Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:28
09:05 |
Chứng chỉ an toàn xe hơi NCAP có ý nghĩa gì tại Việt Nam?
VinFast Fadil bán ra tại Việt Nam nhưng việc chưa công bố các chứng nhận NCAP gây ra những hoài nghi.
Giữa tháng 6, Fadil bán ra thị trường khi VinFast chưa công bố bất cứ thông tin nào về kết quả kiểm nghiệm của các Chương trình đánh giá xe mới (NCAP) mà một trong số đó là ASEAN NCAP. Điều này làm dấy lên một số ý kiến hoài nghi về chất lượng và độ an toàn của xe.
Trên một số diễn đàn chuyên về ôtô những băn khoăn về loại chứng chỉ này đã được nêu ra. "Sao chưa thấy VinFast công bố tiêu chuẩn NCAP nhỉ? Trường hợp nếu không đạt tiêu chuẩn thì kế hoạch bàn giao xe cho khách là hỏng hết hả các bác?", thành viên Minh Hoàng chia sẻ trên diễn đàn người dùng xe VinFast.
Tại Việt Nam, Cục Đăng kiểm hiện là cơ quan duy nhất cấp chứng nhận cho phương tiện được lưu thông trên đường về mặt kỹ thuật, an toàn. Nói cách khác, mọi phương tiện bán tại Việt Nam đều phải đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về an toàn, kỹ thuật, khí thải do Cục Đăng kiểm thực hiện, dưới các văn bản do Bộ Giao thông Vận tải ban hành. Những quy chuẩn, tiêu chuẩn này áp dụng chung cho xe lắp ráp và nhập khẩu.
VinFast Fadil lăn bánh tại Việt Nam.
Trong khi đó, chứng chỉ về tiêu chuẩn NCAP thường mang tính tham khảo nhiều hơn đối với người dùng, không bắt buộc phải có trong quy định của Việt Nam, cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Ngoài VinFast Fadil, nhiều dòng xe đang bán ở Việt Nam không trải qua thử nghiệm ASEAN NCAP.
VinFast trước đó từng công bố đoạn video về quá trình kiểm thử mẫu Fadil tại trung tâm kiểm định của General Motors Hàn Quốc, theo những tiêu chuẩn của ASEAN NCAP, gồm thử nghiệm va chạm trước, va chạm bên sườn. Động thái của VinFast cho thấy sự tự tin vào chất lượng sản phẩm khi bán ra thị trường. Đại diện VinFast cũng cho biết hãng hướng tới mục tiêu đạt được kết quả kiểm định cao của ASEAN NCAP. Vấn đề bây giờ có lẽ chỉ là thời gian.
Xe bán trên thị trường có cần kèm NCAP?
Trên thực tế, kết quả thử nghiệm NCAP thường chỉ mang tính tham khảo và là cơ sở để các hãng xe cải tiến sản phẩm nếu cần thiết. Tại châu Âu, nhiều nhà sản xuất sau các thử nghiệm của Euro NCAP đã có những cải tiến ở sản phẩm sau, để đáp ứng cao hơn nhu cầu của người dùng, nhưng không bắt buộc đi kèm sản phẩm.
Để lăn bánh tại Việt Nam, một mẫu ôtô phải đáp ứng các yêu cầu của Cục đăng kiểm.
Euro NCAP lựa chọn một số dòng xe nhất định để thử nghiệm hoặc thử nghiệm trên xe do hãng tình nguyện cung cấp. Tại châu Âu, xe mới bán ra thị trường phải có Chứng nhận kiểu loại phương tiện từ chính phủ, khác biệt hoàn toàn với Euro NCAP.
Tương tự Euro NCAP, ASEAN NCAP thực hiện với một số dòng xe thông dụng tại Đông Nam Á và mẫu xe cụ thể do nhà sản xuất đề nghị. Chứng chỉ này không bắt buộc đi kèm sản phẩm. Khi bán xe ở một quốc gia cụ thể, nhà sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn theo quy định.
NCAP ra đời khi nào?
Năm 1979, Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ lần đầu giới thiệu chương trình NCAP, sử dụng để đánh giá các mẫu xe mới trên phương diện an toàn. Chứng chỉ như một tham chiếu cho các hãng xe, khuyến khích tạo ra những dòng sản phẩm có độ an toàn cao. Sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô kéo theo sự ra đời của nhiều chương trình NCAP khác nhau theo từng khu vực hay địa phương như Australia NCAP (1993), Japan NCAP (1995), Euro NCAP (1997) và một số chương trình khác.
Năm 1997, tổ chức Euro NCAP được thành lập, trụ sở tại Leuven (Bỉ), dưới sự bảo trợ của chính phủ nhiều nước châu Âu cũng như Liên minh châu Âu. Về cơ bản, các thử nghiệm của Euro NCAP phát triển từ chương trình của Mỹ, có thay đổi phù hợp với các dòng xe bán tại châu Âu.
Fadil khi thử nghiệm tại trung tâm của General Motors Hàn Quốc. Ảnh chụp màn hình.
Năm 2011, chương trình đánh giá xe mới ASEAN NCAP được giới thiệu, với sự hợp tác của Viện nghiên cứu an toàn đường bộ Malaysia (MIROS) và Chương trình đánh giá xe mới toàn cầu (GNCAP). Hai năm sau khi thành lập, ASEAN NCAP đưa ra kết quả đánh giá 7 mẫu xe phổ biến tại thị trường Đông Nam Á, gồm chỉ số về mức độ bảo vệ người lớn (AOP) và mức độ bảo vệ trẻ nhỏ trên xe khi gặp tai nạn (COP).
Hiện tại, các thành viên chính thức của ASEAN NCAP gồm Viện an toàn đường bộ Malaysia, Chương trình đánh giá xe mới toàn cầu (GNCAP), Hiệp hội ôtô Malaysia, Hiệp hội ôtô Philippines, Hiệp hội ôtô Singapore. Để đảm bảo tính khách quan cho các thử nghiệm xe mới, ASEAN NCAP sử dụng tài chính từ ngân sách của MIROS và GNCAP.
Những thử nghiệm nào được thực hiện?
Các tổ chức đánh giá xe mới sẽ thực hiện nhiều mức loại thử nghiệm va chạm khác nhau, dựa theo những tình huống tai nạn thực tế thường gặp. Từ kết quả thu được, xe sẽ được xếp hạng theo chỉ số "sao" (từ 1 đến 5 sao). Số sao càng lớn càng tốt.
Một chương trình thử nghiệm xe mới của Euro NCAP gồm thử va chạm phía trước, va chạm bên sườn và va chạm với người đi bộ. Từ các thử nghiệm đó, điểm số an toàn của xe được đưa ra. Về sau, chương trình của Euro NCAP bổ sung thêm thử nghiệm va chạm phía sau và nhiều loại thử nghiệm khác. Từ kết quả thử nghiệm, các hãng xe cải thiện dần chất lượng trên từng sản phẩm, để đáp ứng nhu cầu của người dùng tốt hơn.
Chương trình đánh giá xe mới của ASEAN NCAP cũng thực hiện những thử nghiệm tương tự như Euro NCAP. Mô hình trẻ con trong các thử nghiệm đều được ngồi trên ghế riêng biệt. Kết quả thu được từ va chạm trước, va chạm bên sườn sẽ dùng để đánh giá mức độ bảo vệ an toàn cho người ngồi khi có tai nạn xảy ra. ASEAN NCAP sẽ lựa chọn những dòng xe nhất định, phổ biến tại Đông Nam Á để thử nghiệm hoặc thử nghiệm trên mẫu xe do nhà sản xuất cung cấp. Kết quả thu được tại trung tâm thử nghiệm của ASEAN NCAP sẽ được công bố trên trang web chính thức của tổ chức này, kèm theo video ghi lại quá trình thực hiện.
Chương trình đánh giá xe mới NCAP được thực hiện bởi các tổ chức thứ 3, không thuộc chính phủ, không thuộc nhà sản xuất, nhằm đưa ra những tham khảo cho người sử dụng về độ an toàn của phương tiện. Đồng thời, kết quả cũng phản ánh những điểm cần cải thiện trên sản phẩm của các hãng qua các phiên bản nâng cấp.
Theo Minh Tuấn (Báo điện tử VnExpress.net)
Ý kiến đánh giá