Thứ Bảy, 18/01/2025 | 19:23
11:06 |
Ôtô Ấn Độ 84 triệu đồng: Tìm mua xế hộp rẻ nơi đâu?
Ôtô Ấn Độ nhập về Việt Nam có giá rẻ nhất trong số các thị trường. Còn ôtô Indonesia về Việt Nam đã tăng đột biến.
Mức giá trung bình xe Ấn Độ về đến cảng Việt Nam là 84 triệu, xe Indonesia 265 triệu. Tuy nhiên, đó mới là giá nhập khẩu, đến khi chiếc xe ra thi trường còn phải chịu nhiều khoản thuế phí và mức giá đến người tiêu dùng có thể gấp hơn 3 lần. Xe ôtô đã giảm giá nhưng để có một xế hộp rẻ là điều không dễ dàng với người Việt.Cái giá thấp nhất trên thị trường hiện nay cũng trên 400 triệu đồng cho một chiếc xe chở khách dưới 9 chỗ.
Ôtô Ấn Độ giá rẻ nhất
Tổng cục Hải quan cho hay ôtô Ấn Độ nhập về Việt Nam có giá khai báo hải quan (chưa bao gồm các loại thuế) trung bình là 84 triệu đồng/chiếc.
Ôtô nhập từ Ấn Độ có giá rất thấp
Theo số liệu sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, ôtô nguyên chiếc nhập từ Ấn Độ về từ đầu năm đến ngày 15/3/2017 là 4.781 chiếc, trong đó chủ yếu là ôtô dưới 9 chỗ, chỉ có duy nhất 1 ôtô tải.
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì lượng ô tô dưới 9 chỗ từ Ấn Độ về đã tăng khá mạnh. Cùng kỳ năm ngoái chỉ có 970 chiếc được nhập về.
Cả năm 2016, đã có hơn 21.100 ôtô con từ Ấn Độ nhập về Việt Nam với giá trung bình 84,6 triệu đồng/chiếc (chưa bao gồm thuế phí). Năm 2015, số xe nhập về từ thị trường này cũng lên tới hơn 25.000 chiếc với mức giá trung bình là 87 triệu đồng/chiếc (chưa bao gồm thuế phí).
So với cùng thời gian năm 2016, ô tô Ấn Độ đổ về đã tăng 3,3 lần về lượng, và tăng 67% về trị giá. Giá xe ô tô Ấn Độ nhập về Việt Nam có giá khai báo hải quan (chưa bao gồm các loại thuế) trung bình là 84 triệu đồng/chiếc.
Tổng cục Hải quan cho hay mức giá khai báo này tương tự mức giá bình quân của năm 2016 và năm 2015.
Ôtô Indonesia tăng đột biến
Lượng ôtô ASEAN trong 2 tháng đầu năm 2017 là 8,8 nghìn chiếc, tăng 62,3% so với cùng thời gian năm 2016. Trong đó hai thị trường trong ASEAN xuất khẩu ô tô nguyên chiếc sang Việt Nam là Thái Lan và Indonesia.
Đơn giá bình quân ôtô nhập về Việt Nam năm 2016 và 2 tháng năm 2017. Nguồn: TCHQ
Đặc biệt, đầu năm 2017, thị trường ôtô Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ của ôtô Indonesia với mức tăng chóng mặt.
Theo Tổng cục Hải quan, xe ôtô nguyên chiếc các loại xuất xứ từ Indonesia được nhập về trong 2 tháng năm 2017 tăng mạnh tới 342,1% về lượng, và tăng 561,4% về trị giá so với cùng thời gian năm 2016.
2 tháng năm 2017 đã có 3.108 xe ôtô các loại nhập từ Indonesia về Việt Nam. Trong đó có 2.544 xe ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Giá xe dưới 9 chỗ trung bình từ Indonesia là 12.000 usd, khoảng 265 triệu chưa bao gồm các loại thuế phí. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước ôtô Indonesia nhập về chỉ là 2 chiếc.
Đáng chú ý, sự lên ngôi của ôtô con từ Indonesia trái ngược với lượng xe tải nhập về thị trường này. 2 tháng đầu năm lượng xe tải Indonesia nhập về là 564 chiếc, trị giá hơn 4 triệu USD, giảm 19,4% về lượng và 44,1% về trị giá so với cùng thời gian 2016.
Thái Lan tiếp tục là thị trường nhập khẩu xe lớn nhất của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017. Song lượng xe nhập về nhiều nhất lại là xe tải.
Trong đó, 2 tháng năm 2017 đã có 2.658 ôtô con Thái Lan nhập về Việt Nam. Ôtô con Thái Lan nhập về Việt Nam trong thời gian này có đơn giá bình quân gần 390 triệu đồng/chiếc, tăng mạnh so với đơn giá bình quân hơn 240 triệu đồng/chiếc của năm 2016.
Tuy nhiên, xe tải mới là loại xe có số lượng nhập khẩu lớn nhất chiếm 53,3% trong tổng lượng xe nguyên chiếc các loại nhập khẩu từ Thái Lan, với 3.044 chiếc, trị giá 61 triệu USD, giảm 5,9% về lượng, và giảm 6,5% về trị giá so với cùng thời gian năm 2016.
Các thị trường nhập ôtô chính của Việt Nam năm 2016 và đầu 2017. Nguồn: TCHQ
Một trong những lý do được các DN chỉ ra là do thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN đã giảm từ 40% xuống còn 30%. Nhiều hãng xe ô tô trong nước cũng đã đẩy mạnh nhập khẩu thay vì sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam.
Phân tích số liệu thống kê nhập khẩu của Việt Nam và số liệu sản xuất, bán hàng của các nước ASEAN, Bộ Công Thương cho hay dường như các tập đoàn ôtô có kế hoạch tăng sản lượng tại Indonesia và Thái Lan để xuất khẩu sang Việt Nam, chỉ duy trì sản xuất ở Việt Nam với mức thấp. Hoặc cũng có thể đây là chiến lược trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường, chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất sau này khi quy mô thị trường trong nước Việt Nam đủ lớn, tuy nhiên đây không phải là xu thế chính.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)
Ý kiến đánh giá