Thứ Hai, 25/11/2024 | 13:09
08:31 |
Toyota Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô
Công ty Ôtô Toyota Việt Nam vừa gửi văn bản lên Bộ Công Thương đề nghị cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô theo quy định mới của Nghị định 116 của Chính phủ.
Cụ thể, Toyota Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô cho các loại xe như ôtô con thương hiệu Lexus, ôtô khách và ôtô tải.
Toyota Việt Nam đã đáp ứng đủ điều kiện nhập khẩu xe theo quy định 116 và yêu cầu Bộ Công Thương cấp giấy phép.
Toyota cho biết đã có đầy đủ giấy tờ theo đúng quy định của Nghị định 116, trong đó có các hồ sơ kèm theo gồm: Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty Ôtô Toyota Việt Nam; Bản sao chứng thực giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô của đại lý Công ty Ôtô Toyota Việt Nam; Bản chứng thực chứng nhận quyền thực hiện lệnh triệu hồi ôtô nhập khẩu của Tập đoàn Toyota Motor Corporation.
Công ty này khẳng định thỏa mãn và thực hiện đúng các quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ ban hành và có hiệu lực ngày 17/10/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô, các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, với các quy định của Nghị định 116, Toyota Việt Nam là một trong những công ty đầu tiên chính thức đề nghị cấp giấy chứng nhận kinh doanh mới theo quy định của Chính phủ.
Mới đây, Nhóm công tác ôtô xe máy của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (2017) và đại diện ôtô Nhật Bản tại Việt Nam đã có báo cáo bày tỏ lo ngại với Chính phủ về các quy định có phần khắt khe tại Nghi định 116.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017 (VBF 2017) diễn ra mới đây, các nhóm công tác về ôtô và xe máy, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu và Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu đã đồng loạt kiến nghị sửa đổi một số quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, các doanh nghiệp cho rằng quy định doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài từ ngày 1/1/2018 là chưa phù hợp thực tiễn.
Trong khi đó, liên quan đến yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu, các doanh nghiệp cho rằng quy định này không hề có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng mà "chỉ làm lãng phí thêm thời gian và làm tăng chi phí" của doanh nghiệp.
Trước đó, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 116 hồi giữa tháng 10/2017, nhiều doanh nghiệp đã "than" khó và e ngại sẽ phải tạm dừng hoạt động nhập khẩu. Trong trường hợp vẫn tiếp tục nhập khẩu, các hãng cho rằng sẽ phải tốn thêm chi phí và mất thời gian "chờ đợi rất lâu" cho người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ. Theo đó, nhóm doanh nghiệp này cho rằng, cần có thêm lựa chọn được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và cấp chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo chất lượng tại nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô tại nước ngoài.
Đối với quy định về thử nghiệm xe theo từng lô, các doanh nghiệp kiến nghị "cân nhắc bổ sung quy định chỉ thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo như quy định hiện hành mà không cần thử nghiệm lại".
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục áp dụng các quy định nhập khẩu và đăng kiểm hiện hành cho những xe nhập khẩu đã được đặt hàng trước thời điểm ban hành Nghị định 116 (ngày 17/10/2017) nhưng sang năm 2018 mới về đến Việt Nam.
Theo Bạch Dương (VnEconomy)
Ý kiến đánh giá (1)