Thứ Bảy, 23/11/2024 | 02:21
11:03 |
6 chính sách ô tô xe máy có hiệu lực từ 1/1/2016
Thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô; giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN; phạt nếu ô tô không có bình chữa cháy; cấp giấy phép lái xe số tự động; dừng thu phí đường bộ với xe máy…là những chính sách nổi bật liên quan đến ô tô xe máy có hiệu lực từ 1/1/2016.
1-Thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô
Đây được xem là một trong những thay đổi lớn nhất trên thị trường ô tô Việt Nam kể từ 1/1/2016, khiến giá bán của hàng loạt xe nhập khẩu nguyên chiếc bị điều chỉnh tăng.
Cụ thể, ngày 28/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB; ngày 24/11/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 195/2015/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 108/2015/NĐ-CP, cả hai văn bản cùng có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Giá nhiều mẫu xe tăng do cách tính thuế TTĐB mới.
Theo đó, đối với cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Giá vốn xe nhập khẩu bao gồm: Giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu (nếu có) + thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nhập khẩu. Trường hợp giá bán của cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Đối với cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại để so sánh là giá bán xe ô tô chưa bao gồm các lựa chọn về trang thiết bị, phụ tùng mà cơ sở kinh doanh thương mại lắp đặt thêm theo yêu cầu của khách hàng.
Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
2- Thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm10% xuống 40%
Theo Thông tư số 165/2014/TT-BTC ban hành ngày 14/11/2014 và có hiệu lực từ 1/1/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN giảm từ 50% năm 2015 xuống 40% kể từ ngày 1/1/2016; giảm xuống 30% từ ngày 1/1/2017 và giảm xuống 0% vào 1/1/2018.
Thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN giảm xuống 40% kể từ 1/1/2016
3- Giảm thuế 8 dòng xe theo cam kết WTO
Theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/1/2016, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm nhẹ theo cam kết WTO. Cụ thể, 8 mặt hàng ô tô có mức giảm từ 2% đến 4%, bao gồm: Xe ô tô có nội thất được thiết kế như căn hộ (mã 8703.23.40), xe dung tích xi lanh trên 2.500 cc (mã 8703.23.94), xe bốn bánh chủ động (mã 8703.24.51), xe loại dung tích xi lanh trên 3.000 cc, xe ô tô (kể cả xe chở người có khoang chở hành lý chung (station wagons), SUV và xe thể thao nhưng không kể xe van), loại khác (trừ dạng CKD) (mã 8703.24.59), xe ô tô có nội thất được thiết kế như căn hộ (mã 8703.24.70), xe bốn bánh chủ động (mã 8703.24.91), xe loại dung tích xi lanh trên 3.000 cc, loại khác (trừ dạng CKD) (mã 8703.24.99), xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa có tổng trọng lượng có tải tối đa không quá 5 tấn.
4- Chủ xe bị phạt nếu ô tô không có bình chữa cháy
Theo Thông tư số 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ 6/1/2016 hướng dẫn trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy (PCCC) cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc đối tượng trang bị phương tiện PCCC bao gồm ô tô 4 chỗ trở lên, xe rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc chở khách hoặc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo và xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ.
Chủ xe phải trang bị bình chữa cháy từ 6/1/2016
Trong đó, ô tô từ 4-9 chỗ ngồi phải trang bị bình bột chữa cháy loại dưới 4kg hoặc bình bọt chữa cháy loại dưới 5 lít, hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 chữa cháy loại dưới 4kg. Trường hợp chủ xe không tuân thủ quy định sẽ bị phạt tiền từ 300 -500 nghìn đồng.
5- Cấp giấy phép lái xe số tự động
Kể từ thời điểm đăng ký 01/01/2016, các trung tâm sát hạch lái xe được phép tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho các học viên. Theo đó, hạng B1 số tự động được cấp cho người học lái xe nhưng không hành nghề, cụ thể là: xe số tự động chở người tối đa 9 chỗ ngồi (kể cả người lái), ô tô tải có hộp số tự động chuyên dùng có tải trọng thiết kế dưới 3,5 tấn. Đồng thời, người có bằng lái ô tô số tự động sẽ không được điều khiển ô tô số sàn.
Cấp bằng lái xe số tự động từ 1/1/2016
Được biết, theo quy định, thời gian học lấy giấy phép B1 cũng rút ngắn so với bằng B2. Cụ thể, người học lái xe số tự động cũng có 136 giờ học lý thuyết nhưng thời gian thực hành là 340 giờ, giảm so với 420 giờ của số sàn. Nếu tính theo ngày, việc học lái xe số tự động sẽ chỉ mất 76 ngày, giảm 12 ngày so với học lái xe số sàn.
6- Dừng thu phí đường bộ với xe máy
Tại buổi họp phiên thường kỳ tháng 9/2015 của Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã nhất trí đề xuất tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy trên cả nước từ ngày 1/1/2016 của Bộ GTVT.Nguyên nhân của việc tạm dừng là do trong 3 năm thu phí, số tiền thu được không cao. Trong 2 năm 2013 và 2014, mỗi năm chỉ thu được trên 550 tỷ đồng, còn trong nửa đầu năm nay chỉ được gần 175 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt đối với các trường hợp không nộp phí chưa khả thi.
Dừng thu phí đường bộ với xe máy từ 1/1/2016
Trước đó, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí đối với xe máy từ ngày 1/1/2016 và sửa nghị định để bỏ thu phí xe máy như kiến nghị của hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương trước đó. Bộ Tài chính nhận định: thực tế việc triển khai thu phí đối với môtô (gồm môtô và xe máy) gặp nhiều khó khăn do: môtô là tài sản di động, không bắt buộc phải đăng kiểm lưu hành, người sử dụng xe không bắt buộc là chủ sở hữu nên rất khó kiểm soát và thu phí, đặc biệt trường hợp chủ xe (sinh viên, lao động tự do...) đăng ký ở địa phương này nhưng mang xe đến địa phương khác sử dụng. Mặt khác, chế tài xử phạt còn hạn chế nên chủ xe không chấp hành nộp phí dẫn đến số phí thu được thấp, không công bằng về trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc nộp phí, hiệu quả thu phí không cao.
Theo Phương Vũ (VnMedia)
Ý kiến đánh giá (5)