Thứ Bảy, 12/10/2024 | 23:29
15:20 |
Thêm điều kiện 'siết' doanh nghiệp nhập khẩu ôtô
Muốn có giấy phép nhập khẩu, doanh nghiệp phải sở hữu cơ sở bảo dưỡng, bảo hành; có hợp đồng thuê, hoặc là đại lý chính hãng.
Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô vừa được Chính phủ ban hành với nhiều quy định chặt chẽ hơn.
Doanh nghiệp muốn nhập khẩu ôtô phải đáp ứng nhiều điều kiện kinh doanh khắt khe.
Theo đó, doanh nghiệp muốn sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu ôtô sẽ phải tuân thủ các điều kiện về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi xe; điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường ...
Trường hợp nhập khẩu ôtô, doanh nghiệp phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng hoặc ký hợp đồng thuê, hoặc là đại lý uỷ quyền của nhà sản xuất chính hãng ở nước ngoài. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải có giấy uỷ quyền chính hãng về triệu hồi ôtô nhập khẩu tại Việt Nam.
Nếu không thực hiện đầy đủ quy định về triệu hồi, bảo hành và thu hồi ôtô thải bỏ; không bảo cáo theo quy định..., doanh nghiệp sẽ bị tước giấy phép.
Để sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô, doanh nghiệp (lắp ráp, sản xuất hay nhập khẩu) phải đáp ứng 10 điều kiện. Một là, nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp.
Hai là, mặt bằng, nhà xưởng đảm bảo phục vụ bảo hành, bảo dưỡng.
Ba là, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phải có các khu vực riêng biệt, như: khu tiếp nhận, bàn giao, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra xuất xưởng, có nhà điều hành, kho linh kiện, phụ kiện, khu vực rửa xe...
Bốn là quy định doanh nghiệp, cơ sở phải có đầy đủ các dụng cụ, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công việc bảo hành, bảo dưỡng ôtô. Hệ thống trang thiết bị đo lường phục vụ công việc bảo hành, bảo dưỡng ôtô phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đo lường, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11794 .
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng quy định về thiết bị chẩn đoán động cơ, tình trạng kỹ thuật của xe (đối với ôtô có trang bị bộ điều khiển điện tử) phù hợp với các loại xe do cơ sở thực hiện bảo hành, bảo dưỡng. Phần mềm thiết bị chẩn đoán phải tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, hồ sơ bảo vệ môi trường được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Cũng theo Nghị định này, các doanh nghiệp, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô cũng phải cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng.
Cục Đăng kiểm Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô.
Nghị định cũng đưa ra điều khoản chuyển tiếp cho các doanh nghiệp thời gian chuẩn bị đáp ứng điều kiện kinh doanh mới. Với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô đang hoạt động sẽ được tiếp tục kinh doanh trong 18 tháng kể từ ngày 17/10 và sau thời hạn trên số doanh nghiệp này phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mới.
Trong khi đó, doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chỉ còn chưa đầy 2 tháng hoạt động theo quy định hiện hành. Kể từ 1/1/2018 chỉ những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận mới từ cơ quan quản lý mới được quyền nhập khẩu xe.
Theo Anh Vinh (Báo điện tử VnExpress.net)
Ý kiến đánh giá