07:22  | 

Khi phái đẹp học cầm vô-lăng

Vất vả, mất nhiều công sức hơn cánh mày râu, nhưng đối với phụ nữ, học lái xe là việc mới mẻ nhưng cũng khá lôi cuốn. Và xoay quanh chuyện học cầm vô-lăng, đạp ga, vào số là khối chuyện “chỉ phụ nữ mới thế”.

>> Phụ nữ lái xe an toàn hơn phái mạnh

>> 5 xế nhỏ phù hợp với phụ nữ Việt

Ngày càng nhiều bóng hồng học lái

Việc phụ nữ đi học lái xe chỉ rộ lên cách đây 4-5 năm và số lượng ngày càng tăng. Những năm trước, mỗi lớp có 49 hoặc 56 người (theo quy định) thì chỉ có một, hai người nữ tham gia, nay số lượng nữ có lúc lên đến 10 người/lớp. Và con số này vẫn không ngừng gia tăng, khi số lượng các bạn nữ gửi hồ sơ về các trung tâm dạy lái xe ngày càng nhiều.

Ngày càng nhiều phụ nữ Việt Nam sở hữu ôtô nên nhu cầu học lái tăng cao

Hầu hết, học viên nữ đăng ký học lái ôtô ở hạng B1 (xe dưới 3,5 tấn; ôtô dưới 9 chỗ ngồi, kể cả người lái). Ở hạng xe này, dù trọng tải nhỏ hơn các hạng xe khác, nhưng để điều khiển được chiếc xe cũng cần phải đầu tư nhiều công sức, thời gian.

Phần lớn, phụ nữ ngày nay thích làm việc, kiếm tiền; có nhu cầu đi đây đi đó và biết… lái ô tô. Biết lái xe là một điều cần thiết, giúp người phụ nữ bắt kịp sự phát triển của xã hội. Hiện nay, ở các thành phố lớn, việc phụ nữ lái xe là rất phổ biến.

Trước kia, hình ảnh một người phụ nữ lái xe vẫn còn khiến nhiều người thấy lạ lẫm. Tuy nhiên, khi kinh tế gia đình đã khấm khá, nhiều người nghĩ đến chuyện mua ôtô để thuận tiện trong quá trình đi lại và họ muốn tự mình cầm lái.

Phụ nữ ngày nay thích tự mình cầm lái

Lái ôtô cũng là một cách thể hiện tính độc lập, sự năng động của mỗi người. Khi chồng không có nhà, người phụ nữ có thể đưa con đi học, đi chơi. Khi có việc cần, bản thân có thể tự lái ôtô đi công việc, mua sắm. Đối với những người làm việc ở các công ty thì kỹ năng lái ô tô càng quan trọng hơn bởi họ có thể tự mình lái xe khi đi liên hệ công việc hoặc đi công tác.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Đài TH KTS VTC) chia sẻ: “Nhiều người bảo con gái thì không nên học lái ôtô, nhìn không nữ tính. Nhưng tôi vẫn quyết tâm ngày hai buổi đi học. Vì tôi nghĩ, việc tự điều khiển ôtô sẽ giúp cho công việc hay đi lại của tôi sau này được thuận tiện”.

Những câu chuyện sau tay lái

Anh Nguyễn Đức Thủy, giáo viên dạy thực hành lái xe của Trường dạy nghề Đông Đô, cho biết: “Dạy lái ôtô đối với nữ khó khăn gấp nhiều lần so với nam giới. Thường thì nữ không có đủ sức khỏe, mức độ tập trung cũng như khả năng ứng biến nên trong quá trình thực hiện các thao tác khi lái xe, các học viên nữ gặp nhiều khó khăn và xử lý tình huống không nhanh nhạy bằng các học viên nam”.

Dạy lái ôtô đối với nữ khó khăn gấp nhiều lần so với nam giới

Cùng một nội dung nhưng nếu học viên là nữ, thầy phải nói đi nói lại rất nhiều lần. Khi hướng dẫn học viên nữ lái xe, giáo viên phải kiên nhẫn, luôn chú ý quan sát và sẵn sàng can thiệp khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Đặc biệt khi tham gia giao thông trên đường trường, phụ nữ thường hay mất tự tin và bị “khớp” trước những xe lớn đi ngược chiều, gia súc đi trên đường hoặc các xe tạt ngang đầu.

“Lúc này thầy phải “nhìn xa trông rộng”, tùy mức độ mà sẽ dùng thắng phụ để dừng xe, hoặc gạt học viên ra khỏi tay lái. Thầy sẽ lái một đoạn, sau đó trấn an tinh thần học viên rồi để học viên tiếp tục cầm lái. Dạy cho học viên nữ, thầy phải luôn tập trung cao độ nên dễ mỏi mệt” – anh Thủy kể.

Với học viên nữ, phần lý thuyết có vẻ dễ dàng hơn thực hành. Chương trình ôn thi có tất cả 405 câu hỏi trắc nghiệm với kết quả gồm các phương án một, hai, ba, bốn mà học viên cần hiểu để trả lời đúng. Học viên trả lời được đúng 26/30 câu trở lên là đã qua phần lý thuyết (đối với hạng xe B2).

Phần thi này học viên không khó để vượt qua, bởi trong quá trình học, thầy giảng giải rất kỹ các nội dung để học viên hiểu và chọn đúng đáp án. Lý thuyết thuộc làu làu là thế, nhưng khi ngồi sau tay lái, việc giữ cho đều ga, đúng côn cũng khiến nhiều người đổ mồ hôi hột.

Thi lái xe trong sa hình là trở ngại đối với nhiều chị em

Bắt đầu làm quen với ô tô, người lái chưa cảm nhận bánh xe trước, nên xoay vô lăng liên tục rồi leo lên vỉa hè, tường chắn. Lúc cho xe dừng lại thay vì đạp côn, trả số về không và tắt máy thì lại chỉ đạp phanh, không trả số, nên lúc thả phanh, chiếc xe chồm lên làm người lái hoảng hồn.

Thế mới có chuyện, chị Hợp (Đỗ Xá, Phú Xuyên, Hà Nội) lên trung tâm học lái, ngay tuần đầu tiên đã lái xe đâm thẳng vào bức tường vừa mới xây. Chị kể: “Hôm đó Thầy thấy mình lái cũng thạo thạo rồi nên không giám sát kỹ như mấy ngày đầu. Xe đang bon chậm thì gặp viên đá, bánh xe hơi khựng lại nên mình thúc ga lên để vượt qua, kết quả là quá đà, phải đền trung tâm học lái mất 10 triệu để xây tường mới”.

Vất vả khi muốn làm nữ xế

Đối với những người phụ nữ thấp bé, việc điều khiển ôtô gặp nhiều trở ngại hơn, bởi các bộ phận điều khiển đặt ở vị trí hơi xa so với tầm với. Ví như, côn cách xa chân trái nên khi đạp côn phải đưa người tới trước và dùng rất nhiều lực. Ghế cũng phải ngả về trước tối đa thì mới có thể ngồi thoải mái. Do vậy, hầu như ai cũng phải đệm túi, hoặc mang theo một cái gối dựa lưng để khắc phục nhược điểm này.

Chính vì thiết kế xe như vậy nên người lái khi mất bình tĩnh thường nhầm lẫn giữa côn, ga và phanh. Trên sân tập lái không hiếm cảnh: trò lái nhưng thầy giữ hộ vô lăng, còn chân lăm lăm vào phanh phụ.

Nhiều lí do khiến phụ nữ học lái xe vất vả hơn nam giới

Chưa hết, chị em học lái xe còn sợ cảnh ngồi trong cabin mùa nóng và đi sa hình. Chị em ta vốn tính sạch sẽ, nhưng khổ nỗi xe dành cho tập lái toàn xe cũ không có máy lạnh. Mùa lạnh không nói làm gì nhưng mùa nóng thì cơ man là khổ. Mồ hôi vắt ra như tắm, đủ các thứ mùi không tên vương vất quanh ghế lái, ngột ngại đến khó chịu. Hãi nhất là khi phải thắt dây an toàn, chị em phải làm một động tác là quàng một băng vải “chứa” không biết bao nhiêu thứ mùi của những người học lái trước vì yêu cầu băt buộc.

Lúc tập lái thì thư giãn, thoải mái vì “đường ta, ta đi”, nhưng đến phần đi sa hình, chị em nào cũng lắc đầu, lè lưỡi. Chị Nguyễn Bích Thủy (đường Láng, Hà Nội) cho biết: “Đây là phần căng thẳng và khó nhất. Vào đến đây thì mới biết hết cái sự hành xác của việc đi học lái xe. Mặt căng ra vì run, mắt căng ra nhìn đường để nhớ hết 14 điểm của bài thi đi sa hình. Rồi đề-pa, lùi chuồng… cái nào cũng cần động tác nhanh và chính xác. Chị em thường cuống và hay trượt ở những bài này”.

Rồi chị Thủy kết luận, chị em ta thường lơ mơ chuyện máy móc xe pháo nên cứ nghĩ là cứ học thế nào cũng lái được. Nhưng đến lúc thực sự phải “ôm xe” tự lái một mình thì nhiều người mới nhận ra là muốn lái xe cũng phải khổ luyện nhiều.

 Thế Đạt (TTTĐ)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm