Chủ Nhật, 19/01/2025 | 06:00
08:24 |
Ô tô điện làm hay thôi, không quyết sớm thì mãi đi sau
Doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất xe điện với quy mô lớn, cùng với đó là phát triển hạ tầng các trạm sạc. Vậy nhưng chiến lược tổng thể phát triển xe điện đến nay Việt Nam vẫn chưa có.
Nhiều năm chờ chính sách
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về các chính sách đối với xe điện trong nước 5 năm tới. Tại văn bản, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bên liên quan, hoàn thiện nội dung đánh giá về đề xuất của Tập đoàn Vingroup, để sớm báo cáo Chính phủ.
Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành ngày 19/5, ông Nguyễn Việt Quang, CEO của Vingroup bày tỏ mong muốn, Chính phủ có chính sách hỗ trợ về thuế, phí để doanh nghiệp này "có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ô tô, đặc biệt là ô tô điện".
VinFast VFe34.
Từ tháng 4/2021, VinFast đã chính thức công bố nhận đặt hàng mẫu ô tô điện đầu tiên VF e34, dự kiến sẽ bàn giao cho khách hàng vào tháng 11/2021. Cùng với đó, VinFast cũng hợp tác với Công ty ProLogium (Đài Loan) để nghiên cứu phát triển pin thể rắn, dùng cho xe điện tại Việt Nam.
Có thể nói doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất lắp ráp xe điện với quy mô lớn. Cùng với đó là phát triển hạ tầng các trạm sạc, rồi đầu tư cả dự án hướng tới tương lai sản xuất pin thể rắn. Vậy nhưng, chiến lược tổng thể phát triển xe điện đến nay Việt Nam vẫn chưa có.
Hiện tại với ô tô điện, chỉ được ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0% và hưởng thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70%, so với xe sử dụng động cơ đốt trong. Trong khi các loại thuế khác và lệ phí trước bạ, vẫn ngang bằng với xe sử dụng động cơ đốt trong. Những chính sách ưu đãi hiện hành được cho là không đủ hấp dẫn nhà đầu tư.
Trước VinFast, Tập đoàn Mitsubishi Nhât Bản cũng có mong muốn đầu tư vào sản xuất lắp ráp xe điện hóa tại Việt Nam. Tuy nhiên, chờ đợi mãi những chính sách phát triển xe điện của Chính phủ mà không thấy đâu.
Mới đây, một số doanh nghiệp FDI ô tô lớn tại Việt Nam đã rất sốt ruột, có những buổi làm việc với cơ quan chức năng, để thăm dò xem Việt Nam có ý định phát triển ngành công nghiệp xe điện hay không. Những DN này cho hay họ có dự định mở rộng đầu tư, hướng tới sản xuất lắp ráp ô tô điện trong tương lai, nhưng nếu Chính phủ không có chiến lược phát triển ngành sản xuất này rõ ràng thì họ sẽ có kế hoạch khác.
Luôn luôn đi sau
Xu hướng chuyển sang ô tô điện là tất yếu và ngày càng phổ biến. Ngược lại, xe sử dụng động cơ đốt trong sẽ giảm dần. Khi ngành công nghiệp ô tô chuyển hướng sang xe điện, với một số quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển hiện nay, sẽ gặp phải những thách thức. Bởi nhiều linh kiện và cụm linh kiện phục vụ cho ô tô sử dụng động cơ đốt trong như động cơ, hộp số sẽ bị loại bỏ dần... Vì vậy, dẫn đến phải giảm và ngừng hoạt động, ảnh hưởng tới việc làm của hàng trăm nghìn lao động.
DN đầu tư hệ thống trạm sạc pin để phát triển ô tô điện
Tuy nhiên, Việt Nam không phải chịu những tác động này bởi ngành công nghiệp ô tô đến nay chưa phát triển, chưa phụ thuộc nặng nề vào xe sử dụng động cơ đốt trong. Vì vậy, không phải tốn kém cho quá trình chuyển đổi và có cơ hội phát triển ngay.
Không những thế, tiềm năng thị trường ô tô Việt Nam rất lớn, vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động hậu cần toàn cầu và lực lượng lao động có tay nghề. Việt Nam áp dụng luật giao thông bên phải, khác với Malaysia, Thái Lan hay Indonesia, là yếu tố quan trọng trong bố trí và chi phí sản xuất. Những yếu tố này đủ điều kiện biến Việt Nam trở thành “đại bản doanh” công nghiệp ô tô trong tương lai.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Indonesia đang cạnh tranh để thu hút đầu tư vào sản xuất xe điện hóa, bao gồm xe Hybrid (xăng lai điện), Phev (điện lai xăng), Fucell ( xe Hydro) và xe điện (EV), với tham vọng trở thành trung tâm ô tô điện của khu vực và thế giới.
Mục tiêu này đang được 2 quốc gia hiện thực hóa bằng những chính sách như: đánh thuế dựa trên phát thải Co2. Phát thải càng thấp thì thuế càng giảm, cùng với đó là ưu đãi lớn cho các nhà đầu tư và hỗ trợ người tiêu dùng mua xe... Nhờ đó, cả Thái Lan và Indonesia đã thu hút được hàng tỷ USD từ các tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới như Toyota, Honda, Hyundai, LG,... đầu tư vào sản xuất xe điện và pin.
Trong khi đó, Việt Nam đến nay vẫn thờ ơ với ô tô điện hóa, mặc dù ô nhiễm không khi ngày càng nặng nề. Xe Hybrid được cho là xe điện hóa phù hợp nhất với Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay vẫn không được khuyến khích sử dụng.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, muốn phát triển xe điện, cần có thêm nhiều ưu đãi và những hỗ trợ lớn, từ vay vốn, đến phát triển công nghệ, phát triển hạ tầng và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, rồi hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe điện,... Vì vậy, cần nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển với các chính sách đồng bộ và khả thi, ông Đồng nêu quan điểm.
Theo Trần Thủy (Báo điện tử VietnamNet)
Ý kiến đánh giá