USD) và hiện đang có 120 chiếc Rolls-Royce đăng ký tại Việt Nam. Hãng cho biết model được ưa chuộng nhất là Phantom 25 tỉ đồng - chiếm 60% doanh số gần đây.
Nhà sản xuất ngoại nở nồi, trong nước teo tóp
Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước đang lo ngại về Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - một phần trong kế hoạch mở rộng của Cộng đồng kinh tế ASEAN - sẽ có hiệu lực vào năm 2018, cho phép xóa bỏ thuế quan nhập khẩu ôtô toàn khu vực.
Bất chấp lời kêu gọi của Chính phủ, Nikkei Asia Review dự báo nhiều nhà sản xuất xe địa phương có thể sẽ chọn cách rút lui hơn là cạnh tranh bình đẳng với các quốc gia sản xuất khổng lồ khác như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Cả 3 quốc gia này đều sản xuất hơn 3 triệu xe trong năm 2014, trong khi nhà sản xuất Việt Nam chỉ có 97.430 xe.
Theo Châu Luân (Tuổi Trẻ)
Ý kiến đánh giá