09:55  | 

“Dở khóc, dở cười” chuyện lái xe về làng ăn tết

Dịp tết Nguyên đán, nhiều người “đánh xe” về quê, đi thăm họ hàng và gặp những chuyện dở khóc, dở cười.

Ở các vùng nông thôn ngày nay đã văn minh hơn rất nhiều, song, vẫn còn những thứ văn hóa làng xã cố kết đến nay chưa thay đổi được. Đó là cái bệnh sĩ khi có người nhà trên phố lái ôtô về thăm, là cái tính nhiệt tình nhưng lau tau “cầm đèn chạy trước ôtô” của người nông dân chân chất. Hoặc đơn giản hơn là chuyện đâm con gà, chèn con vịt, bé xé ra to rất rách việc.

Anh Phạm Ngọc Khái (quê Thái Bình) cho biết: “Năm nay mình mua được chiếc ô tô cũng bình thường, gọi là có phương tiện đi lại và đỡ vất vả lúc nắng mưa. Về quê ăn tết, ông cụ thân sinh ở nhà xem ra tự hào lắm. Nên đi đâu chúc tết cũng yêu cầu chở đi. Xa gần đi tuốt. Thế là cả tết cứ nhong nhong cái xe đi khắp xã, sang xã bên, về quê ngoại. Có ôtô thành ra tết không được nghỉ ngơi. Đến khổ chỉ vì phục vụ cho khâu oai của ông cụ”.

“Chưa hết. Lúc đi chúc tết. Có khách đi xe hơi về quê thì cả họ mừng, ai cũng muốn đỗ xe vào tận cổng nhà mình. Mình đã cẩn thận hỏi trước là xe có vào được không và có quay đầu được không thì ai cũng bảo vào được. Vào được rồi thì tìm mãi không thấy chỗ quay đầu. Lúc về mất cả nửa tiếng mới ra được khỏi đường làng dài gần 2 cây số vì cứ phải lùi, phải căn chỉnh từng tí. Đúng là kỉ niệm nhớ đời” – Anh Khái kể thêm.

“Dở khóc, dở cười” chuyện lái xe về làng ăn tết o-to-ve-lang.jpgÔtô về làng (Ảnh minh họa, nguồn: Vnphoto)

Cũng là chuyện quay đầu đường làng, anh Nguyễn Văn Ngọc (Hà Nội) kể: “Vừa rồi mình cũng là “nạn nhân” của một vụ lái xe vào làng mà lúc ra đi khảo sát hết mà không thấy chỗ quay đầu. Nếu cứ thế lùi xe ra thì xa quá nên đành mua cả một vườn khoai lang trong xóm, phá rào để quay đầu. Khổ cái là lúc đầu ai cũng bảo có chỗ quay đầu, đến khi họ chỉ cho mình thì chỗ đó chỉ vừa một cái xe công nông 3 bánh”.

Do vậy, theo anh Ngọc, lái xe vào làng, ngoài việc cần hỏi kĩ có chỗ quay đầu còn phải biết hỏi ai là chính xác nhất. Tốt nhất là nên hỏi lái xe địa phương trước khi đưa xe vào làng. Không phải người nông thôn không thật thà, đôi khi sự hãnh diện và sự nhiệt tình của họ lại làm khó cho mình.

Đó là chuyện chỉ chỗ quay đầu. Chuyện nhờ người làng xi-nhan thì cũng phải rất cẩn trọng. Anh Nguyễn Văn Tuân (Lái xe taxi hãng Mỹ Đình, quê ở Thanh Hoá) kể: “Hôm rồi về quê, lùi xe ra nhờ ông anh họ xi-nhan. Tầm nhìn khuất, thấy ông anh hướng dẫn thế nào thì mình lùi theo thế. Kết quả là bánh sau rơi trọn xuống cống, phải huy động gần chục người khiêng xe lên. Có thế người xi-nhan không biết lái nên xi-nhan không chuẩn”.

Anh Tuân cho biết thêm, ở vùng quê văn minh thì không sao, chỗ hẻo lánh như quê anh, trẻ nhỏ thấy ôtô lạ mắt, tò mò có khi chạy ra sờ mó, lấy cành cây, viên gạnh vẽ lên cửa xe. Thậm chí trèo lên kính chắn gió chơi cầu trượt. Do đó, tết nhất khi về quê, tốt nhất là nên để mắt đến xe, nếu có việc thì phải nhờ người trông để khỏi gặp những rắc rối không đáng có.

Một điều nữa là hãy cẩn thận với các nắp cống, nắp rãnh thoát nước. Ở quê "xi măng không cốt thép" phổ biến, mép ruộng cũng vậy. Nên tránh xa nếu không muốn cho xe bị sa lầy.

Lái xe về làng còn phải đối mặt với súc vật. Anh Tạ Văn Chiến (Tuyên Quang) chia sẻ: "Hôm mùng 2 tết tôi lái xe xuống Phú Thọ chơi. Đi vào làng người ta tâm tâm niệm niệm là đề phòng tránh chó, gà. Thế quái nào vận rủi gặp ngay nhà đang đuổi gà, cắt tiết làm cơm. Con gà bị đuổi, bức quá phộc ngay ra đường lao thẳng vào bánh xe tôi. Tay chủ nhà cùng dăm bảy đứa con, cháu lại thêm vài ba ông hàng xóm ra chặn xe tôi rồi “mừng tuổi” cho mấy cái bạt tai, “bắt đền” 400 nghìn con gà chết. Ức quá mà chẳng làm gì được vì mình “lạ nước, lạ cái”, gọi người thân ra thì không đáng nên đành giúi tiền mà đi cho qua chuyện”.

“Lái xe trên đường làng là thế. Không chỉ tôi gặp. Nhiều anh em kể lại những chuyện mà cười ra nước mắt. Thế nên cũng phải biết mà lựa, mà tránh” - anh Chiến kết luận.

Thế Đạt (TTTĐ)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm