Thứ Sáu, 22/11/2024 | 17:50
06:50 |
Giám đốc thiết kế Nissan: “Thiết kế là vấn đề tương lai”
Satoru Tai không phải là một nhà thiết kế xe hơi bình thường. Là Giám đốc thiết kế của bộ phận thiết kế sản phẩm của Nissan kiêm Phó Chủ tịch của Box sáng tạo ở Tokyo, ông phải gồng gánh rất nhiều công việc hết sức quan trọng.
Song vị lãnh đạo 54 tuổi người Nhật Bản này đã phải trải qua một chặng đường dài trước khi đảm nhận vai trò cao cả này.
Kể từ khi tham gia Nissan vào năm 1982 sau khi tốt nghiệp ngành thiết kế sản phẩm tại Đại học Tsukuba,ông đã góp mặt vào nhiều dự án khác nhau, bao gồm thế hệ đầu của Primera (P10), chiếc 300 ZX thứ hai (Z32) and nội thất của Skyline.
Giữa năm 1988 và 1989, ông dành một năm tại trường Nghệ thuật Hoàng gia tại London trước khi làm việc về thiết kế cao cấp và có một giai đoạn ở Mỹ làm thiết kế chính và nghiên cứu thị trường. Vào năm 1995, ông trở lại văn phòng Atsugi của Nissan ở Nhật Bản với cương vị nhà thiết kế chính trước khi góp tay vào chương trình xe phân khúc B thành công vang dội, trong đó phải kể đến chiếc xe biểu tượng Cube 2002, Micra2002 đầy phong cách, Redigo 2003 cũng như chiếc concept Jikoo.
Satoru Tai - Giám đốc thiết kế Nissan.
Tháng 10/2003, Satoru chuyển đến London để trở thành Phó chủ tịch thiết kế của Nissan châu Âu, nơi ông giám sát chiếc xe khái niệm Qashqai và Terranaut và các mẫu xe sản xuất khác. Nhưng sau đó, ông đã rời bỏ Nissan cũng như sự nghiệp của mình vào tháng 4/2007 để tập trung vào việc nuôi dưỡng con trai mình.
5 năm sau, ông được mời lại làm Phó chủ tịch của một trung tâm thiết kế cao cấp của Nissan tại Tokyo - Box sáng tạo - từ tháng 4/2012. Tháng 4/2013, ông được trao thêm trách nhiệm là một trong ba giám đốc thiết kế chính của Nissan đồng thời với việc giám sát quá trình xây dựng 3 mẫu xe concept nổi tiếng của năm 2013 - BladeGlider, Nismo và Freeflow IDx.
Phóng viên đã có cơ hội trò chuyện với ông để hỏi thêm về những mẫu xe nổi bật của hãng:
Phóng viên (PV): Thưa ông, điều gì đã đưa ông đến với thiết kế xe hơi?
Satoru Tai (ST): Ban đầu, tôi không có ý định trở thành một nhà thiết kế mà hứng thú hơn với lĩnh vực tâm lý học và triết học. Lý do tôi trở thành một nhà thiết kế xe là vì tôi đã nhìn thấy một chiếc Porsche 911 màu vàng khi tôi 14 tuổi. Lúc đó, tôi đang tập đánh golf với mẹ. Và tôi đã bị sốc khi nhìn thấy nó. Ngay lập tức, tôi đã bị chiếc xe lôi cuốn. Cuối cùng thì tôi cũng đã mua một chiếc Porsche 911 (dòng 993) vào năm 1994.
Porsche 911 là nguồn cảm hứng để Satoru Tai trở thành nhà thiết kế.
PV: Ông góp mặt nhiều vào việc thiết kế chiếc Cube thế hệ thứ hai mang tính biểu tượng. Theo ông, vì sao nó lại được nhiều nhà thiết kế xe và nhà phê bình yêu mến đến như vậy?
ST: Khi bạn nhìn thấy một cái gì đó và cho rằng nó là một sản phẩm tốt thì nó có thể đã cũ rồi. Những thứ thật sự mới mẻ ban đầu sẽ đưa lại cho người ta cảm giác "Tôi không thực sự hiểu được nó”. Với tôi, đó chính là yếu tố mới mẻ và Cube có được điều này.
PV: Ông từng nói rằng chiếc 911có ảnh hưởng đến Cube, cụ thể là như thế nào?
ST: Bản phác thảo ban đầu của Cube do Kuwahara vẽ lên khá “vuông vức”. Do vậy, tôi đã nghĩ tại sao không kết hợp một chút hơi hướng của chiếc 911 vào, bằng cách chăm sóc xử lý bề mặt và gọt giũa một cách khéo léo các góc cạnh nhưng không quá nhiều. Tôi cho rằng lý do để Cube là một thành công xuất phát từ điều này.
Nissan Cube.
PV: Các lãnh đạo của Nissan xem Cube là một mẫu xe cho thị trường ngách hay mẫu xe quy mô lớn?
ST: Họ xem nó như là một mẫu xe quy mô lớn và nó đã thực hiện được điều đó.
PV: Thành công của Cube có làm thay đổi sự nghiệp của ông hay không?
ST: Sau đợt đó, tôi được điều chuyển sang bộ phận kế hoạch sản phẩm vào năm 2002, bởi trước đó chúng tôi vừa làm thiết kế và đồng thời lên kế hoạch thời gian. Tôi tham gia xây dựng mẫu concept Jikoo và Redigo 2003 (với tư cách là nhà kế hoạch) trước khi Shiro yêu cầu tôi đến studio châu Âu của Nissan tại London năm 2003.
PV: Tại sao ông lại ra khỏi ngành công nghiệp xe hơi trong năm 2007?
ST: Tôi nghỉ việc tại Nissan khi con trai tôi ra đời vào tháng 4/2007. Lúc ấy, tôi thực sự muốn nhìn thấy nó lớn lên mỗi ngày.
PV: Nghỉ việc hoàn toàn chắc là một vấn đề không nhỏ đối với ông?
ST: Tôi rất quan tâm đến con người. Đứa bé mang DNA của tôi và tôi nghĩ có lẽ nó sẽ cho tôi thấy sự khởi đầu của chính mình. Trong những tháng đầu, vợ tôi đã không đi lại nhiều nên tôi chuẩn bị bữa ăn sáng, ăn trưa và tất cả mọi thứ. Tôi muốn suy nghĩ và cần thời gian để suy nghĩ, vì vậy nếu tôi thực sự làm việc thì tôi không thể sáng tạo. Trong 5 năm đấy, tôi không làm công việc thiết kế nào ngoài thiết kế tương lai của con trai tôi.
PV: Điều gì đã khiến ông trở lại với công việc?
ST: Khi con trai tôi lên bốn, nó bắt đầu học ở lớp mẫu giáo và vợ tôi chăm sóc nó. Thành ra, tôi chỉ ở nhà một mình. Con trai tôi bắt đầu nghĩ rằng cha nó luôn chăm sóc mọi thứ nhưng một ngày tôi nhận ra điều này có thể là khởi đầu của một cuộc sống sai lầm. Và rồi Shiro đã liên lạc lại với tôi …
PV: Giữa quãng thời gian đó ông có giữ liên lạc với Shiro Nakamura không?
ST: Chỉ thi thoảng thôi. Có lẽ ông ấy đã cảm nhận được rằng tôi có thể làm việc trở lại.
PV: Ông ấy nhìn thấy điểm gì ở ông để mời ông trở lại sau 5 năm?
ST: Có lẽ là thời kỳ của Micra/March và Cube?
PV: Bây giờ ông Shiro yêu cầu ông làm gì?
Satoru Tai chịu trách nhiệm thiết kế BladeGlider, Nismo và Freeflow IDx.
ST: Gây ngạc nhiên cho khán giả và khách hàng. Tôi phụ trách các show xe hơi, xe điện và xe Kei.
PV: Ông có ước là giá như đã được thiết kế một mẫu xe nào đó không?
ST: Thiết kế đối với tôi là vấn đề tương lai, vì vậy tôi không hứng thú với những dòng xe cổ điển. Tôi thích chiếc Porsche 993. Nhưng giống với các món ăn, bạn có thể thích thú đồ ăn mà một người khác chế biến. Nếu đích thân bạn chế biến thì có thể bạn lại không thích bằng. Tôi thích 993 nhưng chưa bao giờ tôi ước là đã thiết kế nó cả.
PV: Có chiếc xe nào mà ông mừng vì đã không thiết kế nó không?
ST: Thật ra với tính cách của tôi, thường những thứ mà tôi không bận tâm tới thì tự nhiên tôi cũng bỏ qua chúng luôn.
Hiếu Tâm (TTTĐ/Nguồn: Cardesignnews)
Ý kiến đánh giá