Thứ Ba, 05/11/2024 | 07:23
06:49 |
Vespa: Sự ra đời của một huyền thoại (phần 1)
Ít ai biết rằng, trước khi thành danh với Vespa, hãng xe Italia Piaggio từng là một trong những trung tâm sản xuất máy bay dân sự và quân sự hàng đầu châu Âu trong hai cuộc chiến tranh thế giới.
>> Siêu phẩm Vespa 946 được bán qua mạng
>> Miễn phí trước bạ khi mua xe Vespa và Liberty
Lịch sử xe tay ga
Thành lập tại Genoa, Italia vào năm 1884, Rinaldo Piaggio – cha đẻ của thương hiệu Piaggio khi đó mới 20 tuổi và ý tưởng khai sinh ra một thương hiệu mang tên mình khi đó được cho là khá ngông cuồng.
Piaggio thực sự được biết đến khi cho ra đời Vespa
Thủa mới thành lập, hướng đi của Piaggio khá hỗn loạn và thiếu tính nhất quán. Ban đầu Piaggio được xác định nhắm vào sản phẩm du thuyền đi biển hạng sang, sau đó chuyển sang sản xuất các toa xe đường sắt để vận chuyển hàng hóa, toa xe điện cao cấp vận chuyển hành khách và các xe tải dạng đặc biệt.
Thế chiến thứ nhất đã mang đến một sự chuyển biến mới trong lĩnh vực hoạt động sản xuất của Piaggio trong nhiều thập kỷ sau đó khi công ty bắt đầu sản xuất máy bay và thủy phi cơ. Đồng thời, nhiều nhà máy mới được mọc lên minh chứng cho sự thịnh vượng và thành công của hãng.
Năm 1917, Piaggio mua một nhà máy mới ở Pisa, và bốn năm sau đó thông qua việc mua lại một nhà máy nhỏ ở Pontedera, Piaggio chính thức trở thành trung tâm sản xuất hàng không (cung cấp các linh kiện chính cho ngành như cánh quạt, động cơ và máy bay hoàn chỉnh, bao gồm cả máy bay nghệ thuật và máy bay ném bom) cho toàn bộ khu vực châu Âu.
Trước và trong Thế chiến II, Piaggio là một trong những hãng sản xuất máy bay hàng đầu của Italia và phục vụ cho tất cả các nước thuộc phe trục quốc xã. Vì lý do này, các nhà máy của hãng tại Genoa, Finale Ligure và Pontedera trở thành mục tiêu quân sự quan trọng bắn phá của phe đồng minh và lâm vào tình trạng thiệt hại nghiêm sau chiến tranh.
Phát minh bước ngoặt năm 1946
Chiến tranh chấm dứt, hai con trai của Rinaldo Piaggio là Enrico và Armando ngay lập tức bắt tay vào quá trình tái sản xuất công nghiệp, gây dựng lại thời hoàng kim của thương hiệu. Tuy nhiên, nền kinh tế Italia khi đó gần như tê liệt hoàn toàn và tình trạng đường sá bị hư hỏng nặng khiến việc theo đuổi lĩnh vực hàng không trở nên không còn phù hợp. Piaggio quyết định rời khỏi lĩnh vực sản xuất truyền thống và chuyển sang ý tưởng về phương tiện giao thông giá rẻ dành cho công chúng.
Việc khó khăn nhất lúc này là việc tái thiết và vực dậy cơ sở sản xuất quan trọng nhất: nhà máy Pontedera. Người con trai cả Enrico Piaggio quyết định sắp xếp dịch chuyển một phần của nhà máy này về thành phố Biella, tỉnh Piedmont phía bắc đất nước. Tại đây, ông tiến hành một cuộc cải cách lớn đưa thương hiệu Piaggio tập trung vào mảng phương tiện di chuyển dành cho cá nhân.
Sự điều chỉnh của Enrico cho thấy một năng lực trực giác vô cùng tốt, bởi sau này chính mảng sản phầm này đã trở thành định mệnh của Piaggio, tạo dựng nên sự nổi tiếng khắp thế giới cho hãng xe Italia.
Ngoài công lao định hướng của Enrico Piaggio, thành công rực rỡ của hãng còn nhờ một phần lớn vào tài năng thiết kế phi thường của thiết kế sư trưởng – nhà phát minh Corradino D'Ascanio (1891-1981).
Vespa: Sự ra đời của một huyền thoại
Manh nha từ khi chiến tranh sắp kết thúc, Enrico đã nghiên cứu mọi giải pháp để có thể tạo ra một mẫu xe động cơ tay ga dựa trên mô hình những mẫu xe máy nhỏ sản xuất riêng cho lính nhảy dù. Nguyên mẫu ban đầu của Vespa là chiếc MP5, có biệt danh "Paperino" (tiếng Italia có nghĩa là vịt Donald) vì hình dạng kỳ lạ của nó. Nhưng Enrico Piaggio không ưng sản phẩm này và yêu cầu Corradino D'Ascanio thiết kế lại.
Nguyên mẫu ban đầu của Vespa là chiếc MP5, có biệt danh "Paperino"
D'Ascanio vốn xuất thân là một kỹ sư ngành hàng không, do vậy ông không có nhiều niềm đam mê với xe máy. Ông cảm thấy chúng không thoải mái khi sử dụng, cồng kềnh với những bánh xe và người dùng rất dễ dàng gặp rắc rối nếu lốp xe bị xịt, điều không bao giờ xảy ra với máy bay. Tệ hơn nữa, khi gặp vấn đề với ổ đĩa, chắc chắn họ sẽ lấm lem chân tay, quần áo mà chưa chắc đã xử lý được mọi chuyện (lưu ý là vào thời điểm đó xe máy chưa thịnh hành, và dĩ nhiên là nghề thợ sửa xe lại càng chưa thịnh hành). Tuy nhiên, tình bạn và tình đồng nghiệp thân thiết với Enrico không cho phép D'Ascanio từ bỏ sự nghiệp tại Piaggio.
Khi đã xác định gắn bó với nó, kinh nghiệm làm việc lâu năm trong ngành hàng không giúp ông nhanh chóng tìm thấy câu trả lời cho mọi vấn đề. Để loại bỏ những tác động xấu trong quá trình vận hành và làm cho chiếc xe dễ sử dụng hơn, ông đưa cần số vào tay lái (thứ ngày nay chính là số tự động trong tay ga). Để việc thay thế lốp xe trở nên đơn giản hơn mỗi lần bị xịt, ông tạo ra một hộp đựng đồ tương tự như khoang chứa đồ trên máy bay.
Corradino D'Ascanio's (thứ 2 từ trái sang) và "chú ong" huyền thoại
Cuối cùng, ông đã tạo ra một sản phẩm hoàn hảo đến không ngờ - thứ giờ đã trở thành kiệt tác của nhân loại. Cả thập kỷ trước khi Cơ quan sức khỏe Liên hợp quốc công bố kết quả về tư thế khoa học nhất trong quá trình làm việc của con người, thiết kế ghế ngồi và tư thế lái xe của Vespa đã đạt tới đẳng cấp giúp cho người dùng thoải mái và an toàn trong hàng tiếng đồng hồ di chuyển trên đường.
Tác phẩm của Corradino D'Ascanio's hoàn toàn độc đáo và mang tính cách mạng so với tất cả các phương tiện giao thông hai bánh khác hiện có lúc bấy giờ. Và khi nhìn thấy nó lần đầu tiên, ông chủ Enrico Piaggio đã phải thốt lên bằng tất cả sự ngạc nhiên và thích thú: “Trông nó hệt như một chú ong”. Và thế là cái tên huyền thoại Vespa (tiếng Italia có nghĩa là con ong) ra đời.
Còn tiếp...
Phan Liên (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá