Thứ Sáu, 22/11/2024 | 20:27
07:30 |
Đi xe máy, sửa ở đâu cũng lo
Đi xe máy, việc bảo dưỡng – sửa chữa là chuyện đương nhiên. Nhưng vấn đề là người tiêu dùng giờ không biết mang xe đến đâu để sửa.
Nhỏ cũng lo…
Ở đâu cũng vậy, từ các thành phố lớn đến các tỉnh lẻ, lượng xe máy tăng cao nên các cửa hàng sửa chữa cũng vì thế mà “mọc như nấm sau mưa”. Các cửa hàng nhỏ, tự phát kiểu “một thầy, một thợ” xuất hiện khắp mọi nơi. Mặt đường lớn, ngỏ nhỏ, trong khu đông dân cư đều có cả.
Nhiều người dân thường tìm đến cửa hàng kiểu này vì gần nhà mà giá lại rẻ hơn so với việc mang xe đi bảo dưỡng ở các trung tâm lớn. Thế nhưng, cái sự rẻ đó cũng có năm bảy đường khác nhau.
Một số cửa hàng sửa chữa xe máy nhỏ do lượng khách ít nên cứ gặp khách (nhất là khách vãng lai) là “chém” đẹp
Anh Trần Minh – một thợ sửa xe lâu năm trong nghề cho hay: “Một số cửa hàng sửa chữa xe máy nhỏ do lượng khách ít. Nên cứ gặp khách (nhất là khách vãng lai) là “chém” đẹp”.
“Gặp người thợ tốt thì may chứ gặp các “tay” thợ chộp giật là y như rằng bị “vào tròng”. Nếu khách hàng thiếu hiểu biết sẽ rất dễ dàng bị họ qua mặt, thay vì dùng đồ chính hãng sẽ tráo bằng đồ liên doanh hoặc đồ Trung Quốc. Thậm chí, xe bạn có thể bị “luộc” đồ nếu không cảnh giác” – Anh Minh cho biết thêm.
Các xe có giá trị lớn như SH, Vespa càng có nguy cơ cao. Những phụ tùng bị “luộc” ở xe Nhật thường là: xi-lanh, giảm xóc, nhông xích, sên đĩa, bộ lọc gió, IC và bình điện, máy đề, bình xăng con… Xe đã bị “luộc” sẽ chuốc lấy những căn bệnh thường gặp ở xe Trung Quốc như: nghẹt xăng, tăng tốc không được, tốc độ không ổn định, hay chết máy…
Nếu kết cấu máy móc và phụ tùng bên ngoài bị thay đổi quá nhiều, bằng những chi tiết kém chất lượng, người đang vận hành xe có thể gặp nguy hiểm, vì những hỏng hóc bất ngờ của chúng như: gãy giảm xóc, vỡ vòng bi, đứt xích tải. Khi đó, khách hàng cũng chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay vì phụ tùng thì đã thay, tiền đã đưa mà xe cũng chưa hư hỏng ngay, thậm chí phải vài ba tháng sau mới phát hiện ra.
… To cũng sợ
Lo các cửa hàng xe máy nhỏ, lẻ không đảm bảo uy tín, nhiều người “gửi gắm” chiếc xe thân yêu tại những cửa hàng lớn với niềm tin sẽ được phục vụ một cách chu đáo nhất, dù biết là giá thành chắc chắn sẽ cao hơn.
Với thiết bị máy móc hiện đại, bảng giá niêm yết đàng hoàng, phục vụ chu đáo, thậm chí được bảo hành trong thời gian nhất định, thế nhưng, nhiều trung tâm sửa chữa lớn (chính hãng hoặc không chính hãng) vẫn khiến khách hàng không thể tin tưởng.
Các trung tâm, cửa hàng sửa xe máy lớn bây giờ thường có xu hướng thay nhiều hơn sửa
Anh Nguyễn Cảnh Lâm (Thanh Trì, Hà Nội) mang chiếc xe Liberty cũ của mình đi bảo dưỡng tại một cửa hàng chính hãng trên đường Lê Duẩn. Do bận bịu, lại tin tưởng đây là trung tâm dịch vụ chính hãng nên anh yên tâm giao xe cho nhóm nhân viên và đi giải quyết công việc.
Tuy nhiên, đến khi nhận xe thì anh mới “tá hỏa” khi hóa đơn lên đến 2,5 triệu đồng, với một danh sách các phụ tùng được thay mới. Anh Lâm cho biết, có những phụ tùng mình không yêu cầu thay nhưng họ vẫn thay với lý do bộ phận đó đã hỏng và thay cho đúng quy trình bảo dưỡng. Hơn nữa, mình cũng không nghĩ loại phụ tùng đó lại đắt đến thế.
Theo nhiều người làm nghề sửa xe Hà Nội, những đại lý, trung tâm, cửa hàng lớn bây giờ thường có xu hướng thay nhiều hơn sửa. Một phần do các nhân viên “ngại” sửa chữa tỉ mẩn mất thời gian trong khi lượng khách chờ nhiều, nhưng phần lớn là do bán được linh kiện thì lãi hơn sửa chữa.
Cần lắm những địa chỉ uy tín để người dùng yên tâm mang xe đến sửa chữa
Một đại diện của trung tâm bảo hành sửa chữa cho biết: “Đúng là tiêu chuẩn của chính hãng bao giờ cũng cao hơn các cửa hàng nhỏ lẻ, nên ít khi khôi phục lại phụ tùng cũ. Lý do ở đây là đảm bảo an toàn cho khách hàng và chiếc xe. Ví dụ, khi má phanh hoặc côn ba búa mòn thì phải thay nhưng cửa hàng nhỏ thường khôi phục bằng cách dán lại các miếng bố để sử dụng tốt. Như thế khách hàng sẽ phải trả ít tiền, nhưng thực tế khách hàng đang phải đối mặt với nguy hiểm do má phanh hoặc côn dán lại sẽ không đảm bảo, hoặc trượt hoặc bị dính”.
Tuy nhiên, mức độ hư hỏng thế nào, có cần thiết phải thay hay chỉ cần sửa chữa thì khách hàng phải sáng suốt cân nhắc. Có rất nhiều trục trặc chỉ tốn vài chục ngàn đồng sửa chữa nhưng bạn lại phải bỏ ra chi phí gấp hàng chục lần, và quan trọng hơn cả, là nhân viên sửa xe phải có trách nhiệm thông báo chi phí cho khách hàng trước khi tiến hành sửa chữa.
Thế mới có chuyện, người đi xe máy gặp lúc xe hỏng hoặc đến thời kỳ bảo dưỡng mà chẳng biết mang xe vào đâu. Đâu cũng sợ tráo đồ, chặt chém. “Nhỏ cũng lo… mà to cũng sợ”. Cần lắm những địa chỉ uy tín để người dùng yên tâm mang xe đến sửa chữa.
Khánh An (trithucthoidai)
Ý kiến đánh giá