Chủ Nhật, 19/01/2025 | 07:08
11:06 |
Nghị định 116 và "trật tự mới" của ngành ôtô Việt
Hãng xe Mỹ General Motors (GM) vừa quyết định đóng cửa một nhà máy tại thành phố Gunsan, Hàn Quốc, khiến hơn 2.000 công nhân đối diện nguy cơ mất việc làm. Số phận 3 nhà máy khác của GM tại Hàn Quốc với khoảng 16.000 công nhân cũng có thể được quyết định trong vài tuần tới.
Caption
Trong khi giới chức Hàn Quốc lo lắng hành động này của GM có thể khiến thành phố Gunsan lâm vào cuộc khủng hoảng việc làm, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại hết sức hào hứng với quyết định này của GM.
Ông cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ sẽ dần "hồi hương", tạo ra việc làm, đóng thuế, để "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Kể từ cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, nước Mỹ đã tạo ra 2,4 triệu việc làm mới, trong đó có 200.000 việc làm tính riêng trong lĩnh vực sản xuất. Mức lương tăng lên. Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất 45 năm. Sự tự tin của các doanh nghiệp nhỏ ở mức cao nhất mọi thời đại. Thị trường chứng khoán thì phá vỡ hết kỷ lục này đến kỷ lục khác.
Thực tế là, với các chính sách đề cao chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền ông Trump, nhiều tập đoàn Mỹ đã bắt đầu tăng cường đầu tư trong nước, thay vì đưa dòng vốn ra nước ngoài, trong đó có hàng loạt hãng xe lớn như GM, Ford...
Và nếu nhìn từ một góc độ khác, chuyện GM đóng cửa nhà máy tại Hàn Quốc lại khiến nhiều người liên tưởng đến bối cảnh hiện thời của ngành ôtô Việt Nam.
Một nửa câu chuyện
Tại Việt Nam, việc Nghị định 116 ra đời cách đây hơn 3 tháng đã siết chặt các tiêu chuẩn đối với xe nhập khẩu, như về xuất xứ, kiểu loại, mức độ khí thải, an toàn giao thông...
Tham vọng của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành Nghị định 116 đã nhiều lần được khẳng định là nhằm phát triển ngành ôtô Việt Nam. Đằng sau các quy định chặt chẽ, các tiêu chuẩn cao là những cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp có tâm huyết phát triển công nghiệp ôtô thực sự, làm ăn bài bản, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, tạo việc làm.
Nhưng dù vậy, đến nay Nghị định 116 vẫn còn gây tranh cãi.
Các quy định chặt chẽ của nghị định này, cộng với Thông tư 03 vừa được Bộ Giao thông Vận tải ban hành đã gần như "sập cửa" đối với việc nhập khẩu đơn thuần mà không cần đầu tư bài bản vào sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, tạo việc làm lâu dài ở Việt Nam của nhiều doanh nghiệp lâu nay.
Mới đây, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực ôtô tại Việt Nam như Toyota, Honda đã bất ngờ thông báo ngưng mọi hoạt động xuất xe sang Việt Nam, do quy định mới về rào cản phi thuế quan của Nghị định 116. Hai hãng xe Nhật Bản này cho rằng họ bị gặp khó trong việc đáp ứng yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe nhập khẩu và quy định kiểm tra tất cả các lô xe, thay vì chỉ kiểm tra lô đầu tiên như trước đây.
Lượng nhập khẩu xe nguyên chiếc trong tháng đầu năm tại Việt Nam cũng đã rơi "thảm khốc", về mức thấp kỷ lục. Tính đến 15/2/2018, nhập khẩu ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ chỉ là 32 chiếc với trị giá 1,1 triệu USD. Trong tuần nghỉ Tết Nguyên đán, cũng chỉ có 1 chiếc ôtô dưới 9 chỗ được nhập khẩu.
Không xuất được xe sang Việt Nam, mới đây phía Indonesia cũng lên tiếng về những điều kiện chặt chẽ của Nghị định 116.
Nhưng đó mới chỉ là một nửa câu chuyện.
Bởi, với các điều kiện chặt chẽ về nhập khẩu của Nghị định 116, một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp ôtô lại đang được hình thành, từ cả doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp nội địa.
Vai trò chính sách
Mới đây, Mitsubishi Motors đã gặp gỡ hàng loạt cơ quan hữu trách Việt Nam để thông báo đang nghiên cứu kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ôtô thứ hai tại Việt Nam với quy mô 250 triệu USD, công suất 50.000 xe/năm.
Dự kiến, nhà máy thứ hai sẽ có thể sản xuất từ giữa năm 2020 và giải quyết được việc làm cho khoảng 1.000 lao động.
Ngoài ra, hãng xe này cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Chính phủ về việc phát triển ôtô điện tại Việt Nam.
Ngay cả Ford cũng đang nung nấu ý định đẩy mạnh lắp ráp xe tại Việt Nam để đáp ứng điều kiện hưởng thuế ưu đãi 0% với linh kiện, phụ tùng ôtô theo Nghị định 125 của Chính phủ mới ban hành.
Về phía doanh nghiệp nội địa, Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) cũng mới khởi công nhà máy mới sản xuất lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda có công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1 là 50.000 xe/năm) với tổng vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng, tương đương 520 triệu USD.
Trước đó, Vingroup đã công bố đầu tư 3,5 tỷ USD vào dự án ôtô Vinfast với tham vọng xây dựng thương hiệu ôtô Việt.
Hyundai Thành Công thì không những đổ hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư bài bản vào công nghiệp ôtô, mà còn mong muốn xuất khẩu ngược ra khu vực ASEAN.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho hay, tính tới ngày 15/2/2018, nhập khẩu linh kiện ôtô đạt kim ngạch là 332 triệu USD. So với mức 387 triệu USD của cùng kỳ năm 2017, có thể thấy, sản xuất trong nước với mặt hàng này vẫn được giữ ở mức ổn định.
Trái với những dự báo rằng ngành ôtô Việt sẽ bị "nhấn chìm" khi thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0% từ đầu năm 2018, các hoạt động sản xuất hiện tại vẫn giữ vững và phát triển.
Tính đến hết năm 2016, Việt Nam có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, trong đó có 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm.
Vai trò của các nhà hoạch định chính sách, một lần nữa, lại cho thấy có ý nghĩa quyết định với vận mệnh một ngành.
Theo Bạch Dương (VnEconomy)
Ý kiến đánh giá