Chủ Nhật, 19/01/2025 | 10:10
07:58 |
Ngày 3 hành trình Bắc Lào: “Chết mê” với tục té nước ở Lào
Hôm nay là ngày chính của Tết Lào (Bunpimay). Cậu bạn người Việt, sống ở Lào đã cả chục năm nay nói với chúng tôi: “Hôm nay sẽ vui lắm. Các anh phải chuẩn bị sức để chiến đấu nhé!”.
Tắm phật cầu may
Sau khi nạp năng lượng đầy đủ, vì dự là hôm nay sẽ kín lịch đi thăm thú tại các điểm du lịch ở Viêng Chăn, chúng tôi lái xe ra Tháp Thạt Luổng hay That Luang khi đồng hồ mới chỉ 8h sáng. Trên đường ra Tháp, cũng không thể bỏ qua Patuxay – khải hoàn môn, một biểu tượng chiến thắng của người Lào.
Hầu hết khách du lịch khi đến với thủ đô của đất nước Lào đều dành thời gian ghé thăm Patuxay. Patuxay được người dân đất nước Triệu Voi ví như khải hoàn môn của thành phố. Công trình được xây dựng để vinh danh những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Lào.
Patuxay nằm giữa trục đường chính của con đường đẹp nhất thủ đô, nơi dù bạn đi từ bất kỳ hướng nào cũng có thể nhận ra nó từ xa. Giữa ngã tư phố phường, Patuxay chào đón ánh bình minh của một ngày mới.
Quảng trường Patuxay - Biểu tượng chiến thắng của người Lào.
Cách Patuxay không xa là Thạt Luổng. Đây là công trình kiến trúc được xây từ năm 1566 theo hình một nậm rượu, trên một phế tích của một ngôi đền Ấn Độ thế kỷ 13. Bên ngoài ngôi chùa được dát vàng. Thạt Luông đã bị phá hủy trong cuộc xâm lược của người Thái vào thế kỷ 19 nhưng sau đó đã được khôi phục nguyên trạng. Kiến trúc ngôi chùa tháp mang phong cách văn hóa và bản sắc Lào và đã trở thành một biểu tượng quốc gia của Lào, được in trên tiền giấy và quốc huy của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Tháp Thạt Luổng - Một biểu tượng quốc gia của Lào.
Hiện nay khuôn viên chùa đã được rào lại không cho xe vào, trước kia khách tham quan có thể lái xe chạy xung quanh chùa. Hôm nay là ngày Tết nên người dân Viêng Chăn đến đây khá đông để tắm phật. Mà không chỉ ở Thạt Luổng, sau đó ghé thăm bất cứ ngôi chùa nào ở thủ đô vào những ngày này, chúng tôi đều thấy các ngôi chùa đều được trang trí với hoa và cờ từ sớm.
Các bức tượng Phật được đặt ngoài hiên trong bồn nước hương với những đóa hoa muồng hay hoa phong lan trang trí trên mình tượng và dưới chân. Các cội bồ đề và vị hộ pháp cũng được trang trí bằng hoa. Sau nghi lễ dâng hương trong chùa, ai cũng thành tâm tưới nước thơm hay nước tinh khiết lau chùi tượng Phật, tỏ lòng thành kính và cầu may mắn cho năm mới.
Một buổi sáng ấn tượng với nhưng ngôi chùa ở Viêng Chăn và cũng thật ấn tượng với sự xuất hiện của người Việt nơi đây. Đến các điểm du lịch, chúng tôi khá bất ngờ khi rất nhiều người Việt làm dịch vụ, người bán bánh bao, người chụp ảnh, người bán chim phóng sinh. Sang đây, họ cũng hiền hòa hơn, không vồn vã, điềm đạm và luôn nở nụ cười trên môi.
Xuống phố té nước
Sau ngày tắm Phật là quãng thời gian sôi động nhất của ngày Tết khi người dân tạm quên đi những lo toan hàng ngày và cùng nhau xuống đường đón năm mới.
Người Lào quan niệm rằng, tạt nước nhằm xóa đi những xui xẻo, mệt mỏi của năm cũ để đón một năm mới tươi đẹp hơn
Người Lào quan niệm rằng, tạt nước nhằm xóa đi những xui xẻo, mệt mỏi của năm cũ để đón một năm mới tươi đẹp hơn. Ai càng bị tạt nhiều nước sẽ càng gặp nhiều may mắn.
Đồng thời nước sạch còn tượng trưng cho sự hòa thuận dân tộc. Tất cả những thù hận, bất đồng của năm cũ sẽ tan biến đi theo từng giọt nước. Nước còn là vật truyền tải những tình yêu thuần khiết; khi được một chậu nước đổ lên người thì đôi nam nữ thanh niên đã từng quen biết nhau ấy sẽ nhìn nhau mỉm cười một cách ý tứ hơn. Nếu như cả hai bên đều có tình ý thì hạt mầm tình yêu của họ sẽ hé nhú trong dịp năm mới này.
Autodaily Team (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá