Thứ Sáu, 22/11/2024 | 08:45
16:22 |
Nhiều thương hiệu ‘khóc ròng’ vì gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu
Không đủ sản phẩm giao khách hàng, kế hoạch sản xuất thay đổi và nhận nhiều ý kiến trái chiều là những gì diễn ra trong bối cảnh nguồn cung linh kiện không kịp đáp ứng.
Hơn hai năm kể từ khi Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, những hệ quả từ dịch bệnh đến nền kinh tế nói chung, chuỗi cung ứng toàn cầu nói riêng. Nhiều ngành rơi vào tình trạng thiếu chip bán dẫn, thiếu linh kiện trầm trọng như ngành điện tử, công nghiệp ôtô.
Chưa hẹn ngày bình thường chuỗi cung ứng
Hôm thứ 6 (6/5), trả lời CNBC, CEO Intel cho rằng tình trạng thiếu hụt chip có thể kéo dài đến năm 2024. “Chúng tôi ước tính sự thiếu hụt chất bán dẫn có thể kéo dài hơn dự đoán ban đầu là đến năm 2023. Tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch sản phẩm của chúng tôi”, CEO Gelsinger cho biết.
CEO Intel, ông Pat Gelsinger.
Nhu cầu về chất bán dẫn ngày càng tăng, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, các thiết bị trở nên thông minh hơn. Loại vật liệu này đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực từ điện thoại thông minh, ôtô-xe máy, điện gia dụng…
Trong khi đó, những vấn đề của thế giới từ dịch bệnh, xung đột chính trị khiến chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục gián đoạn. Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc khiến việc vận chuyển hàng hóa từ một trong những cảng lớn nhất thế giới gặp khó khăn, tác động trực tiếp đến việc giá cả leo thang. Bên cạnh đó, xung đột ở Ukraine, một trong những nơi cung cấp chất bán dẫn lớn nhất thế giới càng khiến bức tranh về chuỗi cung ứng trở nên tồi tệ.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Logistic Alberto López Tom cho rằng các loại thành phẩm, đặc biệt là hàng công nghệ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì chưa có nguồn thay thế linh kiện, chất bán dẫn.
Cuối năm 2020, nhiều tổ chức, công ty lớn đã đưa ra những dự báo về việc khan hiếm nguồn cung chip bán dẫn, linh kiện sản xuất ôtô-xe máy. Nói với Bloomberg, Rohm một công ty của Nhật Bản cho biết các chất bán dẫn quan trọng cho ôtô và máy móc công nghiệp có thể kéo dài tình trạng khan hiếm đến hết năm nay.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Isao Matsumoto (nhà sản xuất chip có trụ sở tại Kyoto) cho biết đơn hàng cho những thương hiệu lớn như Toyota, Ford, Honda của công ty bị dồn lại rất nhiều dù đã hoạt động hết công suất từ tháng 9 năm ngoái. Công ty này cho rằng khó có khả năng trả đầy đủ thành phẩm cho các thương hiệu kể trên trong năm nay.
Một trong những hãng chip hàng đầu thế giới Infineon Technologies AG cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng có thể kéo dài lâu hơn nhiều so với dự đoán. Nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều biến thế Covid-19 xuất hiện và dịch bệnh chưa thể kiểm soát ở nhiều nơi.
Thiếu hụt thành phẩm
Tác động với các nhà sản xuất có thể mang tính trừu tượng, thế nhưng những gì diễn ra trên thị trường ôtô, xe máy trong nhiều tháng qua là minh chứng rõ nét nhất. Người muốn bán không có xe, người muốn mua phải chi thêm tiền là tình trạng phổ biến với các mẫu xe hot.
Những dòng xe có lượng quan tâm lớn, khách ký đợi nhận xe đã lên đến nhiều tháng nhưng chưa được nhận. “Số lượng xe về đại lý rất nhỏ giọt, chúng tôi muốn bán cũng không có nguồn hàng. Khách hàng đặt cọc mua mới xếp hàng dài cả tháng”, nhân viên kinh doanh một đại lý ôtô cho biết.
Toyota Raize là một trong những mẫu xe về đại lý với số lượng nhỏ nhọt.
Hầu hết thương hiệu ôtô, xe máy trong nước đều ở tình trạng khan hiếm nguồn cung, đặc biệt với các dòng xe được ưa chuộng. Kia, Hyundai, Toyota, Honda… là những thương hiệu không đủ xe giao cho khách với một số sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn.
Tình trạng này được nhiều hãng công khai tới người dùng để có những dự tính, kế hoạch về việc mua sản phẩm. Thậm chí, tại một số đại lý kinh doanh, tư vấn bán hàng còn khuyên khách tạm hoãn ý định mua xe dù rất muốn bán xe.
“Nếu không vội, anh chị nên đợi đến những tháng giữa năm, khi xe về đại lý nhiều, có đủ phiên bản, màu sắc để mua với giá hợp lý hơn. Hiện tại, xe ở đại lý còn 1, 2 chiếc không đủ phiên bản và màu sắc”, tư vấn bán hàng một đại lý Honda tại Hà Nội cho biết về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Mẫu xe máy Honda Vision cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, hiện tại nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong tình hình “Bình thường mới” khi mà học sinh sinh viên trở lại trường học, công nhân viên trở lại các doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu thị trường tăng.
Chính sách kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu của nhiều quốc gia cũng đã ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực logistic. Nhiều thương hiệu do không tiếp cận được nguồn cung linh kiện đã có thời điểm phải tạm dừng, đóng cửa một phần dây chuyền sản xuất.
Tại Việt Nam, thương hiệu xe máy chiếm thị phần lớn nhất là Honda cũng rơi vào tình trạng tương tự. Bắt đầu từ tháng 4, Honda Việt Nam phải đối mặt với việc sản lượng sản xuất trung bình của một số mẫu xe tay ga sản xuất nội địa sụt giảm. Tình trạng này được dự đoán còn tiếp diễn trong những tháng tiếp theo khi hiện tại sản lượng tháng 5 dự kiến giảm tới 73% so với kế hoạch ban đầu.
Anh Quân (forum.autodaily.vn)
Ý kiến đánh giá