Chủ Nhật, 19/01/2025 | 10:25
07:40 |
Giao chìa khóa xe cho thợ, như “giao trứng cho ác”
Các trạm rửa xe, quán bar, cà phê, trạm sửa chữa, nơi trông xe thường quy định nhân viên hay bảo vệ “đánh xe” vào bãi cho khách. Tiện thì có tiện nhưng hậu quả đúng là khôn lường.
Khôn lường là ở chỗ nhân viên hay bảo vệ của các loại hình kinh doanh nói trên đa số là chưa có bằng lái. Nhiều người sơ xuất, kẻ khác thì chủ quan dẫn đến những tai nạn giao thông đáng tiếc.
Giao chìa khóa ô tô cho thợ rửa xe, trông xe luôn tiềm ẩn những hậu quả khôn lường
Chị Quỳnh Hoa (Bình Chánh, Tp.HCM) kể: “Tôi sẽ chẳng bao giờ quên lần đưa xe vào trạm rửa ở quận 11. Vừa đỗ xe phía ngoài, một nam nhân viên tên Sơn (24 tuổi, quê Thanh Hóa) đến nhận xe, ngồi lên xe lái lùi về vị trí rửa. Bất ngờ nhân viên này nhấn nhầm chân ga khiến chiếc xe lùi mạnh, xông thẳng ra đường và cuốn theo 2 chiếc xe gắn máy đang lưu thông trên đường vào gầm xe”.
“Tôi đã mất rất nhiều thời gian để làm việc với chủ trạm rửa xe với công an phường, công an giao thông. Và quan trọng nhất, tôi quá hoảng sợ vì chính chiếc xe của mình đã gây ra tai nạn khiến 2 người bị thương rất nặng. Lần sau thì có các tiền tôi cũng không dám giao chìa khóa cho ai” – chị Hoa nói.
Cách đây không lâu, anh Thao (Cầu Giấy, Hà Nội) có gửi xe ở bãi của nhà ga để đi tàu về quê. “Lúc gửi, nhân viên nói để lại chìa khóa để đánh xe ra phòng khi chủ xe đỗ phía trong lấy trước. Tôi gửi ở đây nhiều, chỗ quen biết nên cũng yên tâm. Đến hôm ra mới biết, có cậu nhân viên mới, không bằng nhảy lên xe, cứ thế đè chân ga và phi thẳng vào xe đối diện. May là không ai bị làm sao. Xe tôi bị móp hết phần đầu phải sửa kha khá tiền. Phía bảo vệ bãi xe đền bù hết nhưng tôi cảm thấy hết sức phiền toái. Sau mới thấy mình quá dại khi giao chìa khóa cho nhân viên bảo vệ” – Anh Thao cho biết.
Đấy là còn chưa kể, có trường hợp khi chủ xe lấy xe vào buổi sáng hè sau một đêm oi bức, lại thấy cabin mát rượi như ai đó vừa bật điều hòa, thậm chí nhận thấy mức xăng hụt đi đáng kể. Hay xe khi gửi còn "phẳng phiu" nguyên vẹn, đến khi lấy lại thấy móp ba-đờ-sốc trước hoặc trầy ốp đèn hậu mà không biết tại ai.
Khi các bãi giữ xe phần lớn là tự phát, giữa người gửi và người nhận không có bất cứ giấy tờ, hợp đồng nào, chủ yếu do tin tưởng. Thực tế, các chủ xe thường buộc phải tin tưởng trao gửi tài sản của mình qua đêm, thậm chí cả tuần cả tháng bởi không còn sự lựa chọn nào khác. Do đó, khi xảy ra chuyện, nặng hơn là dính dáng đến pháp luật không biết căn cứ vào đâu để mà phân xử. Cuối cùng thì người chịu thiệt vẫn là chủ xe.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do chủ xe "giao nhầm" chìa khóa
Giao chìa khóa cho nhân viên rửa xe, giữ xe đã lo, phó mặc xe cho thợ ở các trạm sửa chữa cũng phải đề phòng. “Cánh” sửa xe ôtô hầu hết là người biết lái ôtô nhưng một số vẫn chưa có bằng lái xe. Họ biết lái cũng vì hàng ngày phải va chạm đến hàng chục lượt khách hàng trong một trung tâm sửa xe và cũng không phải khách nào cũng ngồi sẵn ở đó chờ được lấy xe, mà có thể giao thẳng xe cho thợ, đến khi sửa xong mới quay lại lấy xe sử dụng.
Vì thế đã tạo điều kiện cho các thợ xe dù có không biết lái cũng trở thành biết lái, và đôi khi cũng làm liều ngồi lên bất cứ xe nào để di chuyển chiếc xe đã sửa xong nhanh nhất để cho chiếc xe kế tiếp vào.
Còn nhớ, năm ngoái, một tai nạn hy hữu xảy ra trên đường Trần Thánh Tông, Hà Nội, khi một người thợ lái chiếc xe BMW của khách đi thay thế phụ tùng thì nhấn nhầm chân phanh sang chân ga dẫn đến chiếc BMW lao trực diện vào chiếc xe Hyundai và Mercedes-Benz đang đậu trên vỉa hè cùng một người phụ nữ đang nhặt đồng nát. Sau cú va chạm, người phụ nữ chỉ bị thương nhẹ và cả ba chiếc xe đều bị hư hỏng nặng.
Những vụ việc nói trên cũng là chuyện mà rất nhiều chủ xe đã gặp phải. Nhiều người cho rằng, tốt nhất là không nên giao chìa khóa xe cho nhân viên bảo vệ, rửa hay sửa xe. Không phải là tất cả, nhưng giao chìa cho thợ rửa xe, trông xe chẳng khác nào “giao trứng cho ác”.
datkt (forum.autodaily.vn)
Ý kiến đánh giá