Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:22
10:00 |
Viễn cảnh xe bán tải tại Việt Nam sẽ tăng giá “sốc”
Một phần quan trọng trong báo cáo đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam và các giải pháp phát triển vừa được Bộ Công Thương gửi lên Thủ tướng đó là miễn thuế đối với phần linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Tài chính điều chỉnh một loạt các sắc thuế.
Xe bán tải đang được kiến nghị điều chỉnh nhiều sắc thuế.
Theo kiến nghị, Bộ Tài chính có nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với linh kiện, phụ tùng ôtô phù hợp với định hướng của Chính phủ về khuyến khích phát triển sản xuất các linh kiện, phụ tùng ôtô quan trọng mà trong nước có thể sản xuất được, cũng như có tính đến mối tương quan phát triển sản xuất, lắp ráp trong nước với việc cam kết sản lượng và hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng phải đề xuất điều chỉnh các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại Luật số 106/2016/QH13 năm 2016.
Trong đó có điều chỉnh tăng mức thuế đối với xe có dung tích xi lanh trên 2500 cm3; Bổ sung các chính sách về thuế đối với các loại xe có kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông, cũng như đối với các chủng loại xe chở người đến 9 chỗ ngồi có giá trị tuyệt đối lớn theo Quyết định số 229 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.
Trường hợp một loại xe được tính theo hai mức thuế khác nhau thì áp dụng mức thuế cao hơn.
Đặc biệt, Bộ Tài chính có nghĩa vụ báo cáo Chính phủ và Quốc hội áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu đối với xe bán tải (pick-up) có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống như xe ôtô con dưới 9 chỗ; tăng lệ phí trước bạ cho các dòng xe bán tải.
Hiện các dòng xe bán tải nhập khẩu vào Việt Nam có thuế suất nhập khẩu chỉ 5% thấp hơn đáng kể so với mức 30% của các dòng xe con khác. Các loại thuế phí khác cũng rất thấp như thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ 15% trong khi các dòng khác sắp tới áp mức 40-130%, phí trước bạ là 2% trong khi mức chung là 10-12%.
Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2016, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy xe bán tải được nhập về Việt Nam đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá. Cụ thể, năm 2010 Việt Nam chỉ nhập 2.600 chiếc thì đến năm 2016 con số này đã đạt 29.900 chiếc, tăng hơn 10 lần so với năm 2010.
Như vậy, nếu xe bán tải bị điều chỉnh các sắc thuế có thể làm tăng giá vài trăm triệu đồng tại Việt Nam. Hiện các dòng xe bán tải nhập về Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính dự kiến sẽ phải gia hạn thời gian có hiệu lực đối với mức thuế áp cho xe có dung tích xi lanh dưới 1500 cm3 đến ngày 31/12/2022.
"Thay đổi giá tính thuế đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng đến 31/12/2022 bằng việc không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước là linh kiện, phụ tùng nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước”, báo cáo nêu.
“Bộ Tài chính cần tăng cường quản lý chặt chẽ giá trị tính thuế, xuất xứ xe ôtô nguyên chiếc nhập khẩu có dấu hiệu tăng đột biến trong thời gian gần đây”, Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ.
Theo Bạch Dương (VnEconomy)
Ý kiến đánh giá