07:05  | 

Chưa xóa xe máy, Việt Nam không thể khuyến khích ôtô

Xã hội văn minh đi kèm với phát triển ôtô cá nhân. Tuy nhiên ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại chưa cho phép làm điều này vì nhiều nguyên nhân.

Muốn phát triển ôtô thì đương nhiên phải hạn chế hoặc xóa bỏ hoàn toàn xe máy. Song Việt Nam chưa thể làm được điều này vì mật độ dân số ở các đô thị đông, nhiều nhà sống trong các ngõ sâu hút, vòng vèo và chỉ đủ rộng cho xe máy đi lại. Đa số người dân vẫn chỉ có nguồn thu nhập ổn định cho chi tiêu cuộc sống hàng ngày chứ chưa dư dả gì để chuyển sang mua và sử dụng ôtô. 

Mặt khác, xe máy vẫn là phương tiện mưu sinh hàng ngày của rất nhiều người, từ bác xe ôm đến anh đi giao hàng, từ chị bán rau đến vợ chồng anh bán thịt… Tất cả vẫn hàng ngày đều đặn chuyên chở một khối lượng lương thực, thực phẩm lớn từ ngoại thành vào nội thành để nuôi sống cả thành phố.

Khi nhu cầu sử dụng xe máy còn cao mà phương tiện công cộng để thay thế lại chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân cả về năng lực lẫn thời gian thì không thể hạn chế hoặc cấm hoàn toàn xe máy được.

Chưa xóa xe máy, Việt Nam không thể khuyến khích ôtô oto-Vietnam-3.jpg

Hạ tầng chưa sẵn sàng

Hạ tầng giao thông của ta chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu giao thông hiện tại nên cảnh kẹt xe tắc đường đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống thường ngày. Nhiều dự án giao thông lớn đã triển khai và hoàn thành đưa vào sử dụng song vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Quy hoạch đô thị không tính toán đến sự phát triển của giao thông trong tương lai nên đường nhỏ nhưng không thể mở rộng thêm. Nhiều khu đô thị mới mọc lên song không tính đến diện tích hầm, bãi đỗ xe nên không đáp ứng được nhu cầu chỗ để của người dân khiến xe cộ phải để tràn ra lòng, đường vỉa hè.

Mức tăng trưởng ôtô năm 2013 là 18,8% và năm 2014 đạt 43%. Doanh số ôtô toàn thị trường năm 2014 là 157.810 xe. Số lượng ôtô hiện có vào khoảng 4 triệu xe. Vậy giả sử lấy tốc độ tăng trưởng bình quân là 30% thì chỉ cần 15 năm nữa số lượng ôtô sẽ đạt khoảng 25 triệu xe.

Một con số không nhỏ so với mức 40 triệu xe máy hiện có. Vậy thì hạ tầng giao thông sẽ phải phát triển thế nào để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trong tương lai vẫn đang là câu hỏi làm đau đầu các nhà quản lý và hoạch định chính sách.

Không thể trông chờ vào thay đổi ý thức của người dân

Nhiều người nói cứ ngồi lên ôtô, loại phương tiện giao thông văn minh, hiện đại thì ý thức người lái cũng sẽ lập tức văn minh lên, sẽ tránh được cảnh chèn ép, lấn làn… mỗi khi kẹt xe. Điều này không có cơ sở thực tiễn và càng khó trông chờ ở Việt Nam, vì thói quen và văn hóa giao thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố và không thể thay đổi nhanh chóng trong một sớm một chiều.

Ngoài ra, ý thức về chỗ ở cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch giao thông. Nhiều người có tâm lý chỉ thích sống trong nội thành nên đẩy mật độ dân số trong nội thành ngày càng gia tăng, góp phần phá vỡ quy hoạch giao thông đô thị.

Không dám mạo hiểm với chính sách

Từ chủ trương chính sách đến việc triển khai thực hiện là một khoảng cách lớn và đôi khi lại bị tác dụng ngược. Thực tế cũng đã có nhiều chính sách đưa ra để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông như giảm mật độ dân số trong nội đô. Tuy nhiên thực tế chẳng cơ quan, trường học nào chịu dời đi mà lại biến thành hai trụ sở. Khi một khu tập thể cũ năm tầng bị phá bỏ thì lại mọc lên những tòa nhà năm chục tầng. Khi một nhà máy được dời đi thì lại có một khu đô thị mới hoành tráng mọc lên... Vậy là mật độ dân số không giảm mà lại tăng.

Các khu đô thị vùng ven mọc lên như nấm nhằm mục đích giãn dân, song vô tình lại làm cho mật độ giao thông tăng lên do con người phải di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc và thường là trong đô thị khiến tắc đường ngày thêm trầm trọng.

Phát triển ôtô sẽ đi kèm với nhiều hệ lụy mà các nhà nghiên cứu chính sách chưa thể lường hết được nên không ai dại gì mua thêm việc trong khi các chính sách hiện tại vẫn chưa phát huy được tác dụng như mong muốn.

Thị trường ô tô vẫn đang tăng trưởng tốt

Ở nước ngoài nhất là các nước phát triển, mua xe nhiều không hẳn do thu nhập của họ cao hơn người Việt mà do thói quen tiêu dùng chi phối. Người ta có thể vay tín dụng để mua ôtô hoặc mua trả góp… Việt Nam là nước dân số trẻ, những người trẻ sẽ dần học cách tiêu dùng hiện đại nên ngày càng có nhiều người mua xe mà không cần phải có thời gian tích lũy.

Mặt khác, khi quan niệm của người dân dần thay đổi, sẽ đến lúc mọi người đều coi ôtô cũng chỉ là phương tiện để đi lại thì sẽ có nhiều hãng xe, dòng xe giá rẻ gia nhập thị trường. Điều này sẽ tạo điều kiện cho rất nhiều người có cơ hội để sở hữu ôtô cá nhân.

Nhà nước sẽ và chỉ khuyến khích phát triển ôtô khi thị trường gặp khó khăn. Tuy nhiên năm 2013 và 2014 chưa phải là năm khởi sắc của nền kinh tế mà tốc độ tăng trưởng ôtô đã đạt 19 và 43%. Những năm tới đây, khi kinh tế khởi sắc cộng với tâm lý tiêu dùng thay đổi… thì tốc độ tăng trưởng ôtô sẽ giữ nguyên hoặc cao hơn mức trên cũng là điều hiển nhiên. Một thị trường đang có tốc độ tăng trưởng tốt như vậy thì nhà nước không có lý gì để phải khuyến khích phát triển hơn nữa trong khi chưa thể tính toán được hết những hệ lụy và hậu quả của sự thay đổi đó mang lại.

Không phải ai cũng đồng tình

Chính sách gì thì cũng phải phục vụ đa số người dân. Những người mong muốn phát triển ôtô chỉ là con số ít ỏi. Đó là những người buôn bán xe, sửa chữa xe và những người chuẩn bị mua xe…

Ngược lại, có rất nhiều người không muốn phát triển ôtô. Đó là những người dân có thu nhập vừa hoặc thấp vì giá xe ôtô có rẻ đến mấy thì họ cũng chưa thể mua được, những người già đã quá tuổi để lái xe… Ngoài ra còn có một lượng lớn người không đồng tình, chính là những người đã có ôtô, vì họ không muốn chiếc xe của mình bị giảm giá đồng thời lại bị tắc đường thêm nữa…

Và quan trọng nhất là lãnh đạo các bộ, ban, ngành và địa phương đều không ai thích điều này vì nếu để xảy ra tắc đường thì chính họ là những người phải đứng ra để chịu trách nhiệm.

Tóm lại là có rất nhiều lý do để các nhà quản lý và hoạch định chính sách quyết định không khuyến khích phát triển ôtô cá nhân trong giai đoạn hiện tại. Vậy nên, nếu ai đang có ý định mua xe thì đừng nên trông chờ vào sự thay đổi của chính sách. Hãy mua xe ngay khi bạn đã có đủ đam mê và tiền bạc vì biết đâu chỉ trong một vài năm tới, các nhà quản lý lại sẽ phải đưa ra các giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ để hạn chế sự phát triển của ôtô cá nhân.

Theo Trung Hiếu (VnExpress)

Ý kiến đánh giá (3)


Có thể bạn quan tâm