Thứ Bảy, 14/12/2024 | 09:10
08:13 |
Mục đích của VinFast khi làm xe cao cấp
Chọn phân khúc tiệm cận xe sang, ôtô của VinFast chủ động loại bỏ khá nhiều đối thủ cạnh tranh.
VinFast sẽ ra mắt chiều nay, màn xuất hiện ồn ào nhất ngành công nghiệp ôtô Việt Nam nhiều năm qua. Xung quanh cái tên này, có nhiều vấn đề về chiến lược phát triển được đem ra thảo luận. Dưới đây VnExpress đăng những nhận định của độc giả Võ Quốc Bình, người có nhiều năm kinh nghiệm buôn bán ôtô.
Vì sao VinFast không bắt đầu với xe nhỏ, rẻ?
VinFast chưa sản xuất các dòng xe phổ thông (hạng A, B, C), đơn giản vì họ hiểu ngay ban đầu sẽ khó bán, mà lợi nhuận chả bao nhiêu (chi phí ban đầu lớn nên sản xuất xe cao cấp lợi hơn nhiều). Nhiều ví dụ "sớm nở tối tàn" là chuyện rất dễ nhìn thấy được như Vinaxuki.
Không bán xe phổ thông cỡ nhỏ cũng là cách để loại trừ sự so sánh về giá đối với ôtô Trung Quốc và loại trừ luôn sự so sánh về chất lượng đối với các thương hiệu phổ biến như: Toyota, Honda, Mazda, Hyundai, Kia, Ford. VinFast tạo sự khác biệt ngay từ đầu với tiêu chí tiệm cận xe sang giá tốt trong phân khúc, sánh đẳng cấp cùng các thương hiệu Âu, Mỹ. Châu Á mà đấu với châu Á không nhiều khác biệt, mà lại bị so sánh, chi phí cũng chẳng thể thấp hơn - quá nhiều cái không được.
VinFast sẽ chưa đua số lượng
Hãng sẽ không chạy đua về số lượng, dù quảng cáo là nhà máy công suất "khủng", có thể đến cả hơn 1.000 chiếc tháng. Thực tế, khi chưa thể bán nhiều, chưa đo đếm được thị trường thì không mạo hiểm, tồn kho là thất bại. Tôi nghĩ VinFast chẳng tung ra trên 1.000 chiếc ngay đợt đầu với hai mẫu xe đầu tiên. Hai mẫu này là tiên phong, là “dò đường” để tiếp cận thị trường và gây sự “ồn ào”về khan hiếm hàng. Khách hàng chủ yếu của VinFast trong thời kỳ đầu là các đối tác của VinGroup. Cách này vừa giảm chi phí, vừa tiêu thụ sản phẩm ngay.
Mua lại hoạt động của GM Việt Nam
Mua lại và hợp tác kinh doanh với hệ thống bán hàng của GM Chevrolet Việt Nam cũng nằm trong chiến lược. Bước đi này có lợi cho cả hai. Ở phân khúc phổ thông thì VinFast quảng bá cho Chevrolet, ở phân khúc cao hơn thì ngược lại, hệ thống của GM quảng bá sản phẩm cho VinFast. Đây là chiến lược đỡ tốn kém chi phí nhất trong việc tiếp cận thị trường và dĩ nhiên, hai hãng cũng cùng nhau "Win - Win" vì có thêm thị trường và thương hiệu song hành.
Định hướng tương lai
Ở Việt Nam, ôtô mặc định là tài sản giá trị lớn, dù khách hàng giàu có cũng sẽ vẫn sẽ cân nhắc rất kỹ lưỡng. Hãng chuẩn bị quảng bá từ xa, từ nước ngoài về đến Việt Nam kiểu như “vinh hoa phương xa ta về bái tổ”, kéo theo các hình thức truyền thông gây tò mò là học của Mỹ - "nửa hở nửa kín".
Khi qua giai đoạn đầu và nếu thành công, chắc chắn, một vài năm sau, VinFast sẽ chuyển sang dòng ôtô phổ thông. Sản phẩm cao cấp đã có thương hiệu thì sẽ dễ tiếp cận sản phẩm phổ thông hơn, như cách mà Vingroup làm với bất động sản, tuy nhiên diễn biến của ngành công nghiệp ôtô sẽ nhanh hơn nhiều lần nên tỷ lệ thành công cũng cao hơn và gần hơn.
Kết luật, sở hữu ôtô là người dân thuộc tầng lớp trên mức trung lưu trở lên nên chiến thuật ban đầu của Vinfast là đúng đắn, loại bỏ rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Sau khi có thương hiệu, quay trở lại với các dòng xe bình dân là chiến thuật không thể khác được, nếu muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam và đưa thương hiệu ra khỏi biên giới.
Chia sẻ quyền kinh doanh với Chevrolet là chiêu thức hợp tác khôn ngoan, nhiều cái lợi trước mắt cho cả hai bên. Đánh vào khát khao ôtô Việt của dân tộc lúc này là đúng thời điểm cùng với chính sách tạm bảo hộ là đã thành công ban đầu. Phần còn lại là sự chấp nhận của thị trường ôtô sau khi trải nghiệm sản phẩm đầu tay.
Theo độc giả Võ Quốc Bình (VnExpress)
Ý kiến đánh giá