06:20  | 

Xe máy Suzuki “thua đau” ở Việt Nam

Trong cuộc đua “tam mã” giữa Suzuki, Honda và Yamaha tại thị trường xe máy Việt Nam, Suzuki đã dần đánh mất vị thế của mình. Ngoài những yếu tố bất lợi, hãng xe từng sở hữu FX 125, Viva “vang bóng một thời” đã tự loại mình ra khỏi nhiều “cuộc chơi”.

“Chết” vì xe Trung Quốc?

Suzuki xuất hiện ở thị trường Việt Nam tương đối sớm, từ 1996. Đầu tiên là dòng xe Viva, sản phẩm nổi tiếng bền bỉ và đầm chắc. Tuy nhiên, trước đó người tiêu dùng Việt Nam đã biết đến thương hiệu Suzuki qua những dòng xe nhập khẩu không chính hãng như GN 125, FX, Epicuro, Avenis… Trong đó, những chiếc FX lừng danh hay “Su xì po quạt chả” là niềm ao ước của biết bao thanh niên 8X đời đầu. Tốc độ, thể thao, nam tính là những mỹ từ mà các tín đồ xe máy dành tặng cho các dòng xe FX và "Su xì po".

Xe máy Suzuki “thua đau” ở Việt Nam autodaily-suzuki (4).jpgSuzuki FX 125 "vang bóng một thời"

Những dòng xe này trở thành cơn sốt cho giới trẻ. Hiếm dòng xe nào ở Việt Nam có thể tạo được trào lưu chơi xe côn tay như FX và "Su xì po". Điểm qua những sản phẩm của Suzuki tại thị trường Việt Nam, có thể thấy triết lý thiết kế của Suzuki với kiểu dáng động lực học, khung sườn thể thao, nhỏ gọn phù hợp với người Việt và thanh niên trẻ tuổi.

Miếng mồi béo bở của thị trường xe máy Việt Nam không tránh khỏi sự nhòm ngó của các nhà sản xuất Trung Quốc. Giá rẻ, chất lượng thấp là những điểm dễ nhận thấy của xe máy Trung Quốc. Với kiểu dáng nhang nhác các hãng xe liên doanh Nhật Bản, xe máy Trung Quốc đã đánh đúng thị hiếu người tiêu dùng và nhanh chóng tràn ngập thị trường Việt Nam.

Suzuki cũng không phải là ngoại lệ. Do quá thành công nên FX, Best, Viva nhanh chóng bị làm nhái. Sự xuất hiện ồ ạt của dòng xe Trung Quốc đã làm mất hình ảnh gắn liền với chất lượng của Suzuki.

Tự thua trên “sàn đấu”

Nếu nói Suzuki “đuối” dần trong cuộc đua quyết liệt tranh giành thị phần tại thị trường xe máy Việt Nam là do xe Trung Quốc thì đó là một lý do ngụy biện. Xe Honda, Yamaha cũng bị nhái, tại sao họ vẫn tồn tại được, vẫn “sống” khỏe và đánh bật được xe Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt. Suzuki Việt Nam có dấu hiệu “hụt hơi” là bởi sự thiếu linh hoạt trong chính sách điều hành, truyền thông và marketing. Họ đã tự thua.

Xe máy Suzuki “thua đau” ở Việt Nam autodaily-suzuki (1).jpgDanh mục sản phẩm của Suzuki thực sự “nghèo nàn”

Honda Việt Nam xuất hiện (1998) với chất lượng tốt, phụ tùng rẻ, hệ thống phân phối rộng khắp từng bước tham vọng bành trướng thị trường trong nước. Yamaha cũng vậy, đặt chân vào thị trường Việt Nam chậm hơn Suzuki (1998), nhưng với thiết kế trẻ trung đánh vào giới trẻ họ đã “kéo” được một lượng khách hàng không nhỏ “trung thành” sử dụng sản phẩm của mình.

Bên cạnh đó, sự linh hoạt trong chiến lược marketing và vòng đời sản phẩm liên tục cải tiến trong chu kỳ thời gian ngắn (có những sản phẩm đôi khi chỉ là thay tem đổi màu sơn), đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Nếu sản phẩm của Honda và Yamaha đa dạng, trải đều từng phân khúc từ xe số, xe tay ga tầm trung, cao cấp đến xe côn tay thì sản phẩm của Suzuki thực sự “nghèo nàn”.

Ở dòng xe số, những Revo, X-bike hay mới đây là Viva mới tỏ ra quá yếu thế. Sky Drive hay Hayate ở dòng xe tay ga ra mắt rồi mất hút trên thị trường. Thậm chí có người còn không biết rằng, Suzuki bán mẫu xe tay ga có cái tên UA tại thị trường Việt Nam. Gần đây, hãng xe Nhật đẩy mạnh các dòng sản phẩm ở phân khúc xe côn tay bằng việc ra mắt một loạt mẫu xe như GZ-150A, En-150A, Axelo hay Raider... nhưng hầu hết chúng không đến được với số đông người tiêu dùng do kiểu dáng xấu, chất lượng thì không hẳn vượt trội.

Xe máy Suzuki “thua đau” ở Việt Nam autodaily-suzuki (2).jpgXe của Suzuki không đến được với số đông người tiêu dùng do kiểu dáng xấu, chất lượng thì không hẳn vượt trội

Sự xuất hiện 2 đối thủ nặng ký là Honda và Yamaha, ngoài yếu tố chất lượng cộng với chiến dịch quảng cáo rầm rộ đã kéo tụt thị phần của Suzuki Việt Nam. Từ chỗ ở thế bề trên, Suzuki đã đánh mất thị phần và lâm vào thế rượt đuổi 2 đối thủ đồng hương. Không họp báo, không có những buổi ra mắt hoành tráng, không có chiến dịch truyền thông hay marketing dài hơi đã khiến Suzuki mờ nhạt dần trước 2 cái bóng quá lớn là Honda và Yamaha.

“Thay đổi và thách thức” (Change & Challenge) là khẩu hiệu mà Suzuki Việt Nam đang áp dụng. Nhưng nếu cứ chậm “thay đổi” và “thay đổi” không đúng thì Suzuki “thách thức” ai ở thị trường Việt Nam!?

Thế Đạt (TTTĐ)

Ý kiến đánh giá (27)


Có thể bạn quan tâm