Chủ Nhật, 19/01/2025 | 07:21
16:01 |
Ôtô nhập khẩu: Nào, mình cùng tăng giá!
Một đợt tăng giá mạnh mẽ trên thị trường ôtô nhập khẩu đang chuẩn bị diễn ra, do những thay đổi của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Chuông báo thức” Ford Everest
Kỷ lục về sức mua ôtô vừa được thiết lập bởi tháng áp chót 2015. Theo báo cáo của Hiệp hội Các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng lượng ôtô bán ra trên toàn thị trường tháng 11/2015 đạt 29.706 chiếc, tăng đến 33% so với tháng liền trước và tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cách tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới chuẩn bị có hiệu lực đang cưỡng bức các loại xe CBU buộc phải điều chỉnh tăng giá bán.
Giấc mộng màu hồng đang bao trùm thị trường ôtô. Thế nhưng, sự xuất hiện của mẫu xe đa dụng 7 chỗ ngồi Ford Everest thế hệ hoàn toàn mới đã đánh thức tất cả.
Cách đây nửa năm, khi những thông tin về mẫu xe rất được chờ đợi này bắt đầu được công khai từ tập đoàn ôtô Mỹ, mức giá bán lẻ được đồn đoán chỉ vào khoảng 900 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng tuỳ từng phiên bản. Với sự lột xác hoàn toàn về thiết kế và đặc biệt là những công nghệ mới trang bị kín đặc trên xe thì khoảng giá của Everest hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Nhưng đời vốn không như mơ. Hẳn đã không ít người tiêu dùng giật mình với mức giá bán lẻ 1,249 tỷ đồng của phiên bản Trend AT 2.2L 4x2 và mức giá 1,629 tỷ đồng của phiên bản cao cấp nhất Titanium AT 3.2L 4x4 vừa được Ford Việt Nam công bố.
Vậy nguyên cớ là gì?
Có hai điểm lưu ý liên quan đến mức giá giật mình của Ford Everest hoàn toàn mới.
Trước hết, thay vì lắp ráp trong nước như thế hệ trước, Everest mới sẽ được Ford Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Có nghĩa là, cơ cấu giá của Everest sẽ thay đổi cơ bản so với trước đây, từ chi phí sản xuất đến tỷ lệ thuế trong giá bán và những chi phí khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiếp theo, thời điểm Everest bắt đầu có mặt trên thị trường là từ tháng 1/2016. Điều này đồng nghĩa Everest sẽ phải chịu cách tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới. Đây chính là tác động lớn nhất biến Everest trở thành chiếc “chuông báo thức” cho cơn ngủ quên của thị trường thời gian này.
Tăng giá cưỡng bức
Trên thực tế, nguy cơ tăng giá ôtô nhập khẩu đã được cảnh báo từ cách đây hai tháng.
Cụ thể là ngày 28/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016.
Theo nghị định này, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) sẽ được tính trên giá bán buôn của nhà nhập khẩu kể từ ngày 1/1/2016 thay cho cách tính trên giá CIF + thuế nhập khẩu trước đây.
Có nghĩa là, giá bán lẻ ôtô CBU kể từ năm tới sẽ được tính trên cả những chi phí khác lẫn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tính toán sơ bộ cho thấy, với cách tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới, giá bán lẻ ôtô CBU từ ngày 1/1/2016 sẽ đội lên khoảng 15-30% so với hiện nay, tuỳ chủng loại, xuất xứ và dung tích xi-lanh động cơ.
Trở lại với “chiếc chuông” Ford Everest. Hãng xe này từng có thời điểm tuyên bố nâng cao phân khúc cạnh tranh cho Everest Tuy nhiên, cũng rất dễ nhận thấy rằng mức giá bán lẻ đầy “xúc cảm” của Everest đã được Ford Việt Nam tính theo sự thay đổi của chính sách. So sánh giữa khoảng giá dự đoán trước đây và giá bán thực tế vừa công bố, rõ ràng sự chênh lệch là khá phù hợp dựa trên những thay đổi về cách tính giá tính thuế mới.
Thế thì, xem ra những so sánh giữa giá bán lẻ của Everest mới với mức giá của vài đối thủ hiện có trên thị trường như Toyota Fortuner, Hyundai SantaFe hay Mazda CX-9 là một sự nhầm lẫn.
Thử suy luận đơn giản, chỉ cần cộng thêm 15-30% vào giá do tác động của chính sách thuế mới thì giá bán lẻ của các mẫu xe khác sẽ hoàn toàn thay đổi. Chưa kể, với nhưng cải tiến mạnh mẽ của thế hệ hoàn toàn mới, chẳng hạn như chiếc Toyota Fortuner đang trên đường về Việt Nam, thì giá bán lẻ sẽ không còn thấp như cũ.
Rõ ràng, cách tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới chuẩn bị có hiệu lực đang cưỡng bức các loại xe CBU buộc phải điều chỉnh tăng giá bán. Tất nhiên, tỷ lệ tăng giá của từng mẫu xe, từng thương hiệu sẽ khác nhau tuỳ theo chiến lược kinh doanh và kể cả khả năng “chịu nhiệt” của từng hãng xe.
Thực tế thì bản thân thị trường cũng đã có những phản ứng rất rõ rệt trước nguy cơ tăng giá. Không phải ngẫu nhiên mà lượng xe CBU nhập khẩu về nước trong tháng 11/2015 tăng đột biến đến 95% so với tháng liền trước, lên mức 12.577 chiếc và không còn khoảng cách quá xa với sản lượng bán hàng 17.129 chiếc của xe lắp ráp trong nước (CKD).
Theo Đức Thọ (VnEconomy)
Ý kiến đánh giá (13)