Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:32
08:19 |
Tương lai nào cho thị trường xe máy Việt?
Việt Nam là thị trường tiêu thụ xe máy hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo dự báo của GS. TS Phạm Xuân Mai, thị trường sẽ bão hòa vào năm 2020 và dần chuyển dịch sang sử dụng ôtô.
Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế về Ô tô, Xe máy, Xe đạp điện và Công nghiệp phụ trợ lần thứ 12 đã diễn ra buổi Hội thảo bàn luận về “Thực trạng giao thông đô thị và sự phát triển của ô tô, xe máy và công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam”. Người phát biểu chính là GS. TS Phạm Xuân Mai, Trưởng bộ môn Ô tô ĐH Bách khoa TP. HCM cùng sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp, khách mời và báo chí.
Theo GS. TS Phạm Xuân Mai, hiện tổng số phương tiện đường bộ tại Việt Nam là 44,85 triệu chiếc. Trong đó có 0,9 triệu ô tô du lịch; 0,95 triệu xe tải và xe bus. Xe gắn máy chiếm 95,8% với 43 triệu chiếc. Nếu xét theo tỷ lệ, cứ 1.000 người thì có đến 480 xe máy (cao nhất thế giới).
Đối với riêng Tp. HCM, lượng xe gắn máy hiện có trên 7,5 triệu chiếc, tăng trung bình 10%/năm. Xét theo tỷ lệ, Tp. HCM cao hơn bất cứ thành phố nào trên thế giới, ở mức 930 xe/1.000 người. So với các thành phố có mức cao khác như Taipei - Đài Loan (350 xe/1.000 người), Bangkok - Thái Lan (265 xe/1.000 người), New Dehli - Ấn Độ (175 xe/1.000 người) và Jakarta - Indonesia (160 xe/1.000 người).
Thành công của thị trường xe máy có nhiều lý do. Đầu tiên là thu nhập của người Việt Nam còn thấp. Lấy số liệu năm 2013, GDP Việt Nam là 1.901 USD/người, đứng thứ 133 toàn cầu. Trong khi ở khu vực, một số nước như Indonesia (3.510 USD/người), Thái Lan (5.676 USD/người) hay Malaysia (10.457 USD/người) cao hơn nhiều. Hơn nữa, ô tô ở Việt Nam bị đưa vào danh mục hạn chế với thuế phí cao. Do vậy mà xe máy trở thành phương tiện di chuyển chính. Còn các nước khác trong khu vực, thuế phí được ưu đãi, ô tô thuộc diện khuyến khích sử dụng.
Yếu tố tiếp theo là điều kiện giao thông. Tại Việt Nam, Tp. HCM và Hà Nội là 2 siêu đô thị. Dù vậy cơ sở hạ tầng giao thông khá yếu kém. Diện tích đất dành cho giao thông chỉ đạt 7% - 9% so với tiêu chuẩn là 20% - 25%. Tỷ lệ đường cao tốc trên cả nước cũng rất thấp nếu so sánh với nước ngoài. Tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chỉ ở mức 2%, trong khi tốc độ tăng trưởng ô tô, xe máy khoảng 10%/năm.
Điều này sinh ra một hệ quả tất yếu, đó là ùn tắc giao thông khiến cho việc di chuyển bằng ô tô là trở ngại. GS. TS Phạm Xuân Mai nói thêm, dù sở hữu xe ô tô, nhưng khách hàng thường mua thêm xe máy để di chuyển do tình trạng kẹt xe. Sau năm 2018, những khách hàng thuộc nhóm này càng tăng.
Nghe tưởng chừng như tương lai thị trường xe máy vẫn còn nhiều hi vọng. Nhưng thực tế lại đang đi xuống trong nhiều năm trở lại đây, dù mức giảm còn chậm. Cụ thể như năm 2012, lượng tiêu thụ toàn ngành là hơn 3,11 triệu xe, thì đến năm 2014 chỉ còn 2,71 triệu xe. Vị GS. TS còn dự báo rằng: “Thị trường xe máy sẽ đi dần bão hòa từ năm 2020, lúc này lượng xe máy lưu hành tại Việt Nam vào khoảng 55 triệu chiếc.”
Đến lúc đó, thị trường xe máy phát triển tập trung ở vùng nông thôn. Thành thị vẫn có doanh số nhất định nhưng không còn nhiều. Phương tiện đi lại chính của người thu nhập cao sẽ là ô tô do đường xá được cải thiện. Trong khi người thu nhập thấp chọn phương tiện công cộng. Bởi khi hệ thống giao thông công cộng hoàn thành (6 tuyến tàu điện ngầm, 3 tuyến tàu điện và 25 tuyến BRT), nó sẽ giải quyết được 35-40% nhu cầu đi lại của người dân tại Hà Nội và TP. HCM.
Theo Quy hoạch phát triển của Tp.HCM, năm 2020, thành phố này sẽ phải có đến 2,7 triệu ô tô du lịch. Tỷ lệ người sở hữu ô tô là 18-20% với GDP đầu người là 5.000 USD/năm.
“Giai đoạn ô tô hóa tại Việt Nam sẽ diễn ra từ năm 2020 đến 2030. Với khởi đầu là 40 xe ô tô/1.000 người sau đó sẽ tăng khoảng 70 xe ô tô/1.000 người. Tức là khoảng 6,3 triệu xe trên cả nước. Và ô tô sẽ dần trở nên phổ cập tại Việt Nam.” – GS. TS Phạm Xuân Mai khẳng định.
Thế Anh (Trithucthoidai)
Ý kiến đánh giá